Xã hội

Ồ ạt múc đất hành lang, đấu nối trái phép QL1 Lạng Sơn

11/12/2019, 06:32

Từ những giấy phép của UBND huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, các doanh nghiệp, hộ dân ung dung múc đất ven QL1 đi bán.

img
Một điểm cải tạo mặt bằng tại xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng

Với lý do đáp ứng nhu cầu làm nhà ở và cơ sở sản xuất, kinh doanh, UBND huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn đã ồ ạt cấp phép cho cả chục hộ dân, doanh nghiệp san lấp, cải tạo mặt bằng. Từ những giấy phép này, các doanh nghiệp, hộ dân ung dung múc đất ven QL1 đi bán.

Cải tạo mặt bằng là xúc đất đi bán?

Những ngày đầu tháng 12, PV Báo Giao thông có mặt tại thửa đất số 110, tờ bản đồ số 33, xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng. Thửa đất này đã được UBND huyện Hữu Lũng cấp phép san lấp, cải tạo mặt bằng cho ông Nguyễn Đình Vũ (thôn Cóc Dỹ, xã Đồng Tân) vào ngày 26/9. Theo giấy phép, thời gian san lấp, cải tạo mặt bằng được thực hiện 45 ngày, khối lượng vận chuyển là 2.100m3. Tuy nhiên, hiện đã hết thời hạn cải tạo mặt bằng gần 1 tháng, thửa đất vẫn như một “bãi chiến trường” nham nhở bên vách núi dựng đứng khi một khối lượng lớn đất đá đã được vận chuyển đi nơi khác...

Đây là thực trạng dễ thấy thời gian gần đây dọc QL1 ven các xã Đồng Tân, Minh Sơn và thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng. Ghi nhận thực tế, có cả chục điểm khai thác đất đem bán, kéo theo hàng trăm lượt xe trọng tải lớn ra vào “ăn” đất hàng ngày, vận chuyển đi khắp nơi, khiến đất đá rơi vãi, làm ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Khi khai thác hết đất để bán, các thửa đất không được hoàn trả mặt bằng, mà để lại những hố trũng nham nhở.

Thông tin từ Phòng TN&MT và Công an huyện Hữu Lũng cho thấy, từ tháng 9/2019 đến nay, trước khi chuyển đến Sở TN&MT tỉnh Lạng Sơn làm Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, ông Nguyễn Vĩnh Phú, Trưởng phòng TN&MT huyện Hữu Lũng đã ký các tờ trình, tham mưu cho ông Long Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng ký 11 quyết định cho phép các tổ chức, cá nhân trên địa bàn xã Minh Sơn, Đồng Tân và thị trấn Hữu Lũng hạ cốt nền, san lấp, cải tạo mặt bằng đất phi nông nghiệp.

Đơn cử, ngày 20/10/2019, UBND huyện Hữu Lũng cho phép Công ty TNHH MTV Ngọc Quê cải tạo 2.210m2, thời gian thực hiện trong 6 tháng, tổng khối lượng đất được phép khai thác là 36.000m3 tại xã Minh Sơn. Ngày 1/11/2019, UBND huyện này cũng cho cải tạo mặt bằng trong vòng 6 tháng trên diện tích 3.000m2, tổng khối lượng đất khai thác là 30.000m3...

Mục đích cấp phép được nêu là nhằm phục vụ việc xây dựng nhà ở, cơ sở sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Nhưng thực tế cho thấy, việc cải tạo mặt bằng chỉ là cái cớ, các thửa đất đã bị múc cạn đất để bán cho các dự án san lấp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.

Nhiều sai phạm liên quan

img
Các điểm khai thác đất nham nhở làm xấu cảnh quan trên địa bàn huyện Hữu Lũng

Lãnh đạo Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, ma túy và môi trường Công an huyện Hữu Lũng cho biết, các quyết định cấp phép san lấp, cải tạo mặt bằng của UBND huyện đều ghi rõ “Giao Công an huyện chủ trì, phối hợp với Phòng TN&MT, UBND xã tổ chức giám sát việc san lấp, cải tạo mặt bằng...”.

Tuy vậy, ngoài tờ quyết định, Đội không nhận được các thủ tục cần thiết như hồ sơ thiết kế, sơ đồ mốc giới...; các hộ, doanh nghiệp được cấp phép cũng không thực hiện việc cắm mốc, xác định tọa độ theo quy định, nên lực lượng công an không thể kiểm tra, xác định vi phạm. Lợi dụng tình trạng trên, nhiều đối tượng đã đẩy mạnh khai thác đất trái phép tại các vùng lân cận, mở đường đấu nối trái phép với QL1 để xe tải tuỳ tiện ra vào chở đất.

Chủ trương cấp phép cho người dân cải tạo mặt bằng để quản lý diện tích đất ở, đất kinh doanh dịch vụ nhằm xây dựng nhà ở, cơ sở sản xuất kinh doanh là đúng. Tuy nhiên, UBND huyện Hữu Lũng cần quản lý chặt chẽ, không để các đối tượng lợi dụng, trục lợi khai thác khoáng sản.
Ông Bùi Văn Côi, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lạng Sơn


Điển hình, ngày 13/11/2019, Tổ công tác gồm Phòng TN&MT, Công an huyện và UBND xã Đồng Tân phát hiện gia đình ông Nguyễn Đình Vũ tự ý mở đường đấu nối với QL1, khai thác đất trong hành lang ATGT, ngoài phạm vi cấp phép của UBND huyện.

Trước đó, ngày 23/9/2019, Tổ công tác của huyện cũng phát hiện bà Ngọc Thị Quê (thôn Đồn Vang, xã Minh Sơn) khai thác vượt thời gian quy định, ngoài phạm vi được UBND huyện cấp phép khoảng 5.200m2. Qua rà soát, đến nay vẫn còn 7 trường hợp được cấp phép cải tạo mặt bằng trên chưa hoàn thiện thủ tục, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định.

Trước những sai phạm trên, từ cuối tháng 11/2019, ngay khi ông Nguyễn Vĩnh Phú chuyển công tác, UBND huyện Hữu Lũng đã đình chỉ hoạt động các điểm đã cấp, dừng cấp phép cải tạo mặt bằng mới trên địa bàn. Trao đổi với PV qua điện thoại, ông Nguyễn Vĩnh Phú cho biết: “Tôi đã chuyển công tác, bàn giao lại công việc cho Phòng TN&MT huyện Hữu Lũng. Các nội dung liên quan đều được thể hiện rõ trong hồ sơ lưu trữ”.

Không chỉ làm thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản quốc gia, việc các điểm rầm rộ khai thác, vận chuyển đất, trong đó nhiều xe tự ý cơi nới thành thùng, không che bạt kín thùng hàng làm rơi vãi vật liệu, gây bụi bẩn, ô nhiễm môi trường, mất ATGT. Những tháng gần đây, Công an huyện Hữu Lũng đã phát hiện, xử phạt 21 trường hợp vi phạm những lỗi này, phạt hơn 110 triệu đồng...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.