Tài chính

Ông chủ 9X “hái ra tiền” từ tranh rêu

11/02/2023, 07:41

Từ thất nghiệp do ảnh hưởng dịch Covid-19, Tuấn Anh lại có cơ duyên thay đổi nghề nghiệp, trở thành ông chủ của những bức tranh rêu độc đáo.

Đưa thiên nhiên vào nhà

img

Ông chủ Hoàng Tuấn Anh tỉ mỉ ghép từng mảng rêu bảo tồn vào tranh

“Mất 2 năm nghiên cứu, trải qua không ít thất bại, thành công của rêu bảo tồn qua xử lý đã đánh dấu mốc mới trong nghệ thuật chơi cây cảnh Việt Nam”, ông chủ trẻ Hoàng Tuấn Anh (25 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) mở đầu câu chuyện với chúng tôi về sự ra đời của những bức tranh rêu độc đáo.

Cửa tiệm rộng chừng 20m2 tại quận Đống Đa, Tuấn Anh dùng làm nơi trưng bày sản phẩm và sáng tác các tác phẩm tranh rêu theo đơn đặt hàng, cũng như xử lý các bước cần thiết để “đóng băng” rêu bảo tồn.

Ngầm hiểu là lời giải thích cho không gian này, Hoàng Tuấn Anh kể, giai đoạn tiền khởi nghiệp, anh phải vay của bố mẹ 150 triệu đồng. Nhưng anh cũng phải thể hiện sự chín chắn bằng cách thông qua nhiều vòng “thuyết trình” về ý tưởng khởi nghiệp để bố mẹ tin tưởng.

Ba năm trước, anh tìm đến thú chơi cây cảnh để giải khuây. Ban đầu anh trồng cây, làm các bình Terrarium (hệ sinh thái thu nhỏ trong lọ thủy tinh hay trong hộp kính) nhưng càng đi sâu tìm hiểu, chàng trai Hà Nội càng dành sự quan tâm đặc biệt với rêu.

Đây là loại hình mới, ít tài liệu và kén người chơi nên anh phải tham gia vào hội nhóm nước ngoài, quốc tế để học hỏi và trao đổi kinh nghiệm. Trải qua những lần thất bại và trải nghiệm, anh dần đúc rút ra những kinh nghiệm, từ đó đưa vào tác phẩm của mình.

Cuối năm 2020, Tuấn Anh đã tung ra thị trường những sản phẩm Terrarium bằng rêu sống đầu tiên và bán qua mạng với giá từ 1 - 5 triệu đồng. Tuy nhiên, dòng này dù không phổ biến nhưng không hiếm ở Việt Nam.

Theo dõi các mô hình quốc tế, Tuấn Anh phát hiện một số nước trên thế giới đang dùng dòng rêu bảo tồn để trang trí, tạo không gian xanh với ý tưởng “đưa thiên nhiên vào nhà” rất độc đáo.

Rêu bảo tồn là những lớp rêu sống đã được thông qua nhiều quá trình xử lý khác nhau để làm ngưng đọng các tế bào thực vật, khiến cho rêu giữ được hình dạng, màu sắc và độ đàn hồi mãi mãi, đồng thời không thể bị phân hủy.

Đặc biệt, rêu bảo tồn không cần phải chăm sóc. Tuổi thọ của dòng rêu này từ 5 - 10 năm, có thể bảo dưỡng dễ dàng.

Kỳ công nghề “vẽ” tranh bằng rêu

Tháng 11/2021, cửa hàng “The Rare Rium” ra đời, từ đó Tuấn Anh cũng ấp ủ và thử nghiệm cách bảo quản dòng rêu bảo tồn. Qua nhiều lần thất bại, mãi đến tháng 6/2022, Tuấn Anh mới chính thức khẳng định được sự thành công của dòng sản phẩm này khi sản phẩm ra đời không bị mốc, mất màu…

Thời gian đó, ông chủ trẻ cho biết, đã đi “du học qua mạng” rất nhiều nước để tìm hiểu cách sáng tạo sản phẩm từ dòng rêu này.

Những mô hình đó mang lại cho người xem cảm giác thư thái và đến gần thiên nhiên hơn nhưng ở Việt Nam rất hiếm người làm môn nghệ thuật này. Đó cũng là động lực để Tuấn Anh kiên trì làm đến cùng

Tại một góc nhà, Tuấn Anh khéo léo dùng cây nhíp nhỏ gắp những cây rêu mỏng chừng vài sợi tóc ghép vào một mép thân gỗ mục trên bức tranh. Tuấn Anh cho biết, nghệ thuật làm tranh rêu đòi hỏi mất rất nhiều công sức, sự tỉ mỉ và tính sáng tạo.

Theo Tuấn Anh, những bức tranh rêu được lấy ý tưởng từ hệ sinh thái, từ những bờ rừng nguyên sinh hay từ những cánh đồng ở ngoài tự nhiên. Mỗi bức tranh là một tác phẩm riêng, không có một giới hạn tiêu chuẩn nào.

Để tạo ra một tác phẩm tranh rêu bảo tồn, Tuấn Anh cho biết, buộc phải trải qua bốn bước. Đầu tiên là phải rửa sạch để loại bỏ toàn bộ đất, cát, vi sinh vật sống trên rêu tươi; tiếp đến là sử dụng các chất bảo tồn, qua nhiều quá trình xử lý khác nhau để rêu rơi vào trạng thái “ngủ đông”.

Phơi khô để chất bảo tồn ngấm sâu vào rêu là công đoạn khó nhất. Công đoạn này mất khoảng 5 - 7 ngày trong điều kiện thời tiết có nắng và hanh khô và nếu gặp ngày nồm ẩm, rêu chưa tới độ thì buộc phải bỏ đi.

Rêu bảo tồn đạt chất lượng phải sạch, đẹp có màu sắc tự nhiên, độ bồng bềnh nhất định; cuối cùng là trang trí lên tranh.

Ở công đoạn trang trí, những bức tranh có kích thước nhỏ cỡ khoảng 50 x 50cm cũng phải mất vài ngày để làm; những bức dưới 1m2 trung bình mất 7 - 10 ngày, với 2 người làm; những bức tranh có kích thước lớn hơn cần thời gian nhiều hơn, thậm chí mất cả tháng để hoàn thành.

Nghề hái ra tiền

img

Công đoạn làm sạch rêu để làm tranh

Từ những mảng rêu có giá chỉ hàng chục, hàng trăm nghìn đồng, sau khi được xử lý thành rêu bảo tồn, được tạo hình thành các bức tranh treo tường phác họa thành những khu rừng núi non hùng vĩ thu nhỏ, giá bán hàng triệu, đến vài chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu tùy vào kích thước cũng như độ phức tạp.

Đối tượng tìm đến tranh này hầu hết là người có tiền, muốn tìm kiếm sự mới lạ cho không gian sống xanh. Đây cũng là xu hướng trong tương lai, mà ông chủ trẻ của “The Rare Rium” tự tin khi nói rằng “đây là nghề hái ra tiền”.

Nhớ lại đơn hàng đầu tiên với giá 60 triệu đồng đến từ một vị khách giàu có đã từng được nghe kể về tranh rêu, Tuấn Anh cho biết, hiện nay các đơn hàng của cửa hàng phần lớn đến từ việc truyền miệng.

Thực tế, lần đầu giới thiệu các bức tranh rêu bảo tồn không cần chăm sóc nhưng vẫn giữ nguyên độ tươi xanh ra thị trường, nhiều người không tin. Tuấn Anh cho rằng, khi có người dùng thực tế, giới nhà giàu được tiếp cận trước, sẽ lan tỏa được rộng rãi nghệ thuật này.

Trường hợp của chị Lệ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là một ví dụ. Chị Lệ đặt một bức tranh dài khoảng 1,2m, rộng 1m để biếu đối tác. Bức tranh có giá 24 triệu đồng.

Bức tranh chị Lệ muốn phải thể hiện được khung cảnh tự nhiên, một khu rừng nhiệt đới, đem lại không gian xanh, hướng con người đến lối sống xanh. Theo chị Lệ, đối tượng chị tặng là một người khá bận rộn. Và chị muốn tạo cho họ sự thư giãn khi nhìn vào bức tranh này. Đó cũng là ý niệm của hầu hết các khách hàng tìm đến loại hình này.

Ông Nguyễn Quang Việt Huy, trưởng Hội Thủy Sinh Việt Nam (với hơn 50.000 người tham gia) cho hay, mấy năm gần đây, Việt Nam rộ lên phong trào chơi rêu cả ở thủy sinh và bán cạn mang lại thu nhập rất tốt cho những người nuôi cấy và tạo hình rêu.

"Rêu vừa dùng để trang trí, vừa tạo môi trường giống tự nhiên… Tuy nhiên, việc tạo nên rêu "ngủ đông" và ghép rêu này tạo tranh tường thì lần đầu tôi nghe thấy. Rất thú vị!", ông Huy nhận định và cho rằng, mô hình này sẽ mang lại thu nhập tốt nếu ai hiểu biết nghệ thuật trang trí và sẽ là môn nghệ thuât "hot" trong thời gian tới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.