Bạn cần biết

Nuôi chó, mèo cảnh giác sán chui não, giun bò dưới da

23/03/2018, 07:03

Một số bệnh do ký sinh trùng từng bị lãng quên một thời gian dài như: Sán lá gan, sán não, giun lươn...

11

Bệnh nhân nhiễm sán não đang được điều trị tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương

Nhiễm sán lá gan lại bị chẩn đoán u gan

Theo khảo sát của PV Báo Giao thông tại Khoa Khám bệnh chuyên ngành, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, đa số những ca bệnh đang điều trị tại đây đều liên quan đến ký sinh trùng như: Giun đũa chó mèo, sán não, sán lá gan... Đáng chú ý, nhiều bệnh nhân đã khám tại các bệnh viện tuyến dưới nhưng vẫn không thể xác định bệnh.

Có những ca bị nhiễm gần chục năm, nhưng do triệu chứng không rõ ràng nên không được chữa trị kịp thời. Ông Đăng Xuân Sinh, 66 tuổi (Quất Lâm, Nam Định) cho biết: “Tôi đã đi khám tại bệnh viện của tỉnh, ban đầu họ chẩn đoán là bị u gan. Sau đó tôi đi chụp cắt lớp mới xác định là bị nhiễm sán lá gan”. Theo lời ông Sinh, trước khi đến khám ông thường bị đau tức hạ sườn phải, chán ăn, đắng miệng. Nhưng do chủ quan không đi khám nên bệnh ngày càng nặng.

Nằm giường bên cạnh, bà Trần Thị Mân, 71 tuổi (Nga Sơn, Thanh Hóa) vừa trải qua 6 đợt điều trị bệnh sán não cho biết: “Ban đầu khi phát bệnh, tôi cảm thấy choáng váng, sụt cân nhanh, đi đâu cũng phải có người đỡ. Khi hỏi về nguyên nhân mắc bệnh, bác sĩ cho biết là do tôi thường ăn rau sống trong đó có nhiễm ấu trùng của sán não.” Theo lời bà Mân, thông thường mỗi đợt điều trị tại viện sẽ vào khoảng 15 ngày, có những đợt kéo dài đến 19 ngày tùy thuộc vào tình trạng bệnh.

Ngoài thói quen ăn uống, việc tiếp xúc với động vật, thú cưng như chó mèo thường xuyên cũng là nguyên nhân dẫn đến một số căn bệnh ký sinh trùng nguy hiểm. Ông Hinh, 68 tuổi (Hà Giang) cho biết: “Tôi thường xuyên tiếp xúc, dọn dẹp chuồng nuôi của chó mèo trong nhà. Tôi không nghĩ rằng việc đó lại vô tình làm tôi mắc phải bệnh giun đũa chó mèo. Trước khi được điều trị, tôi cảm thấy ngứa rát bề mặt da chân, càng gãi càng lan rộng, cảm giác có thứ gì bò dưới da, hết cơn đau đó thì nóng như lửa châm vào, rất khó chịu.”

Số ca bệnh tăng hơn 200%

Theo thống kê của Khoa khám bệnh chuyên ngành, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, trong khoảng 3 năm trở lại đây số ca bệnh nhiễm ký sinh trùng tăng đột biến (226%). Cụ thể trong năm 2016 số lượng ca nhiễm phải điều trị khoảng hơn 7.600 thì đến hết năm 2017, con số này đã tăng lên hơn 17.300 trường hợp.

"Trong những năm gần đây, số lượng bệnh nhân điều trị nội trú tại Khoa Truyền nhiễm tăng trên 50%, trong đó không chỉ gia tăng các bệnh gây dịch như: Thủy đậu, quai bị, cúm, sốt xuất huyết… mà một số bệnh từng bị lãng quên như: Whitmore, giun lươn, toxocara, sán lá gan, lao ngoài phổi… cũng có xu hướng gia tăng."

TS. Đỗ Duy Cường
Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai

Trao đổi với PV Báo Giao thông, BS. Trần Huy Thọ, Trưởng khoa Khám bệnh, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương nhận định: “Những bệnh thường gặp đó là ấu trùng giun đũa chó mèo, sán lá gan, giun lươn...Trong đó, tỉ lệ bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo chiếm tương đối cao do thói quen tiếp xúc với vật nuôi, thú cưng.

Các bệnh này không nhất thiết phải ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà phạm vi của nó tương đối rộng. Tại thành phố, những thực phẩm được vận chuyển ở các vùng lân cận vào như Hà Nội là có tỷ lệ nhiễm tương đối cao”, BS. Trần Huy Thọ cảnh báo.

Đối với thực trạng chẩn đoán và phát hiện bệnh của các bệnh viện tuyến dưới, quan điểm của ông Thọ cho rằng: “Các bệnh viện tuyến dưới thường khó phát hiện bệnh là do chưa có phương tiện chẩn đoán chuyên sâu, nên khả năng phát hiện điều trị có thể chưa được rõ ràng. Nhiều trường hợp biểu hiện bệnh không rõ ràng, nên rất dễ bị chẩn đoán nhầm sang bệnh khác”, BS. Thọ thông tin.

Theo BS. Thọ, những bệnh liên quan đến ký sinh trùng thường không gây nguy hiểm nhiều đến tính mạng song việc điều trị cần phải phù hợp với từng giai đoạn của bệnh. Cụ thể, nếu được phát hiện sớm, bệnh sán lá gan sẽ được điều trị khoảng 10 ngày, sau đó sẽ có liệu trình theo dõi cụ thể từ 1 tuần đến 1 năm. Tuy nhiên, BS. Thọ cũng cảnh báo, bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng rất dễ bị một số di chứng như: Ảnh hưởng đến khả năng vận động, giảm trí nhớ, đau xương khớp...

“Nguyên nhân chính khiến bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng là do thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh, sử dụng những thực phẩm tươi sống như gỏi cá, rau thủy sinh như rau ngổ, rau cần, rau muống... Điều quan trọng nhất là người dân phải tự biết cách phòng bệnh, thực hiện nguyên tắc ăn chín, uống sôi”, BS. Thọ khuyến cáo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.