Thế giới

Ô tô nhái 'made in' Trung Quốc: Kiểu dáng siêu sang, chất lượng siêu dởm

08/01/2015, 10:13

Trung Quốc đang trở thành "lò sản xuất ô tô nhái" của thế giới khi dập khuôn ý tưởng thiết kế của các hãng xe sang nổi tiếng: Mini, BMW, Mercedes-Benz, Hummer và Rolls-Royce…

Chiếc Landwind X7 của Trung Quốc (bên trên) và chiếc Range Rover Evoque của Anh
Chiếc Landwind X7 của Trung Quốc (bên trên) và chiếc Range Rover Evoque
của Anh


Sao chép trắng trợn 


Tháng 11/2014, tại triển lãm ô tô Quảng Châu, hãng Jiangling Motor Holding ra mắt dòng xe Landwind X7 có thiết kế giống hệt bản nâng cấp chiếc Range Rover Evoque của hãng Jaguar Land Rover (Anh). Tờ Dailymail đưa tin, chưa tính đến kỹ thuật, nhìn bằng mắt thường, dễ nhận thấy, chiếc Landwind có kiểu dáng, hệ thống đèn, bộ tản nhiệt, vị trí logo hoàn toàn giống chiếc xe hơi bán chạy nhất của Anh. 


Việc sao chép trắng trợn này đã khiến nhà sản xuất Anh vô cùng tức giận. Giám đốc điều hành của Jaguar Land Rover, ông Ralf Speth bực tức: “Kiểu sao chép này diễn ra nhan nhản ở Trung Quốc khiến chúng tôi rất thất vọng. Jaguar Land Rover đã đăng ký sở hữu trí tuệ (IP) chiếc Evoque và nếu ai ăn cắp IP, chắc chắn vi phạm luật quốc tế”.

Ông Speth cho biết Jaguar Land Rover “sẽ tính những bước đi phù hợp (kể cả hành động pháp lý) để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ” và “sẽ đệ trình lên Chính phủ Trung Quốc nói chuyện với các đối tác Chery - công ty liên doanh với Jaguar Land Rover tại Trung Quốc để làm rõ sự việc. Khó có thể tưởng tượng, giới chức Trung Quốc vui vẻ trước bất cứ hành vi nào làm tổn hại tới uy tín của đất nước họ”. Đến nay, chiếc xe của Landwind vẫn đang chờ kết quả kiểm tra an toàn trước khi được bán ra thị trường, theo Autocar. 
 

Mặc dù bị “ghẻ lạnh” tại nước ngoài nhưng những chiếc xe nhái này lại được ưa chuộng trong nước vì kiểu dáng bắt mắt, sang trọng, nhất là… rẻ. Chẳng hạn, chiếc Landwind X7 có giá chỉ 14 nghìn bảng Anh (bằng 1/3 so với giá 40 nghìn bảng Anh của chiếc Evoque). 

Một điều đáng nói, các nhà sản xuất thoải mái và công khai sao chép kiểu dáng thiết kế của các hãng quốc tế vì được Chính phủ công nhận.

Đây không phải lần đầu tiên các nhãn xe hàng đầu bị nhái thiết kế tại Trung Quốc. Một số nạn nhân khác có thể kể đến: Mini, BMW, Mercedes-Benz, Hummer và Rolls-Royce...

Điều đáng nói, các sản phẩm nhái được “dập khuôn” y hệt kiểu dáng, nhưng không thể nào nhái được chất lượng. Bởi vậy, chúng không thể “bước chân” ra thị trường quốc tế.

Với hãng Jiangling Motor Holding, ít nhất hai lần không vượt qua được các bài test như: Dòng Landwind X6 giống hệt một dòng ô tô của hãng Isuzu Motor (Nhật) đã không nhận được sao nào trong bài kiểm tra an toàn do Hiệp hội Ô tô Đức ADAC thực hiện, dựa trên những đánh giá phù hợp với tiêu chuẩn của Tổ chức an toàn châu Âu, EuroNCAP.

Còn chiếc Landwind CV9 cũng hứng rất nhiều chỉ trích từ thế giới vì “dập khuôn” kiểu dáng của chiếc Vauxhall Frontera (hay còn được gọi là Isuzu MU) do hãng Isuzu Motors sản xuất. Trong bài kiểm tra chất lượng, chiếc xe này chỉ nhận được 2/5 sao theo tiêu chuẩn của NCAP do vậy buộc phải triệu hồi, không được phép bán tại châu Âu. 

"Lợi thế sân nhà"


Tại phương Tây, các nhà thiết kế được pháp luật bảo vệ sản phẩm trí tuệ của họ tới hàng trăm năm đồng nghĩa không ai có thể sao chép và bán những sản phẩm nhái sản phẩm của họ. Còn tại Trung Quốc, khái niệm về sở hữu trí tuệ vẫn là điều mới mẻ. Ví dụ dễ nhận thấy nhất là vụ kiện tụng năm 2008 giữa nhà sản xuất Shuanghuan Auto và nhà sản xuất Bayerische Motoren Werke (viết tắt BMW, của Đức) xung quanh tranh cãi chiếc Shuanghuan CEO nhái kiểu dáng chiếc BMW X5.

Shuanghuan Motor khăng khăng cho rằng, thiết kế chiếc CEO của họ hoàn toàn hợp pháp vì đã được Chính phủ công nhận. Tuy nhiên, một tòa án tại Munich, Đức kết luận kiểu dáng của chiếc Shuanghuan CEO y chang chiếc X5 của BMW, yêu cầu Shuanghuan lập tức rút ngay dòng xe này khỏi thị trường Đức. 


Mặt khác, các nhà sản xuất Trung Quốc “chôm” mẫu thiết kế của các hãng ô tô nước ngoài sắp ra mắt và đăng ký thiết kế trong nước trước khi sản xuất. Và, các công ty của Trung Quốc hoàn toàn có thể kiện các nhà sản xuất sở hữu mẫu thiết kế đó với lý do chiếc xe nhái của họ xuất hiện trên thị trường Trung Quốc trước. 


Theo luật sở tại, để một công ty nước ngoài chứng minh một công ty nào đó của nước này ăn cắp bản quyền gần như là điều không thể. Bởi “đó chắc chắn là một lợi thế sân nhà”, ông Chris Neumeyer, quản lý của công ty Luật Châu Á có trụ sở tại Đài Loan chuyên hỗ trợ các công ty về vấn đề sở hữu trí tuệ khu vực Viễn Đông cho biết.

Một luật sư giấu tên của công ty luật lớn tại Trung Quốc nhận định: “ Rất khó để thắng được vụ kiện về bản quyền (tại Trung Quốc) khi buộc phải chứng minh thiết kế nhái giống hoàn toàn với thiết kế nguyên bản” chứ không chỉ xét một vài chi tiết.

Trang Trần
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.