Đời sống

Nước mắt người nuôi ốc hương Hà Tĩnh

10/08/2019, 06:51

Sau nhiều lần thả giống nuôi, ốc hương giá trị cao ở Hà Tĩnh vẫn lăn đùng ra chết khiến nhiều hộ mất trắng hàng tỷ đồng, thiệt hại nặng nề.

img
Sau 4 lần thả giống, 3 hồ ốc của gia đình ông Trần Sông Hương không còn là bao, mỗi ngày chỉ ăn 40-50kg cá

Thực trạng này đòi hỏi chính quyền và người nuôi trồng nơi đây cần phải ngồi lại với nhau để tìm ra một giải pháp dài hơi, phát triển bền vững.

Mạnh ai nấy làm

Những ngày này, gia đình ông Trần Quốc Vựng (ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) như ngồi trên đống lửa bởi số ốc hương còn sót dưới ao lại có triệu chứng sưng vòi, đơ, không leo và chết lác đác.

Chỉ vào mớ ốc chết vừa được các thợ cào lên kiểm tra, ông Vựng kể: Sau lần thả giống đầu năm thất bại, cuối tháng 4/2019, gia đình ông tiếp tục xử lý ao hồ, hệ thống nước, thả nuôi hơn 6 triệu con giống mới. Những tưởng lần thả này sẽ vớt vát cho lần mất đầu. Nhưng sau 3 tháng dày công chăm sóc, hiện ốc hương lại có dấu hiệu sung vòi, đơ, khô và chết lác đác. Để tiết kiệm tiền điện và tiện chăm sóc, ông Vựng đã gom 4 hồ tập trung vào còn 2 hồ.

Theo ông Vựng, ước tính thiệt hại từ cả 2 lần thả ốc giống đã trên 1 tỷ đồng, nhưng gia đình ông còn may mắn hơn nhiều hộ khác. Điển hình như em trai ông, 2 lần thả giống đều chết hết, thiệt hại lên đến 800 - 900 triệu đồng. Giờ không có vốn tái đầu tư, em trai bỏ ao về nhà kiếm việc khác làm.

Cách đó không xa, tình cảnh hồ nuôi hộ ông Trần Sông Hương còn bi đát hơn. Ông Hương ngao ngán: “Gia đình tôi có 3 ao với hơn 9.000m2 mặt nước. Tính đến nay đã 4 lần thả ốc giống nhưng số ốc sống còn sót lại không là bao. Cùng thời điểm này năm ngoái, mỗi ngày một hồ ốc ăn đến 6 tạ cá, nhưng nay 3 hồ ốc chỉ ăn 40-50kg cá. Gia đình nuôi vớt vát để canh hồ là chính chứ không hi vọng gì nữa. Tổng thiệt hại sau 4 đợt thả ốc lên đến 2,4 tỷ đồng”.

Nhớ lại những ngày tiên phong đưa mô hình nuôi ốc hương về xã, ông Trần Mạnh Duyên kể: Khu vực Cồn Vạn trước đây nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, do tôm nuôi thường xuyên gặp phải dịch bệnh, thua lỗ nên diện tích giảm dần. Năm 2016, ông lặn lội vào Nha Trang đưa 1 triệu con ốc giống về nuôi thử.

Sau 20 ngày chăm sóc, nhận thấy ốc phát triển tốt nên ông tiếp tục mua thêm 1,4 triệu con giống. Vụ đầu tiên, gia đình ông thu được 17 tấn ốc thành phẩm, trừ mọi chi phí, ông bỏ túi trên 1 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2018, nhờ chăm sóc tốt, ốc bán được giá nên 2 hồ nuôi 7.000m2 của ông Duyên cho lợi nhuận trên 2 tỷ đồng. Thế nhưng, bước sang năm 2019, ông Duyên lại giảm diện tích nuôi trồng còn 1 hồ.

“Trước đây, mô hình nuôi ốc hương ở xứ Cồn Vạn chỉ có Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Cẩm Lĩnh triển khai. Nhưng vì siêu lợi nhuận do con ốc mang lại, người dân trong vùng “đổ xô” vào nuôi khiến môi trường ở đây khó kiểm soát. Nhận thấy vậy nên gia đình không những không mở rộng diện tích mà còn thu hẹp lại để chăm sóc tốt hơn. Nhờ chăm sóc bài bản, nên ốc trong hồ nuôi của gia đình vẫn đang phát triển tốt”, ông Duyên nói.

Cần quy hoạch lại từ đầu

img
Nhiều ốc hương trong 2 hồ sót lại của gia đình ông Trần Quốc Vựng đang chết lác đác

Theo tìm hiểu của PV, hiện khu vực Cồn Vạn (thuộc xã Cẩm Lĩnh) có 24 hộ nuôi ốc hương với tổng diện tích 21,7 ha. Nếu tính cả xã Cẩm Lộc thì số hộ nuôi ốc hương lên đến hơn 60 hộ. Trong năm nay, rất nhiều hồ nuôi xảy ra tình trạng ốc chết, phải thả lại giống lần 2, thậm chí là lần 3, 4. Trong số này, một số hộ thiệt hại lớn phải bỏ hồ vì không còn vốn để tiếp tục đầu tư. Số còn lại vẫn đang “cầm cự” mong vớt vát được phần nào thiệt hại.

Theo nhận định của ông Trần Mạnh Duyên, nếu như trước đây, việc vận hành xả nước, lấy nước ở các hồ nuôi do một đầu mối thực hiện thì bây giờ, mạnh ai nấy làm. Việc xả nước, lấy nước không theo trình tự nên rất dễ bị ô nhiễm và khó kiểm soát, chưa kể một khi ốc bị nhiễm bệnh sẽ lây lan rất nhanh. “Để phát triển có hiệu quả và bền vững, xã cần phải quy hoạch lại từ đầu toàn bộ khu nuôi trồng Cồn Vạn. Đặc biệt, xã cần phải bố trí 1 tổ chức đứng ra quản lý xứ Cồn Vạn để xây dựng hệ thống xả nước, lấy nước riêng biệt nhưng lại chung cho toàn vùng thì mới không lặp lại tình trạng trên”, ông Duyên nói.

Trong khi đó, bà Đặng Thị Thu Hoàn - Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Kết quả kiểm tra lần đầu năm cho thấy, ốc hương chết không phải do dịch bệnh. Nhận định thực tế tại hồ có thể thấy, việc quản lý môi trường nuôi của các hộ dân chưa được đảm bảo. Việc thay nước ra, vào không được thường xuyên, không đảm bảo yêu cầu. Khi xuất hiện tình trạng ốc chết rải rác, người dân không kịp thời vớt xử lý nên càng khiến cho ao nuôi thêm ô nhiễm.

Cùng với đó là do thời tiết trong tháng 4 không thuận lợi, thường xuyên mưa nắng thất thường khiến cho ốc không thích nghi. Bà Hoàn khuyến cáo, trước khi thả nuôi vụ mới, bà con cần thực hiện tốt việc vệ sinh hồ nuôi, đảm bảo an toàn, tạo môi trường sạch bệnh để ốc sinh trưởng, phát triển tốt…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.