Hồ sơ tài liệu

Nước nào hưởng lợi nếu Mỹ rút khỏi TPP?

24/11/2016, 05:52
image

Trung Quốc hẳn rất vui mừng khi nghe tin Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi TPP.

Tổng thống đắc cử Donald Trump xem TPP là một hiểm

Tổng thống đắc cử Donald Trump xem TPP là một hiểm hoạ tiềm ẩn với nước Mỹ

Trung Quốc hẳn rất vui mừng khi nghe tin Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi ông chính thức trở thành chủ nhân Nhà Trắng, BBC nhận định.

Khoảng trống kinh tế - thương mại ở Châu Á - Thái Bình Dương

Nhiều năm qua, Bắc Kinh coi TPP thực chất là một cách chính quyền Tổng thống Barack Obama gia tăng vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Á. Nói cách khác, TPP được xem như “con Át chủ bài” trong chiến lược xoay trục của Mỹ sang châu Á, theo BBC ngày 22/11. Có thể thấy, trong số 12 quốc gia tham gia Hiệp định không có Trung Quốc – động thái là “cách khống chế khéo léo” của Washington đối với sự trỗi dậy của Bắc Kinh ở một khu vực phát triển năng động. Bởi vậy, nếu ông Trump “nói lời giữ lời” vào tháng 1 tới, chẳng khác nào Washington vừa “tặng” một chiếc bánh ngon cho Bắc Kinh.

Trên Bussiness Insider, tác giả Linette Lopez cho rằng, khi rút khỏi TPP, Mỹ sẽ để lại một khoảng trống rất lớn cả về kinh tế, thương mại, chính trị ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc sẽ nhanh chóng lấp đầy khoảng trống đó, khiến các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực phải co mình lại. Lopez cho rằng, vũ khí lợi hại nhất mà Trung Quốc sẽ tung ra sau khi nhận “món quà vô giá” từ Trump chính là sáng kiến: “Một vành đai, một con đường” và những thỏa thuận kinh tế khác tạo dựng ảnh hưởng về kinh tế và chính trị đối với những quốc gia này, đẩy họ ngày càng xa khỏi Mỹ.

Chuyên gia phân tích Meredith Sumpter của Eurasia Group cho rằng, Trung Quốc sẽ tận dụng cơ hội một khi TPP bị đóng băng. “Trong tương lai gần, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ theo đuổi Hiệp định Thương mại Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với các quốc gia ASEAN và các đối tác thương mại khác ở châu Á - Thái Bình Dương”, Sumpter nói. Bước đi này nằm trong sáng kiến: “Một vành đai, một con đường”, tạo ra ảnh hưởng của Trung Quốc về thương mại, đầu tư khắp châu Á. Bắc Kinh đầu tư phát triển các tổ chức cho vay mới như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Biết đâu được, khi không còn Mỹ ở TPP, Nhật Bản sẽ quay sang Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Trung Quốc khởi xướng? Hiệp định RCEP đã được đàm phán từ năm 2013 đến nay giữa 10 nước thành viên ASEAN với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Nga - Trung hình thành định chế thương mại mới

Trong khi ông Trump “gạt TPP sang một bên” và đặt vấn đề “lợi ích cốt lõi Mỹ” lên hàng đầu, thì hai ông lớn Nga và Trung Quốc cũng quan tâm tới những lợi ích của riêng mình. Thủ tướng Nga Medvedev từng nhấn mạnh khi trả lời CCTV: “Hãy để các nước khác tiến hành những thoả thuận kinh tế và hội nhập của họ. Chúng ta sẽ phát triển các dự án hợp tác và hội nhập của chúng ta”. Còn hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời ông Medvedev nói: “Ngày nay, rất khó để có thể gọi tên một lĩnh vực mà Nga và Trung Quốc không hợp tác”.

Trước đó, Diplomat dẫn thông tin cho hay, việc Trung Quốc và Nga dự định tăng kim ngạch thương mại song phương lên 200 tỷ USD vào năm 2020. Cùng với việc Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP, giới quan sát “nín thở” dõi theo Nga - Trung trong vấn đề hợp tác thương mại.

Trong chuyến công du nhằm thúc đẩy sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có cuộc gặp với người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev tại St. Peterburg ngày 7/11 (một ngày trước bầu cử Mỹ). “Không khó để thấy trong đó sẽ có những luận bàn xung quanh TPP”, The Diplomat thẳng thắn nhận định, dù không cung cấp thêm chi tiết.

Hai nhà lãnh đạo chứng kiến các thoả thuận và nhiều biên bản ghi nhớ thương mại giữa hai bên được ký kết. Điển hình trong số này là sự hình thành một Quỹ liên doanh Nga - Trung Quốc (RCVF), mục tiêu nhằm trợ giúp các công ty công nghệ của Nga trên thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, còn có các thoả thuận tài trợ giữa Tập đoàn Dầu khí Gazprom của Nga với Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB); thoả thuận giữa Vnesheconombank (VEB) của Nga với CDB, cho phép các ngân hàng Nga vay 1 tỷ USD trong 15 năm để đầu tư vào các dự án; thoả thuận giữa Rosneft và Tập đoàn dầu khí Bắc Kinh…

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng cho biết, Nga và Trung Quốc đã nhất trí tăng cường thanh toán thương mại bằng đồng tiền của hai nước (đồng ruble và đồng nhân dân tệ). Thủ tướng Nga khẳng định động thái trên “là một hướng đi quan trọng và đúng đắn, nhất là khi đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế và được các định chế tài chính quốc tế lớn chính thức công nhận”.

Giới phân tích cho rằng, nhiều khả năng đây mới chỉ là “khởi đầu” của việc Moscow và Bắc Kinh xích lại gần nhau, trong bối cảnh TPP có nguy cơ đổ bể.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.