Xã hội

Ông Đinh La Thăng: "Tôi thực sự đắn đo việc có nên kháng cáo"

11/05/2018, 14:17

Ông Thăng cùng các luật sư bào chữa đưa ra nhiều quan điểm với mong muốn toà phúc thẩm xem xét để lượng hình.

pvn

Phiên xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại PVN, PVC

Hôm nay (11/5), toà phúc thẩm tiếp tục phiên xét xử vụ án Cố ý làm trái xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

Trong phiên làm việc buổi sáng, các luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng cùng thân chủ của mình đã đưa ra nhiều luận điểm để mong HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt mà toà sơ thẩm đã tuyên.

“Bị cáo Đinh La Thăng có tội, nhưng không phải tội Cố ý làm trái”

Các luật sư Phan Trung Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Đào Hữu Đăng lần lượt trình bày các quan điểm bào chữa cho bị cáo Thăng, theo đó, tất cả các luật sư đều cho rằng nội dung kháng cáo của ông Thăng là hoàn toàn có cơ sở nên đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của ông Thăng, sửa án sơ thẩm theo hướng áp dụng tội nhẹ hơn của BLHS, qua đó giảm mức hình phạt cho ông Thăng.

Luật sư Phan Trung Hoài không đồng tình với quy buộc PVC được chỉ định thầu khi không đủ năng lực, kinh nghiệm, bởi các báo cáo của chủ đầu tư là PVPower cũng như của tổ thẩm định mà PVN lập ra sau này đều kết luận PVC đủ năng lực và điều kiện thực hiện dự án.

Luật sư cũng bày tỏ băn khoăn khi quan điểm luận tội của VKS cho rằng do không có tình tiết mới nên đề nghị không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đinh La Thăng. 

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp nhấn mạnh bị cáo Đinh La Thăng kháng cáo đề nghị xem xét lại tội danh theo nhận thức của bị cáo là có lỗi, có tội nhưng ở một tội khác chứ không phải tội cố ý làm trái. 

Ngoài ra, theo luật sư Thiệp, việc bị cáo không được hưởng tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo cũng cần xem xét lại.

Luật sư Thiệp nêu quan điểm không đồng tình với luận tội cho rằng thân chủ của ông chỉ đạo chỉ định thầu sai quy định cũng như chỉ đạo tạm ứng trái quy định để tạo điều kiện cho PVC. Bởi, ông Thăng không dưới hai lần từ chối tạm ứng với các bút phê: “Phương án tăng vốn đâu?” “PVN không phải là thủ quỹ của PVPower”. 

Liên quan đến năng lực và kinh nghiệm của PVC, luật sư Thiệp đặt vấn đề: "Nếu thiếu năng lực thì phải thay nhưng thực tế đến thời điểm này chưa có nhà thầu nào thay thế PVC và dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đã gần hoàn thành. Ngoài ra, việc ký hợp đồng là thẩm quyền của 2 đơn vị PVPower và PVC".

Từ lập luận của mình, các luật sư đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. 

Một điểm đáng chú ý là các luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng cũng như bị cáo Nguyễn Quốc Khánh đều đặt vấn đề về trách nhiệm của PVPower và cá nhân ông Vũ Huy Quang - cựu TGĐ PVPower. Bởi lẽ PVPower là chủ đầu tư, ông Quang là người trực tiếp ký hợp đồng EPC 33 - nguyên nhân của vụ án này nhưng không bị truy cứu. Theo luật sư, việc ông Quang đưa ra lời khai để loại trừ trách nhiệm cá nhân sẽ bất lợi cho thân chủ của mình vì thiếu khách quan.

Luật sư Đào Hữu Đăng đề nghị toà phúc thẩm hủy phần trách nhiệm dân sự để tách ra giải quyết theo một trình tự khác.

"Tôi bị bản án quá nặng"

Cho biết thống nhất với quan điểm bào chữa của các luật sư, bị cáo Đinh La Thăng đề nghị HĐXX cho trình bày bổ sung một số điều.

ong-thang

Bị cáo Đinh La Thăng cho rằng bản án dành cho bị cáo quá nặng

"Thực sự, sau khi TAND TP. Hà Nội tuyên phạt tôi 13 năm tù về tội cố ý làm trái, tôi đã trao đổi với các luật sư, rất đắn đo quyết định có kháng cáo hay không, bởi "kinh nghiệm" qua hai lần ra tòa cho thấy, càng nói thì bị cáo tội càng nặng thêm, cho rằng đó là quanh co, chối tội", bị cáo Đinh La Thăng nói.

Theo bị cáo, tại phiên tòa sơ thẩm, thông qua việc tranh tụng, thẩm vấn tại phiên tòa, nhiều căn cứ bào chữa xác đáng của luật sư nhưng không được HĐXX xem xét. Vì thế, sau khi cân nhắc, bị cáo quyết định kháng cáo. "Tôi có niềm tin, hy vọng TAND cấp cao tại TP. Hà Nội sẽ xem xét, làm rõ", ông Thăng nói.

Trước toà, bị cáo Đinh La Thăng bày tỏ băn khoăn với cáo buộc của VKS khi "nguyên văn như buộc tội của bản án sơ thẩm". "Tôi cảm nhận rằng hình như đối với cá nhân tôi, tất cả những gì dù không phải là trách nhiệm của tôi cũng đều buộc cho tôi. Có tất cả 4 cấp liên quan đến dự án này, nhưng tất cả đều gắn với tôi. Tôi đề nghị xem xét trách nhiệm của tôi căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã giao cho tôi. Việc của người khác, của cấp khác thì không gắn cho tôi" - cựu Chủ tịch PVN nói và khẳng định, trong suốt phiên tòa bị cáo luôn nhận trách nhiệm của người đứng đầu, nhưng không có nghĩa là người đứng đầu thì mọi việc từ lớn đến bé đều buộc Chủ tịch HĐTV phải biết, phải chiu trách nhiệm.

Nhắc đến bối cảnh thực hiện dự án này, cựu Chủ tịch PVN cho rằng khi đó thực hiện chủ trương phát huy nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây là chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ, PVN là tập đoàn kinh tế lớn của đất nước, phải triển khai thực hiện. Đây không phải là chủ trương nhất thời như cáo buộc của VKS là chỉ định thầu cho PVC là để cứu PVC. Không phải chỉ riêng PVC được chỉ định thầu mà tất cả các đơn vị thành viên đều được chỉ định thầu theo đúng quy định của pháp luật.

"Dự án được chuẩn bị suốt một thời gian dài. Từ 2009, tôi không phải là tài thánh gì để biết năm 2011 PVC sẽ gặp khó khăn, để chỉ định thầu cứu PVC", ông Thăng trình bày.

Theo ông, chủ trương là đúng, Tập đoàn tiếp tục cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ, đồng ý giao cho PVC làm tổng thầu, nhưng việc chuẩn bị các thủ tục phải đúng theo quy định của pháp luật. Trách nhiệm đánh giá năng lực, các bước chọn PVC làm tổng thầu, chủ đầu tư là PVPower thuộc trách nhiệm của HĐQT PVN.

"Tôi bị bản án quá nặng nên xin phép được khẳng định lại quan điểm, khi tôi chuyển công tác rồi, Ban TGĐ, HĐQT PVN tiếp tục đánh giá lại và quyết định PVC vẫn đủ năng lực làm tổng thầu. Lúc đó không còn vai trò của tôi trong đó. Tôi đề nghị xem lại cáo buộc tôi đã chỉ định thầu một cách vô tội vạ" - cựu Chủ tịch PVN đề nghị.

Nhắc đến việc ký hợp đồng 33, bị cáo Thăng cho rằng đây là khởi nguồn, là mấu chốt của vụ án, không có hợp đồng 33 này thì không có ai phải ra tòa hôm nay.

"Đây là trách nhiệm của chủ đầu tư và tổng thầu. Tôi là chủ tịch HĐTV thì không thể biết được. Tài liệu, chứng cứ đưa ra đều là sự bàn bạc của PVPower, tôi hoàn toàn không biết việc này. HĐXX có thể hỏi anh Vũ Huy Quang (nguyên TGĐ PVPower) xác minh tôi, anh Thực, anh Khánh có chỉ đạo ký hợp đồng số 33 hay không? VKS có thể hỏi anh Quang xem tôi có chỉ đạo không, có ép buộc không?" - ông Thăng nói.

Ông cũng trình bày, đây là dự án vừa thiết kế, vừa thi công, chịu sức ép của tiến độ. Ép tiến độ là có thật, nhưng tăng cường thời gian, tăng cường con người lên thì có thể hoàn thành, đẩy nhanh được tiến độ... Sau khi PVC đàm phán với các nhà thầu Nhật Bản, Hyundai của Hàn Quốc, của Nga, của Mỹ... không thành thì tôi đã ký chỉ định PVC làm tổng thầu.

Khi HĐXX yêu cầu ông Thăng xuất trình tài liệu này, ông Thăng nói tài liệu này chỉ PVC mới có.

Về cáo buộc của VKS cho rằng ông Thăng chỉ đạo việc tạm ứng tiền cho PVC, bị cáo này khẳng định không có bất cứ chỉ đạo nào tạm ứng cho PVC, đó cũng không thuộc chức năng của bị cáo. Khi tạm ứng tiền cho PVC, bị cáo Thăng đã yêu cầu tiền này chỉ được sử dụng cho Nhiệt điện Thái Bình 2 nhưng VKS không đề cập đến việc này. Việc sử dụng tiền sai mục đích thuộc trách nhiệm của PVC.

Trước đó, khi nêu quan điểm luận tội, VKSND cấp cao tại Hà Nội cho rằng, tại một số bút lục cho thấy ông Thăng khi làm Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN (năm 2008-2011) có quyền quyết định với những dự án lớn của PVN.

Với dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Hội đồng Thành viên của PVN được Chính phủ ủy quyền cho quyết định chủ đầu tư. Ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo lựa chọn PVC là tổng thầu.

Lời khai của bị cáo Vũ Hồng Chương (cựu trưởng ban QLDA Điện lực dầu khí Thái Bình 2) cho thấy việc chỉ định PVC là tổng thầu là trái luật vì không đủ năng lực thực hiện dự án, không có kinh nghiệm. Việc lựa chọn PVC bị xác định là làm trái chỉ đạo của Chính phủ về chọn nhà thầu phải có năng lực và kinh nghiệm.

Cũng theo VKS, bị cáo Đinh La Thăng biết hợp đồng EPC 33 chưa đủ căn cứ pháp lý, chưa có điều kiện thanh toán, tạm ứng tiền nên đủ cơ sở kết luận ông Đinh La Thăng có vai trò chính trong việc chỉ định thầu PVC, chỉ đạo PVPower ký hợp đồng trái luật, sau đó chỉ đạo cấp tạm ứng hơn 6 triệu USD cùng hơn 1.000 tỷ đồng; tạo điều kiện cho Trịnh Xuân Thanh cùng cấp dưới sử dụng sai mục đích gây thiệt hại 119 tỷ đồng.

VKS đề nghị không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐTV PVN và cho rằng không có tình tiết mới nên đề nghị cần giữ nguyên như bản án sơ thẩm là 13 năm tù về tội Cố ý làm trái.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.