Xã hội

Ở nơi dân rủ nhau xin... ra khỏi hộ nghèo

23/06/2020, 07:30

Những câu chuyện xúc động về những người dân xin thoát nghèo. Có nơi còn biến thành phong trào lan đến cấp xã, cấp huyện...

img
Anh A Thu, xã Diên Bình (huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum) phấn khởi chia sẻ chuyện tự nguyện xin thoát nghèo với phóng viên

Thỉnh thoảng chúng ta vẫn nghe thấy ở đâu đó có chuyện lợi dụng chính sách để hưởng chế độ ưu đãi hộ nghèo. Nhưng xuyên dọc Tây Nguyên, chúng tôi lại được tai nghe mắt thấy những câu chuyện xúc động về những người dân xin thoát nghèo, có nơi còn biến thành phong trào lan đến cấp xã, cấp huyện...

Mình còn sức khỏe, sao cứ ỷ lại Nhà nước

Về xã Đắk Nia, TX Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, người dẫn đường bảo: “Mùa này muốn gặp những hộ dân tự nguyện thoát nghèo khó lắm. Họ thực sự tu chí làm ăn nên ở rẫy miết”.

Và rồi chúng tôi phải vào tận rẫy ở bon N’Jriêng, xã Đắk Nia mới gặp được chị H’Cúc, một trong những hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo năm 2019. Chị H’Cúc chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo đã 4 năm nay, được Nhà nước hỗ trợ vay vốn làm ăn, tạo điều kiện cho con cái học hành nhiều rồi.

Các con nay đã lớn, vợ chồng còn sức khỏe nên không muốn ỷ lại vào Nhà nước nữa. Vợ chồng tôi bàn bạc rồi quyết định viết đơn đăng ký thoát nghèo. Được Hội phụ nữ xã tạo điều kiện hỗ trợ, nay gia đình tôi vay 50 triệu đồng với lãi suất thấp để trồng cà phê, nuôi gà…”.

Toàn bộ 49 hộ dân của huyện Đắk Tô viết đơn xin thoát nghèo trước đây đều là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nguồn vốn tích lũy không nhiều, thu nhập thấp, điều kiện sản xuất và kiến thức làm nông nghiệp còn nhiều hạn chế.

Sau khi được Nhà nước hỗ trợ, ngành Nông nghiệp cử cán bộ về các xã hướng dẫn canh tác, các hộ dân đã ổn định sản xuất, mạnh dạn hơn trong việc ứng dụng giống mới, tiếp cận kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập của các hộ gia đình từ 20 - 40% so với trước kia.

Người lớn tuổi nhất xin thoát nghèo là gia đình ông bà Đỗ Văn Long và Bùi Thị Phúc ở thôn 7, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông. Dù đã 80 tuổi, ông bà vẫn ra vườn lao động sản xuất. Bà Phúc bảo: “Gia đình tôi có 6 người con. Việc lo cho các con ăn học rất khó khăn nên cái nghèo cứ đeo bám.

Đến nay các con đã trưởng thành và có hỗ trợ cha mẹ. Đầu tháng 10 năm ngoái, gia đình tôi đã dựng được căn nhà kiên cố thay cho căn nhà tạm bợ, dột nát trước đây. Cảm thấy cuộc sống đã ổn định hơn nên gia đình tôi mạnh dạn xin ra khỏi diện hộ nghèo”.

Ngoài tỉnh Đắk Nông, chúng tôi còn tìm về xã Đăk Trăm, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum gặp gia đình chị Y Loan (28 tuổi) và anh A Mạnh (thôn Đăk Trăm), một trong những hộ đầu tiên tự nguyện viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo của xã. Trong căn nhà nhỏ vài chục mét vuông được dựng bằng ván gỗ, bên ngoài lợp tôn, hầu như chẳng có gì đáng giá, trống huơ, trống hoác. Có chăng là bộ bếp ga dùng để nấu ăn.

Chị Y Loan cho biết, năm 2018, gia đình chị vẫn thuộc diện hộ nghèo của xã. Có 5 sào mì, 1 sào bời lời và 2 sào lúa, song do kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, cùng với ảnh hưởng của giá nông sản xuống thấp, dịch bệnh hoành hành nên thu nhập của gia đình từ nông nghiệp không nhiều. Ngoài ra, hai con của chị còn nhỏ nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn.

“Thế nhưng, từ năm 2017, gia đình được kỹ sư nông nghiệp về hướng dẫn canh tác nên năng suất cây trồng tăng gấp đôi. Vì vậy, năm 2019, vợ chồng tôi quyết định viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, tự lực vươn lên trong phát triển kinh tế, để Nhà nước dành chính sách đó hỗ trợ cho gia đình khác khó khăn hơn”, chị Y Loan cho hay.

Tương tự, ở xã Diên Bình, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum có 6 hộ gia đình cũng tự nguyện xin rút khỏi danh sách hộ nghèo. Tìm đến Đăk Kang Pêng, ngôi làng cách trung tâm xã gần 10km, nơi có duy nhất trường hợp gia đình chị Y Rơ Nê Lịch (43 tuổi), anh A Thu (46 tuổi) tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo.

“Được sự hướng dẫn của ngành nông nghiệp, tôi đào ao, nuôi gà, vịt và trồng cà phê. Vợ chồng tôi còn sức khỏe, có thể lao động được, tạo ra thu nhập nuôi sống cả gia đình nên không thể cứ thuộc diện hộ nghèo mãi. Hơn nữa, gia đình tôi đã được nhà nước hỗ trợ bao nhiêu năm nay rồi, bây giờ muốn tự lực vươn lên để làm gương cho các con, cũng như bà con dân làng làm theo”, anh A Thu chia sẻ.

Phong trào thoát nghèo lan ra toàn xã, toàn huyện

img
Chính quyền xã Đắk Trăm (huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum) thăm hỏi gia đình chị Y Loan và anh A Mạnh, một trong những hộ đầu tiên tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo của xã

Xã Đắk Nia, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông có tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số khá cao, đời sống khó khăn. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, xã đã có 37 hộ dân viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo, phần nào cho thấy rõ sự đổi thay tích cực về cách nghĩ, cách vươn lên của bà con. Chị H’Cúc tại bon N’Jriêng, xã Đắk Nia, cho biết: “Đầu tiên có 2 hộ thoát nghèo, thế là toàn thôn, toàn xã rỉ tai nhau. Đi đâu cũng thấy người ta bàn tán nhà A xin thoát nghèo, nhà B kinh tế khá hơn sao vẫn hộ nghèo. Dần dần họ nhìn vào tấm gương những hộ xin thoát nghèo rồi rủ nhau viết đơn gửi xã”.

Ông Nguyễn Văn Kiện, Chủ tịch UBND xã Quảng Khê (huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) cho biết, sau đợt rà soát, đánh giá, toàn xã có 1.095 hộ nghèo. Xuất phát đầu tiên từ thôn 8, đến nay toàn xã đã có 247 hộ làm đơn tình nguyện ra khỏi danh sách hộ nghèo. “Đến nay Quảng Khê được đánh giá là xã có hộ dân tự nguyện xin thoát nghèo nhiều nhất Tây Nguyên”, ông Kiện nói giọng phấn khởi.

Đối với tỉnh Kon Tum, phong trào xin thoát nghèo không còn đơn lẻ từng xã, mà đã nhân rộng ra toàn huyện. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kon Tum, trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có hơn 80 trường hợp viết đơn xin thoát nghèo, trong đó riêng huyện Đăk Tô có 49 hộ. Ít ai biết rằng, cuộc sống người dân Đăk Tô giờ có nhiều đổi thay, nhưng so với các địa phương khác vẫn còn nhiều khó khăn. Nhưng với truyền thống của vùng đất cách mạng, nhiều hộ đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở Đăk Tô vẫn quyết ra khỏi hộ nghèo để tự lực vươn lên.

Ông Trương Đình Tuệ, Chủ tịch UBND xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và phong trào thi đua “cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, chính quyền địa phương đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền để bà con nhận thức đúng về công tác giảm nghèo. Dưới sự hướng dẫn của các kỹ sư nông nghiệp được ngành nông nghiệp cử đến từng xã, bà con tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, thoát nghèo và vươn lên khá giả, làm giàu chính đáng.

“Qua công tác tuyên truyền, ý thức của người dân đã từng bước được nâng lên, nhận thức rõ việc nếu như nhiều hộ dân, hộ gia đình còn nằm trong diện hộ nghèo, cận nghèo sẽ là gánh nặng cho nhà nước, cho xã hội. Do đó, nhiều hộ mặc dù điều kiện kinh tế còn khó khăn song đã tự giác xin ra khỏi diện hộ nghèo”, ông Tuệ chia sẻ và thông tin, giai đoạn 2016 - 2019, bình quân mỗi năm xã đã giảm được trên 3% số hộ nghèo. Đến nay, xã chỉ còn 24,35% hộ nghèo và 7,52% hộ cận nghèo.

Theo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều từ xấp xỉ 10%/năm vào năm 2015 đã giảm xuống còn khoảng 4%/năm vào cuối năm 2019. 8 huyện đã thoát nghèo, 160 xã và 1.300 thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoan nghênh một số địa phương, hộ nghèo đã tự lực, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo để dành sự hỗ trợ cho các hộ còn khó khăn hơn”, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo”, tháng 10/2019.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.