Chính trị

Ông Ban Ki-mun đánh giá cao thành tựu KT-XH Việt Nam

22/05/2015, 20:39

Hôm nay (22/5), Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-mun đặt chân tới Việt Nam bắt đầu chuyến thăm kéo dài 2 ngày.

ban_N4A1888 copy
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-mun

Trong bối cảnh Liên Hợp quốc chuẩn bị kỷ niệm 70 năm thành lập (1945-2015), hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc thông qua Chương trình Nghị sự Phát triển sau 2015, các Mục tiêu Phát triển bền vững và phấn đấu đạt được thỏa thuận quốc tế mới về ứng phó với biến đổi khí hậu. Chủ tịch nước khẳng định là thành viên có trách nhiệm của Liên Hợp quốc, Việt Nam đã và sẽ tham gia và đóng góp tích cực vào các nỗ lực quốc tế trên, cũng như vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu khác, vì hoà bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển.

Chiều 22/5, tại buổi tiếp diễn ra ngay sau lễ đón chính thức Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-mun tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-mun vui mừng nhận thấy quan hệ Việt Nam - Liên hợp quốc đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình Việt Nam và các hoạt động ưu tiên của Liên Hợp quốc thời gian qua, tập trung thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Liên Hợp quốc trong thời gian tới.

Chủ tịch nước đánh giá cao sự ủng hộ, hỗ trợ nhiều mặt và hiệu quả của Liên Hợp quốc đối với Việt Nam trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.

Chủ tịch nước cho rằng, trong bối cảnh tình hình an ninh quốc tế diễn biến hết sức phức tạp và khó lường hiện nay, với những bất ổn chính trị, xung đột vũ trang, chủ nghĩa cực đoan và khủng bố, tranh chấp lãnh thổ… ở nhiều nơi trên thế giới, Liên Hợp quốc cần tiếp tục đảm nhiệm tốt trách nhiệm bảo đảm hòa bình và an ninh quốc tế, phát huy vai trò là trung tâm điều phối các nỗ lực nhằm giải quyết những thách thức đó.

Chủ tịch nước nhấn mạnh để duy trì hòa bình và an ninh khu vực và quốc tế, tất cả các nước cần tuyệt đối tuân thủ Hiến chương Liên Hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, giải quyết mọi tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.

Chủ tịch nước đã thông báo Tổng Thư ký về các diễn biến gần đây ở Biển Đông và đề nghị Tổng Thư ký và Liên Hợp quốc tiếp tục quan tâm sát sao, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy các bên giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Chủ tịch nước khẳng định thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia đóng góp ngày một tích cực hơn trên các lĩnh vực hoạt động quan trọng của Liên Hợp quốc, trong đó, có hoạt động gìn giữ hòa bình.

ban_N4A2276 copy
Tổng Thư ký Liên Hợp quốc bắt tay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-mun bày tỏ sự vui mừng được đến thăm Việt Nam lần thứ hai, cảm ơn Chủ tịch nước đã đón tiếp trọng thị. Tổng Thư ký Liên Hợp quốc đánh giá rất cao những thành tựu kinh tế - xã hội ấn tượng mà Việt Nam đạt được trong quá trình đổi mới, khẳng định Liên Hợp quốc luôn coi trọng vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam vào các hoạt động của Liên Hợp quốc thời gian qua, như tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 và các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc.

Tổng Thư ký Liên Hợp quốc cũng chia sẻ ưu tiên Liên Hợp quốc trong năm nay là phải thông qua Chương trình Nghị sự Phát triển sau 2015, các Mục tiêu Phát triển bền vững và thỏa thuận khung về biến đổi khí hậu. Ông Ban Ki-mun mong Việt Nam tiếp tục chủ động, tích cực đóng góp vào các nỗ lực chung, kể cả thông qua việc ứng cử vào Hội đồng Kinh tế Xã hội của Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2016-2018 và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Tổng Thư ký Liên Hợp quốc đề nghị Việt Nam tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Liên Hợp quốc trong triển khai sáng kiến “Thống nhất hành động” tại Việt Nam. Tổng Thư ký LHQ tỏ lo ngại về gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, mong muốn các bên liên quan cùng đối thoại, giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật Biển 1982; mong các nước ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); LHQ sẵn sàng hỗ trợ về vấn đề này nếu các bên liên quan đề nghị.

ban_N4A2196 copy
Tổng Thư ký Liên Hợp quốc bày tỏ sự vui mừng khi tới thăm Việt Nam cùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng

Theo chương trình chuyến thăm hai ngày từ ngày 22-23/5, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc sẽ đến chào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; cùng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh hội đàm, dự Hội nghị Sơ kết 1 năm thực hiện nhiệm vụ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc và Lễ khánh thành Một Ngôi nhà chung Liên Hợp quốc; gặp gỡ, nói chuyện với sinh viên và cán bộ ngoại giao trẻ Học viện Ngoại giao.

Ông Ban Ki-Moon chính thức nhậm thức Tổng Thư ký (TTK) LHQ từ 1/1/2007. Kể từ khi nhậm chức, ông đã có một số nỗ lực thúc đẩy các chương trình, hoạt động của LHQ, trong đó có vấn đề cải tổ LHQ. Trước đó, ông giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hàn Quốc.

Ông là người tham gia tích cực vào các vấn đề liên quan đến quan hệ Hàn Quốc-CHDCND Triều Tiên. Năm 1992, với tư cách là Cố vấn đặc biệt của Ngoại trưởng Hàn Quốc, ông được cử làm Phó Chủ tịch Uỷ ban hỗn hợp kiểm tra hạt nhân Nam-Bắc. Tháng 9/2005, với tư cách là Ngoại trưởng, ông đóng vai trò quan trọng trong việc ký kết một thoả thuận mang tính bước ngoặt nhằm thúc đầy hoà bình và ổn định ở bán đảo Triều Tiên với việc thông qua Tuyên bố chung về việc giải quyết vấn đề hạt nhân CHDCND Triều Tiên.

Ông Ban Ki-moon tốt nghiệp Trường Đại học Quốc gia Seuol, chuyên ngành quan hệ quốc tế, sau đó ông đã có bằng thạc sĩ về quản trị công tại Trường đại học Ha-vớt. Ông Ban Ki-moon sinh ngày 13/6/1944, có vợ và 3 con. Ngoài tiếng Hàn Quốc, ông nói tiếng Anh và Pháp. Ông là người có thiện cảm với Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.