Xã hội

“Núp bóng” thuốc thu bộn tiền lời (Kỳ cuối)

06/05/2015, 14:08

“Khoác áo” TPCN thì không phải trải qua quy trình xét duyệt chặt chẽ, không chịu quản lý giá như thuốc...

51
Người tiêu dùng bối rối trước thị trường TPCN hiện nay

Khó phân biệt TPCN và thuốc

Sáng 5/5, PV Báo Giao thông có mặt tại nhà thuốc 3G (trên đường Láng Hạ, Hà Nội) và thấy có nhiều sản phẩm TPCN nhưng không ghi dòng chữ “thực phẩm chức năng” trên bao bì, hoặc dòng chữ này in rất nhỏ, nằm ở góc khuất, chìm nghỉm khó phát hiện.Như sản phẩm Tuần hoàn não Thái Dương (của Công ty CP Sao Thái Dương) là TPCN, nhưng tìm khắp bao bì không thấy dòng chữ nào ghi là TPCN. Ngay cả trên website của công ty Thái Dương, ưu điểm của sản phẩm cũng được quảng cáo “nhiều bệnh nhân bị thiếu máu não, hay đau đầu, hoa mắt chóng mặt, mất ngủ sử dụng sản phẩm khác để điều trị nhưng không khỏi hẳn, từ khi chuyển sang tuần hoàn não Thái Dương đều thừa nhận sản phẩm giúp giảm đau đầu tốt hơn, tình trạng hoa mắt chóng mặt cải thiện rõ rệt hơn...” và không hề có lưu ý “sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

"Với quy định hiện hành, khó tránh khỏi việc có cơ sở sản xuất đưa ra sản phẩm TPCN không đảm bảo đủ hoạt chất như công bố hay ví như công dụng đăng ký có một thì khi ghi nhãn mác lại rất nhiều”.

Ông Nguyễn Hùng Long

Với sản phẩm TPCN siro ho - cảm Ích Nhi (do Công ty TNHH Nam Dược sản xuất), dòng chữ “thực phẩm chức năng” in co chữ bé, chìm trên nền xanh rất khó nhìn và không nằm ở mặt trước của sản phẩm. Trong khi đó, trên trang web thuocgoc.vn, sản phẩm TPCN này được giới thiệu là “thuốc siro ho - cảm Ích Nhi”. Còn tại trang web của nhà thuốc Bảo Tâm, baotam.vn (1119 Cách mạng Tháng Tám, phường 7, quận Tân Bình, TPHCM), sản phẩm này được quảng cáo là “thuốc được chỉ định điều trị các trường hợp cảm lạnh, hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi; trị các chứng ho do lạnh, do đờm nhiều”, các mục chống chỉ định, chỉ định cũng đều nêu danh sản phẩm là thuốc.

Hay trên truyền hình, TPCN đau nhức xương khớp Nhân Hưng (do Công ty Đầu tư Thương mại Bảo Nguyên phân phối) lời quảng cáo về công dụng được đọc rất rõ ràng “... Phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh về thoái hóa khớp có đau do viêm”, tuy nhiên đến giây cuối quảng cáo lại chỉ chạy dòng chữ “đây không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” nhỏ xíu mà căng mắt ra người xem truyền hình mới đọc được. Trên kênh Youtobe cũng có clip quảng cáo TPCN Trứng cá Nhất Nhất do Công ty Dược phẩm Nhất Nhất (Đống Đa, Hà Nội) sản xuất, tuyệt nhiên không thể nghe thấy hoặc thấy bất cứ dòng chữ nào ghi nội dung: “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”, mà chỉ thấy đưa ra hàng loạt công dụng của sản phẩm này: Tăng cường thanh giải nhiệt độc, làm giảm viêm, sưng, tấy, đỏ, đau. Trị mụn trứng cá, hạn chế sẹo các vết thâm nám, ngăn ngừa hiệu quả mụn trứng cá tái phát.

Trong khi đó, theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), các sản phẩm TPCN khi quảng cáo trên bất kỳ hình thức nào phải nói hoặc viết dòng chữ “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

Dễ như đăng ký TPCN

“Tên gọi thuốc hay TPCN tùy thuộc vào đăng ký của doanh nghiệp sản xuất”, một dược trình viên cho hay. Theo đó, muốn được cấp số đăng ký thuốc thì sản phẩm cần có hồ sơ thử nghiệm lâm sàng, bằng chứng khoa học liên quan đến tác dụng của thuốc, được phê duyệt bởi Hội đồng xét duyệt và sản phẩm sau khi ra thị trường phải đăng ký giá. Trong khi đó, nếu là TPCN thì chỉ cần công bố chất lượng và có xét nghiệm chất lượng sản phẩm phù hợp với hồ sơ công bố, không phải đăng ký giá bán. Do đó, nếu được đăng ký là TPCN mà lại “núp bóng” được thuốc thì nhà sản xuất dễ dàng thu bội lợi nhuận.

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thừa nhận, so với thuốc, quy trình để TPCN ra thị trường lỏng lẻo hơn, dù để được lưu hành, các đơn vị sản xuất hoặc nhập khẩu, kinh doanh TPCN đều phải công bố thành phần, chất lượng và công dụng của sản phẩm với Cục và phải chịu trách nhiệm về điều đó.

Theo ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, hiện điều kiện sản xuất và lưu hành TPCN ở nước ta quá thả nổi, lỏng lẻo, ai cũng có thể sản xuất và kinh doanh TPCN. Việt Nam chưa quy định cụ thể những thành phần được phép có trong TPCN và những thành phần phải cấm. Đó là điều rất nguy hiểm khi có doanh nghiệp dược đưa cả các thành phần thuốc vào TPCN.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.