Xã hội

Oan sai vì điều tra viên năng lực kém, tư tưởng nóng vội

05/06/2015, 14:31

Nguyên nhân gây ra oan sai có yếu kém về trình độ của điều tra viên cùng tư tưởng nóng vội.

nguyen-si-cuong
ĐB Nguyễn Sỹ Cương cho biết, cá biệt có điều tra viên phải xử lý 70 vụ án/tháng

Sáng nay (5/6), Quốc hội đã nghe và dành thời gian thảo luận về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.

Có điều tra viên phải xử lý 70 vụ án/tháng

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nếu quan điểm, dù án oan, sai gây bức xúc, làm giảm uy tín của cơ quan tiến hành tố tụng, niềm tin của người dân đối với cơ quan thực thi pháp luật, đặc biệt một số vụ rất nghiêm trọng. Nhưng cần nhìn nhận đúng mức là số vụ oan sai nhỏ, nên báo cáo đánh giá “còn nghiêm trọng” là chưa phù hợp thực tế. Việc bắt giam hình sự nhưng chuyển xử lý hành chính còn nhiều, nhưng coi đó là thiếu sót trong hoạt động tố tụng là chưa chưa thỏa đáng.

Theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương, quá trình thực hiện tố tụng điều tra của chúng ta còn có nhiều khó khăn.

“Đặc biệt là tình trạng quá tải giải quyết vụ án hình sự, trung bình một điều tra viên xử lý 30-40 vụ/tháng, cá biệt có tháng 70 vụ, hay có thẩm phán giải quyết trên 17 vụ/tháng. Trong khi đó án hình sự hàng năm có xu hướng tăng. Quy định pháp luật hình sự và tố tụng còn hạn chế, có hướng dẫn chưa cụ thể (như giám định hàm lượng ma túy, tình tiết định tính hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng…) gây khó khăn cho quá trình áp dụng” – ông Cương phân tích.

Trong khi đó, ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) lại cho rằng, tuy số vụ án oan sai không nhiều, việc đánh giá bản chất tình hình nghiêm trọng là hợp lý. Bởi có vụ đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc, làm mất lòng tin của người dân đối với các cơ quan tiến hành tố tụng.

Bày tỏ sự chia sẻ với các cơ quan tiến hành tố tụng trước áp lực công việc như tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, gia tăng số vụ, đối tượng, tính chất, mức độ, nhiều vụ đông người tham gia, đại biểu nêu quan điểm cho rằng việc bắt hình sự rồi chuyển xử lý hành chính là cần thiết và cần nhìn nhận đúng quy định pháp luật, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình hiện nay.

Liên quan vấn đề bồi thường oan sai, đại biểu Bùi Văn Xuyên cho rằng, khi xác định rõ được người bị oan thì các cơ quan phải có trách nhiệm bồi thường, nhanh chóng vào cuộc giải quyết một cách sớm nhất. Dù khó khó khăn gì đi chăng nữa thì cũng phải có phương án giải quyết nhanh nhất, coi đây là trách nhiệm chủ động của cơ quan tố tụng chứ không phải là vụ việc dân sự giải quyết bình thường.

Cán bộ điều tra nôn nóng lập thành tích

Cho rằng việc bức cung nhục hình tất yếu dẫn đến oan sai, Đại tá Phạm Trường Dân – Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh thêm, tuy xảy ra rất ít, có thể mang tính cá biệt trong quá trình điều tra, nhưng dù là ít cũng phải xử lý nghiêm khắc. Có biện pháp để chấm dứt kịp thời vì nó để lại hậu quả không tốt, ảnh hưởng đến quyền con người, quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của cơ quan tư pháp, niềm tin vào công lý.

pham-truong-dan
Đại tá Phạm Trường Dân - Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam

Thời gian qua, QH nhiều lần chất vấn, thảo luận cho ý kiến về vấn đề này có liên quan oan, sai trong hoạt động tố tụng. Các cơ quan tư pháp trung ương, từ Bộ trưởng Công an, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao đã có nhiều chủ trương, biện pháp, thường xuyên chỉ đạo triển khai ngăn chặn xử lý, khắc phục việc xảy ra bức cung, nhục hình dẫn đến oan sai trong từng ngành của mình.

Đóng góp ý kiến, Đại tá Phạm Trường Dân - Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho rằng, trong báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phân tích và đánh giá cụ thể hơn về nguyên nhân dẫn đến bức cung nhục hình, trên cơ sở đó có giải pháp giảm tối đa và tiến tới chấm dứt tình trạng này.

“Báo cáo đánh giá nguyên nhân có yếu kém về trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, tư tưởng nóng vội của một số cán bộ điều tra, tôi nhận thấy đánh giá này là xác đáng. Tuy nhiên cần phân tích rõ hơn tư tưởng nóng vội do đâu, theo tôi có phần do sức ép từ dư luận, khối lượng công việc lớn, án xảy ra nhiều, muốn nhanh chóng phá án tìm ra thủ phạm nên dẫn đến trường hợp có hành vi bức cung, nhục hình. Mặt khác biên chế của cơ quan điều tra chưa tương xứng với công việc, cũng là nguyên nhân gây sức ép với cán bộ điều tra” – Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam phân tích.

Ông Dân cho rằng, bên cạnh trách nhiệm của một số cán bộ điều tra, của cơ quan điều tra thì cũng cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng khác, đặc biệt là Viện Kiểm sát Nhân dân trong việc kiểm sát, giám sát hoạt động điều tra.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.