Đời sống

Nước ngập, nhà sập, đau đến nhập viện vẫn “bám cầu, bám đường” xuyên mưa lũ

29/10/2020, 21:34

Mưa lũ, nước ngập sâu vào trong nhà, tài sản bị lũ cuốn trôi, làm hư hỏng nhưng những công nhân ngành GTVT vẫn bám cầu, bám đường.

img
Cán bộ, công nhân ngành GTVT trực gác ở điểm đường nứt, sụt lở giữa mưa lũ

Dù đã hơn một tuần trôi qua, nhưng hậu quả của đợt mưa lũ lịch sử giữa tháng 10/2020 vẫn in rõ trên từng nếp nhà, trong từng ánh mắt bà con vùng rốn lũ Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Trong số hàng trăm ngàn gia đình chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, có không ít gia đình cán bộ, công nhân viên (CNV) ngành GTVT. Tuy nhiên, trong khó khăn gian khổ, các anh, các chị vẫn sáng ngời truyền thống “đi trước mở đường”; sẵn sàng hi sinh lợi ích cá nhân để đảm bảo, giữ vững “mạch máu” giao thông luôn thông suốt, an toàn.

Nhà ngập, 2 con thơ “phó mặc” hàng xóm để đi đảm bảo giao thông

Ngày 29/10, khi mà nước lũ trên địa bàn các tỉnh miền Trung vừa rút, người dân nơi đây lại tiếp tục lo ứng phó với hoàn lưu bão số 9. Những cơn mưa nặng hạt kéo dài từ đếm 28/10 đã gây khó cho công tác khắc phục hậu quả lũ lụt cũng như khôi phục các tuyến giao thông bị hư hỏng.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Bình cho biết: Tính đến sáng nay, các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn đều đã cơ bản thông xe bước 1, tuy nhiên, do mưa lớn kéo dài đã khiến một số đoạn trên quốc lộ 9C và 9E bị sụt trượt trở lại gây tắc đường. Vị trí km137 trên QL12A vừa thông xe được 1 ngày nay lại phải cấm đường vì nước dâng cuốn trôi đường công vụ. Hiện Giám đốc Sở đang lên hiện trường để tìm phương án khắc phục.

10 ngày đêm bám trụ tại điểm sạt lở, đứt đường km137, ông Lương Đức Hạnh - Phó GĐ Công ty CP SCĐB&XDTH 2 Quảng Bình, buồn rầu nói: Lại một lần nữa “ông trời thử lòng người”. Bao công sức làm trong hơn 1 tuần qua đã theo nước trôi đi. Không chỉ có điểm này mà trên đường tỉnh 559B, nước dâng ngập tràn Thanh Long sâu 1,4m khiến cho tuyến đường cứu trợ từ TX Ba Đồn lên các huyện Tân Hóa, Cao Quảng của huyện Minh Hóa bị chia cắt. Chúng tôi đã cho lập rào cấm đường, đồng thời cho anh em nắm lại các điểm ngập, sụt trượt trên các tuyến.

img
Bất chấp nguy hiểm, các cán bộ công nhân của ngành GTVT vẫn "ăn núi, ngủ rừng" ngày đêm san gạt đất đá để khôi phục đường giúp lực lượng chức năng sớm tiếp cận, cứu giúp đồng bào. (Ảnh: km137 QL12A)

Theo ông Hạnh, suốt từ khi bắt đầu đợt lũ ngày 16/10, công ty huy động 100% quân số để đảm bảo giao thông, xử lý điểm tắc đường. Ngoài ra, đơn vị đã phải thuê thêm gần 100 người để tham gia khắc phục các điểm hư hỏng. Toàn bộ anh em trong công ty đều bám cầu, bám đường 24/24h, trong đó có 25 công nhân có nhà bị ngập nhưng cũng không về được”.

Đơn cử như chị Lê Thị Thu Vị - nhân viên duy tu Hạt QLĐB số 5, phụ trách khu vực đường tỉnh 559. Gia cảnh cũng thuộc diện khó khăn, chồng đi làm ăn xa, một mình chị ở nhà vừa đi làm vừa chăm 2 con (đứa lớn lớp 10, đứa nhỏ lớp 2).

Trận lũ vừa rồi, ngôi nhà của gia đình chị ở xã Văn Hóa, Tuyên Hóa bị nước lũ tràn vào nhà ngập sâu tới 1,5m, làm hư hỏng nhiều đồ đạc trong nhà và cuốn mất mảng sân mới làm. Thế nhưng, trong những lúc nguy cấp nhất, chị đành phải nhờ cậy bà con hàng xóm giúp đỡ di chuyển đồ đạc và trông nom 2 cháu, còn mình phải đi làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông. May mắn, được công ty quan tâm, ngày ngày đưa cơm cho 2 con ở nhà nên chị cũng phần nào yên tâm làm việc.

Chị Vị nhớ lại: hôm đó là đêm 16/10 nước dâng ngập đường tỉnh 559, em nhận được thông tin liền ra điểm ngập lập rào chắn, trực gác không cho phương tiện qua lại. Đến rạng sáng 17/10 thì nhận được điện thoại của con báo tin: nước dâng tràn vào nhà.

Lúc này đường ngập không về được, với lại đang trực chốt điểm ngập, lỡ mình đi có chuyện gì thì biết làm sao. Sau em đành điện cậy nhờ hàng xóm chạy sang thu dọn đồ và trông 2 cháu. Mãi đến 2 ngày sau, lũ rút, em mới về nhà thu dọn đồ được.

img
Nước cứ xối xả, đường tiếp tục sạt, nhưng các kỹ sư, công nhân vẫn sẵn sàng "mở đường máu" .

Hay như anh Nguyễn Công Khanh lái máy ủi, nhà bị ngập sâu đến hơn 2m nước, đồ đạc, lợn gà bị cuốn trôi nhưng suốt cả tuần nay các anh vẫn kiên cường bám điểm sạt lở, bất chấp nguy hiểm san gạt từng núi đất đá để thông đường. Ở nhà, mọi công việc đành nhờ vợ và anh em họ hàng giúp đỡ.

Ngoài ra, còn rất nhiều trường hợp khác, như: anh Nguyễn Quang Huế, chị Trần Thị Ngãi, anh Nguyễn Trung Chiến là công nhân Hạt QLĐB Lệ Thủy; các anh Nguyễn Văn Vận, Võ Anh Tuấn, công nhân Hạt QLĐB Quảng Ninh… có nhà cửa bị nước lũ ngập sâu, cuốn trôi và gây hư hại nhiều tài sản như ti vi, máy giặt, tủ lạnh, xe máy, lúa gạo… Thế nhưng, trước trong và sau mưa lũ, các anh vẫn bám cầu, bám đường để giữa vững “mạch máu” giao thông.

img
Đại diện Báo Giao thông trao quà, động viên các công nhân Công ty CP 483 chịu thiệt hại nặng nề của mưa lũ nhưng vẫn "bám đường, bám cầu" hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo ATGT

Sẵn sàng mở đường máu cứu dân

Đã gần 22h tối, nhưng anh Nguyễn Trọng Xứng, Công ty CP Sửa chữa đường bộ và Xây dựng tổng hợp Quảng Bình và các công nhân vẫn đang cật lực làm việc tại các điểm sạt lở ở QL9B, 9C, 9E, đường tỉnh 562 (đường 20).

Suốt 1 tuần nay, hễ ở đâu còn điểm sạt lở, ách tắc xe cứu hộ chưa vào được với dân, anh Xứng cùng với các công nhân, người lao động điều máy xúc, máy ủi tới thông đường. Bản thân nhà bố mẹ già gần 80 tuổi, ở Phong Nha cũng bị ngập sâu trong lũ, nhưng vì nhiệm vụ, vì Nhân dân, các anh, chị vẫn bám cầu, bám đường.

Anh Xứng cho biết: Chưa bao giờ mà sạt lở ùn tắc lại xảy ra với quy mô lớn, trên địa bàn rộng như trận mưa lũ vừa rồi. Tất cả các tuyến đơn vị quản lý đều có hàng chục điểm ngập, sạt lở tắc đường. Có những tuyến như QL9B nối từ nhánh Đông sang nhành Tây đường Hồ Chí Minh, khối lượng sạt lở lớn, làm điểm này sạt điểm khác, anh em phải động viên nhau “mở đường máu” để cho lực lượng cứu hộ vào cứu dân 3 xã Lâm Thủy, Kim Thủy, Trường Sơn.

“Bạn bè, người thân ở nhà nghe tin sạt lở ở Huế, Quảng Trị làm nhiều cán bộ chiến sỹ hi sinh mà lo lắng điện thoại dặn dò phải cẩn thận. Mình cũng lo, vì đá vẫn lở, trời vẫn mưa, nhưng nếu mình không làm thì ai làm, đường tắc ngày nào, lực lượng cứu hộ vào giúp dân chậm ngày đó”, anh Xứng nói.

imgNhà bị đất đá sạt lở, vùi lấp tất cả nhưng anh Lê Đức Mạnh, công nhân Công ty CP 483 vẫn "bám đường, bám cầu".

Đang nằm ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới để chờ mổ ghép mảnh xương bị vỡ ở cánh tay trái, anh Lê Đức Mạnh (54 tuổi), công nhân Công ty CP 483 vẫn cảm thấy áy náy khi phải rời “mặt trận” trước. Anh Mạnh kể: Cách đây khoảng 1 tháng, trong lúc đi tuần đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, tôi không may bị ngã, chống tay xuống đường. Sau đó, được đồng nghiệp đưa lên bệnh viện ở huyện Hướng Hóa chụp chiếu nhưng không phát hiện gì.

Đến đợt mưa lũ vừa rồi, tay đau nhưng thấy công ty thiếu người nên tôi tình nguyện tới chốt chặn ở những điểm sạt lở và đi chặt cây đổ. Do nhiều ngày dầm trong mưa lũ nên cánh tay trái của tôi ngày một đau hơn và có hiện tượng sưng và bầm tím.

Thấy vậy, anh em trong công ty bắt anh Mạnh về Đồng Hới để kiểm tra lại. “Ngày 23/10, tôi ghé về nhà lấy thêm bộ quần áo để xuống viện thì mới biết căn nhà nhỏ (ở xóm 4, xã Liên Trường, Quảng Trạch) đã bị đất đá trên đồi sạt lở xuống vùi lấp.

Cả căn nhà và toàn bộ tài sản tủ lạnh, bếp ga, 3 tạ lúa, vịt gà…mất cả. May mắn vợ và con trai trước đó đã đi sơ tán sang nhà hàng xóm nên vẫn an toàn. Nước lũ vừa rút, thì bão số 9 lại vào, gây mưa, nên đống đổ nát vẫn giữ nguyên chờ nắng ráo mới khắc phục được”, anh Mạnh kể.

Để giúp đỡ anh Mạnh, những người kỹ sư, công nhân ngành GTVT và người dân bị lũ lụt miền Trung, các nhà hảo tâm xin gửi về: BÁO GIAO THÔNG, Số tài khoản: 115000106087 Ngân hàng: Vietinbank - chi nhánh Hà Nội, địa chỉ: Số 2 Nguyễn Công Hoan, Hà Nội. Nội dung: "Ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung" hoặc "giúp đỡ công nhân ngành GTVT".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.