Chuyện dọc đường

Nước mắt - đánh thức yêu thương

15/01/2018, 10:58

Một số người vì sợ hãi phải thất vọng, tổn thương nên tằn tiện cả những giọt nước mắt...

hoc-sinh-khoc-nuc-no

Học sinh bật khóc trước bài giảng của thày Nguyễn Thành Nhân. Ảnh chụp từ clip

Cuối tuần qua, mạng xã hội lan toả clip hàng trăm học sinh trường THCS Nhật Tân, Hà Nội thổn thức, khóc khi nghe thày giáo, TS. Nguyễn Thành Nhân, cố vấn cao cấp về giáo dục và tâm lý của Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ châu Á - Thái Bình Dương A.T.Y. nói chuyện về chủ đề "lòng biết ơn".

Không chỉ với trường THCS Nhật Tân, rất nhiều buổi nói chuyện cũng về chủ đề đạo lý, hiếu nghĩa, yêu thương của thày Nhân với các bạn trẻ tại rất nhiều không gian, thời gian khác cũng mang lại hiệu ứng tương tự.

Bà mẹ tật nguyền, với một con mắt bị mù, nửa khuôn mặt biến dạng, hàng ngày đi ăn xin, gom góp tiền cho con ăn học. Nhưng người con trai duy nhất lại từ chối nhận mẹ trước mặt bạn bè vì mặc cảm, xấu hổ. Bà đành phải giữ khoảng cách cả về thời gian, không gian để giữ thể diện cho con, khi gần đất xa trời mới nhắn con đến gặp. Và cũng khi đó, người con trai mới biết rằng mẹ tật nguyền vì đã hiến một con mắt của mình cho cậu được lành lặn.

Một ông bố chạy xe ôm, vì muốn mua bằng được món quà sinh nhật đắt tiền như mơ ước của con gái, đã cố chạy thêm cuốc xe đêm để rồi trên đường về bị tai nạn giao thông qua đời, vẫn mang bên mình món quà chưa kịp tặng...

Chàng trai, cô gái trong câu chuyện, khi biết cất lời xin lỗi cha mẹ đều đã muộn, cơ hội bày tỏ lòng biết ơn vĩnh viễn không còn, chỉ còn lại giọt nước mắt tiếc nuối, ân hận, day dứt khôn nguôi...

Đó là hai trong số rất nhiều câu chuyện được thày Nhân chia sẻ. Dù hai câu chuyện trên kết thúc không "có hậu", song đều soi rọi tình yêu, sự tần tảo, hi sinh, yêu thương vô điều kiện - ở hầu hết ông bố, bà mẹ Việt Nam. Đồng thời, cũng giúp cho mỗi bạn trẻ đều có thể thấy mình trong đó khi coi tình yêu, đức hi sinh đó là đương nhiên; thậm chí không ít khi còn làm cha mẹ tổn thương bằng những lời nói, hành động bốc đồng, ích kỷ, vô tâm... Để rồi, những cảm xúc yêu thương, biết ơn, hối hận - bị che lấp bởi những lo lắng, sợ hãi, hoang mang, nổi loạn của lứa tuổi mới lớn - đã được vỡ oà theo nước mắt tuôn rơi.

Không riêng tuổi học trò, trong mỗi người trưởng thành, dù đã trải qua bao nhiêu thành công hay thất bại, hạnh phúc hay khổ đau, tin tưởng hay phản bội… thì sâu thẳm trong họ cũng chưa bao giờ hết yêu thương, hi vọng. Chỉ có điều càng đi qua nhiều thất vọng, tổn thương, chúng ta thường có xu hướng chôn giấu, kìm nén cảm xúc, vì sợ hãi phải thất vọng, tổn thương lần nữa. Và cũng vì thế mà chúng ta cũng trở nên tằn tiện cả những giọt nước mắt.

Song, một bác sỹ tâm lý giàu kinh nghiệm chia sẻ với tôi rằng, trong quá trình tư vấn, chữa bệnh cho hàng trăm, hàng nghìn khách hàng, chị nhận thấy, nguyên nhân quan trọng là do họ bị đè nén cảm xúc. Rất nhiều người, vì không chấp nhận được sự mất mát một điều gì đó, một ai đó, đã muốn vùi chôn tất cả ký ức liên quan, mà không biết rằng chối bỏ các cảm xúc tiêu cực cũng chính là một hình thức bạo hành bản thân mình.

Cũng theo bác sỹ này, chị “ngại” nhất là gặp những “ca” có lý trí mạnh mẽ, đặc biệt là họ ít nhiều có tiền tài hay địa vị. Chính vì sợ mất “hình ảnh” đó, rất nhiều người luôn phải gồng lên, che giấu, thậm chí đàn áp cảm xúc thật, và khi phát hiện ra vấn đề của mình thì thường tổn thương rất lớn và không dễ xử lý, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Hầu hết, các nhà nghiên cứu đều tin rằng nước mắt cảm động - gây nên bởi trạng thái xúc động mạnh, quá vui hoặc quá buồn - vốn chỉ có ở con người. Vậy nên hãy tin ở những giọt nước mắt, tin vào yêu thương như một giá trị cốt lõi của con người.

>>> Video nói chuyện của thầy Nguyễn Thành Nhân khiến hàng trăm học sinh ôm mặt khóc:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.