Chuyện dọc đường

ODA không còn hấp dẫn

09/04/2015, 13:18

Công ty CP cảng Đà Nẵng từ chối dùng vốn ODA để triển khai dự án mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2.

oad
Ảnh minh họa.

Chuyện lãnh đạo Công ty CP cảng Đà Nẵng từ chối dùng vốn ODA để triển khai dự án mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2 đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận cả nước, đặc biệt với những người gắn bó lâu năm với công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

Không ít người còn tỏ ra bất ngờ và nghi hoặc về quyết định có một không hai này.

Cũng dễ hiểu cho sự nghi hoặc đó bởi, hơn hai chục năm qua, kể từ ngày tiếp cận với các tổ chức tài chính quốc tế, ODA luôn được xem như một luồng gió mới và một nguồn lực lớn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Minh chứng cho điều này là hàng nghìn km quốc lộ huyết mạch được nâng cấp, hàng chục cây cầu tầm cỡ khu vực được xây dựng mới, hàng trăm cầu yếu được cải tạo, hàng chục km đường cao tốc được xây dựng… từ nguồn vốn này đem lại diện mạo mới cho hệ thống hạ tầng giao thông. Cùng đó, vốn ODA ưu đãi với lãi suất thấp, thời gian trả nợ kéo dài,... luôn hấp dẫn với bất kỳ chủ đầu tư dự án nào.

Vậy, vì sao cảng Đà Nẵng lại kiên quyết chối từ tiếp nhận cả một khoản vốn sẵn có khổng lồ đó? Lý do được lãnh đạo đơn vị này giải thích đơn giản là để chủ động huy động vốn từ các nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực đầu tư, đây chắc chắn là quyết định không hề dễ dàng của doanh nghiệp. Nhưng nếu nghiên cứu kỹ và tính toán mọi nguồn cơn thì đây là quyết định có cơ sở. Bởi suy cho cùng, ODA không phải cây đũa thần biến hóa kỳ diệu, nếu không sử dụng hợp lý sẽ đem đến những hệ lụy khó lường.

Chưa kể việc dựa dẫm quá lớn vào ODA sẽ làm suy kiệt nguồn lực trong nước, tạo sức ép lớn về nợ công, khi tài trợ vốn, bất kể nhà tài trợ nào, dù có hữu hảo đến mấy cũng đều xây dựng những hàng rào kỹ thuật ngặt nghèo để ràng buộc. Cùng đó là những điều kiện về đấu thầu, mua sắm thiết bị máy móc đều phải phụ thuộc nhiều vào nhà tài trợ vốn. Nếu tính tổng thể, dù vay ưu đãi cũng sẽ chẳng hề rẻ hơn chút nào so với vay thương mại hay huy động vốn trong nước.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đã và đang huy động được một lượng vốn khổng lồ từ xã hội hóa để đầu tư hạ tầng giao thông, các nhà đầu tư trong nước đang rất mặn mà bỏ vốn đầu tư vào giao thông thì việc lãnh đạo Công ty CP cảng Đà Nẵng từ chối dùng vốn ODA để huy động vốn trong nước càng có cơ sở. Trong tương lai gần, không chỉ dừng lại ở mình cảng Đà Nẵng, chắc chắn sẽ còn thêm nhiều doanh nghiệp, dự án khác làm điều tương tự. Khi đó, sẽ chẳng còn ai bất ngờ và nghi hoặc nữa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.