Kinh tế

Ốc vít Samsung hay phở Việt?

01/11/2014, 17:31

Nhiều doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế cho rằng, không phải cứ sản xuất được ốc vít hay sạc pin cho Samsung, Canon mới là đẳng cấp.

img

Đẳng cấp phở Việt, bánh mỳ Sài Gòn

Gần đây dư luận xôn xao trước thông tin Samsung công bố danh sách 170 loại linh kiện đơn giản như ốc vít, sạc pin, tai nghe… nhưng không tìm nổi nhà cung cấp tại Việt Nam. Đại diện Canon Việt Nam cũng tuyên bố doanh nghiệp trong nước mới chỉ đáp ứng được hộp, bìa carton để đóng gói sản phẩm của họ. Điều này đã dấy lên những lo lắng về năng lực, trình độ của doanh nghiệp Việt chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Tuy nhiên, sáng 1/11, tại Diễn đàn “Đẳng cấp quốc tế - Lời giải cho Sản phẩm Việt”, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh khẳng định, chúng ta thừa sức để sản xuất con ốc vít, vấn đề là chúng ta có lựa chọn để làm hay không và có đáng để làm hay không? “Nếu chúng ta tham gia và sản xuất chỉ con ốc vít, thì chúng ta chỉ chạy theo đuôi chuỗi giá trị toàn cầu. Cho nên, không nhất thiết cái gì cũng cần phải đẳng cấp quốc tế, như mắm tôm Việt Nam có cần đẳng cấp quốc tế không?”, ông Vũ Đình Ánh nêu vấn đề.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ Võ Trí Thành thì ví dụ, đẳng cấp không chỉ nằm ở Tập đoàn lớn, như bánh mỳ Sài Gòn và phở Việt Nam đang là thương hiệu đẳng cấp. “Khi nói về một sản phẩm phải hiểu về giá trị cốt lõi của nó để hỗ trợ cho sự phát triển, ví dụ cùng là phở nhưng có nhiều thương hiệu khác nhau để làm nên thành công”, ông Thành nói.

Đại diện cho một công ty nhựa cũng khẳng định, không nhất thiết phải tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, bởi Samsung cũng đã có hệ thống doanh nghiệp cung ứng của họ. Vì vậy, doanh nghiệp không thể “há miệng chờ sung” mà phải tìm đường đi cho mình.

Tập đoàn lớn có trách nhiệm đồng hành

Liên quan đến chuỗi cung ứng toàn cầu, vấn đề các tập đoàn có dành sự quan tâm cho các doanh nghiệp nội địa, nơi họ đang đặt địa bàn sản xuất hay không cũng được nêu ra. PGS.TS Tạ Lợi, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân kể câu chuyện, có doanh nghiệp tham  gia sản xuất linh kiện cho Canon, phải đợi 28 lần mới được gặp được. “Doanh nghiệp nước ngoài sẽ chú ý đến phương pháp quản trị doanh nghiệp để có chất lượng đồng bộ, họ hướng đến tạo ra sản phẩm hoàn hảo và chúng ta cũng phải chú trọng đến vấn đề đó”, ông Lợi lưu ý.

Trước đó, ông Hà Long Quốc, Giám đốc Công ty Vinavit (TP. Hồ Chí Minh) – một doanh nghiệp chuyên cung cấp ốc vít, bù-long cho các công ty điện tử hàng đầu của Nhật Bản như Haier, Toshiba… cũng cho biết, Vinavit phải mất 4-5 năm mới có thể trở thành nhà cung ứng thiết bị điện tử cho Toshiba. Bởi ban đầu, các doanh nghiệp nước ngoài chỉ đặt số lượng hàng rất ít để kiểm tra mẫu, chất lượng, sau đó mới đặt hàng với số lượng tăng dần và đến lúc thật an tâm mới ký những đơn hàng lớn.

Về vấn đề này, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cũng cho biết, tuần trước đã trao đổi với Chủ tịch Samsung ở Việt Nam, nêu vấn đề coi Việt Nam là cung ứng thứ hai thì cũng cần có trách nhiệm xây dựng quê hương này. “Tôi cũng đề nghị Tập đoàn nước ngoài đến đây giúp xây dựng và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, tạo ra nhà cung cấp và đồng hành cùng họ. Chủ tịch Samsung cũng nhất trí chúng tôi sẽ có kế hoạch triển khai để sáng tạo ra đội ngũ, lực lượng nhà cung cấp của họ ở Việt Nam tạo ra sự gia tăng nền kinh tế”, TS.Vũ Tiến Lộc cho biết.

"Dù tham gia vào chuỗi giá trị theo hình thức theo sau, hay chuỗi giá trị sáng tạo thì tùy từng lĩnh vực mà doanh nghiệp có lựa chọn riêng. Và mục tiêu cuối cùng vẫn là giá trị gia tăng cho doanh nghiệp”, TS. Vũ Tiến Lộc.

Quỳnh Anh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.