Thể thao

Nước mắt U23 Việt Nam, nước mắt Ánh Viên

15/06/2015, 08:04

Vị trí thứ 3 toàn đoàn không đồng nghĩa với việc Việt Nam đứng thứ ba Đông Nam Á...

 

anh_vien_cuoi_tuoi_AQLG
 Ánh Viên tại SEA Gmes 28

Chiều thứ bảy tuần trước, U23 Việt Nam đã gục ngã trước đối thủ U23 Myanmar tại bán kết môn bóng đá nam SEA Games 28. Khi trọng tài nổi còi kết thúc 90 phút thi đấu, các học trò của HLV Toshiya Miura đã bật khóc như những đứa trẻ. Giọt nước mắt của sự tiếc nuối. Trước đó, ngày 9/6, nữ kình ngư trẻ Ánh Viên cũng đã khóc khi về đích dù lập kỷ lục ở nội dung 200 m bơi bướm.

Hỏi ra mới biết Ánh Viên khóc vì cô đã mắc một số lỗi khi thi đấu khiến thầy Đặng Anh Tuấn không hài lòng. Như vậy, cùng là những giọt nước mắt tiếc nuối nhưng trong khi Ánh Viên có được tấm HCV danh giá thì U23 Việt Nam lại tủi hổ chấp nhận đá trận tranh HCĐ.

SEA Games 28 đang bước vào những ngày thi đấu cuối cùng và Đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) có lý do để vui mừng khi chỉ tiêu 65 HCV đã được hoàn thành và vượt ngay từ ngày 14/6 (2 ngày trước khi SEA Games 28 bế mạc). Thế nhưng, vị trí thứ 3 toàn đoàn không đồng nghĩa với việc Việt Nam đứng thứ ba Đông Nam Á về các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội.

Thể thao là một mặt của đời sống xã hội, xã hội có phát triển thể thao mới đi lên. Chẳng phải bỗng dưng những cường quốc thể thao hàng đầu thế giới đều phải là những quốc gia có nền tảng kinh tế vững mạnh. Trung Quốc có thể coi là ví dụ điển hình cho nhận định thể thao phát triển song hành cùng kinh tế.

Trở lại với câu chuyện của thể thao Việt Nam. Bao lâu nay các VĐV của chúng ta tập luyện và thi đấu gần như chủ yếu bằng “niềm tin”. Thu nhập của VĐV đỉnh cao chưa đầy 10 triệu đồng/tháng (trừ bóng đá), điều kiện tập luyện thiếu thốn đủ bề nhưng với ý chí vươn lên, thể thao Việt Nam đã dần khẳng định được vị thế ở khu vực. Tuy nhiên, thành tích mà thể thao Việt Nam có được đa phần chỉ dựa vào sự nỗ lực từ chính các VĐV, từ những cá nhân xuất chúng kiểu Ánh Viên chứ không phải là kết quả của cả một nền thể thao tiên tiến.

Con người nỗ lực mãi cũng đến lúc mỏi gối, nhân tài kiệt xuất không phải lúc nào cũng có và dĩ nhiên thể thao Việt Nam chưa thể phát triển một cách bền vững. U23 Myanmar vào chung kết môn bóng đá nam chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi đội U20 nước này đã giành quyền dự World Cup. HLV Miura là một người có tâm, có tài nhưng ông cũng bất lực trong việc đưa đội tuyển Việt Nam đến thành công.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.