Xã hội

Ông Đoàn Hồng Phong: Còn tình trạng thanh tra nhũng nhiễu, gây khó cho dân

05/11/2022, 11:40

Tổng Thanh tra Chính phủ thừa nhận có tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu gây khó khăn cho nhân dân và doanh nghiệp trong quá trình thanh tra.

Thu hồi hơn 1.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm

Sáng 5/11, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Tham gia chất vấn, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) ghi nhận, thời gian qua công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt, đạt nhiều hiệu quả quan trọng, toàn diện.

Tuy nhiên, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp, tham nhũng trên một số lĩnh vực còn diễn biến nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong xã hội.

Ông đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp thời gian tới.

img

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông)

Trả lời, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, ngăn chặn, thu hồi tài sản tham nhũng là nhiệm vụ khó khăn.

Trong 9 tháng đầu năm, Thanh tra Chính phủ thanh tra đã đôn đốc gần 5.600 kết luận thanh tra, thu hồi hơn 1.000 tỷ đồng, đạt 60%, gấp đôi năm 2021; xử lý 1.700 tổ chức và 4.800 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 76 vụ với 93 đối tượng. Khoảng 1.800 vụ đã thi hành án với hơn 15.000 tỷ đồng.

"Tuy nhiên, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn thấp", ông Phong thừa nhận.

img

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong

Về giải pháp, ông Phong cho biết, tháng 6/2021, Ban Bí thư ban hành chỉ thị về tăng cường thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án hình sự, kinh tế. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã thực hiện tốt công tác này, tỷ lệ thu hồi năm sau cao hơn năm trước.

"Khi vụ án xảy ra, nếu người tham nhũng nộp lại tiền, thì sẽ được xem xét giảm thời gian thi hành án", ông Phong nói.

Về vấn đề công tác phối hợp thanh tra còn để trùng lặp, ông Phong cho biết các cơ quan thanh tra, kiểm toán đã có phối hợp nhưng thực tế vẫn còn xảy ra chồng chéo. Hai cơ quan đã ban hành quy chế phối hợp từ khâu xây dựng kế hoạch. Quá trình thanh tra nếu phát hiện chồng chéo giữa thanh tra bộ ngành với địa phương mà không xử lý được sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền.

"Luật trước đây chưa quy định về xử lý chồng chéo, luật sắp tới sẽ có 5 điều về việc này. Trong tương lai, một nội dung hoạt động của tổ chức cá nhân chỉ là đối tượng của một cơ quan thanh tra, kiểm toán. Về lâu dài, kiến nghị hoàn thiện luật theo hướng quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra", ông Phong thông tin.

Cán bộ thanh tra không được giao lưu bất cứ hình thức nào với người bị thanh tra

Tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ đánh giá về số lượng, chất lượng và đạo đức công vụ của lực lượng thanh tra.

img

Đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình)

Trả lời, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, hoạt động thanh tra còn gặp khó khăn khi cán bộ ít. Tuy nhiên, ngành đã cố gắng thực hiện nhiệm vụ. Trong 10 năm từ 2012-2022, Thanh tra đã triển khai đồng bộ, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, kiến nghị thu hồi số tiền hơn 461.000 tỷ đồng; 750.000 ha đất; kiến nghị xử lý hơn 44.000 tập thể cá nhân; chuyển cơ quan điều tra hơn 1.100 vụ và hơn 1.100 người.

Ngoài thanh tra theo kế hoạch, thanh tra được giao nhiều việc thanh tra đột xuất, như năm 2022 sẽ thanh tra mua sắm thiết bị và phòng chống Covid-19, thanh tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thanh tra quy hoạch và thực hiện quy hoạch điện VII, thanh tra kinh doanh xăng dầu...

"Thanh tra chỉ có 408 cán bộ công chức thì rất khó khăn trong hoàn thành yêu cầu nhiệm vụ", ông Đoàn Hồng Phong nói.

Tiếp tục tranh luận, đại biểu Minh cho rằng, câu hỏi của ông có ba ý, trong đó có quan điểm về số lượng, chất lượng, đạo đức công vụ của lực lượng thanh tra hiện nay. Tổng Thanh tra Chính phủ chưa nói rõ ý này, đề nghị bổ sung.

Trả lời bổ sung, ông Đoàn Hồng Phong thông tin, thời gian qua, lực lượng thanh tra cơ bản chấp hành quy định. Có một số trường hợp để xảy ra vi phạm như vụ việc thanh tra ngành xây dựng đến thanh tra tại Vĩnh Phúc. Cách đây 20 năm, ngay tại Thanh tra Chính phủ cũng có những vụ nhận hối lộ, bị xử lý.

Ngành thanh tra có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ. Tháng 7 vừa qua, Thanh tra Chính phủ ban hành nghị quyết quy định nâng cao chất lượng, tiến độ kết luận thanh tra, đồng thời quy định trách nhiệm, điều nghiêm cấm cán bộ thanh tra không được làm. Theo đó, cán bộ thanh tra không được nhận quà, tiền của đối tượng thanh tra, không được giao lưu bất cứ hình thức nào với người bị thanh tra...

"Tôi mong đại biểu và cử tri giúp giám sát cán bộ đoàn thanh tra, nếu phát hiện sai phạm thì chúng tôi sẽ xử lý", ông Phong nói.

Còn tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho biết, hiện nay tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong thực hiện các thủ tục hành chính đang có xu hướng tăng mạnh, nhất là trong quan hệ giao dịch, lĩnh vực xây dựng, đất đai, kinh doanh.

Tuy nhiên, những công cụ kiểm soát hành chính như kiểm tra, thanh tra, giám sát hiện chưa đủ điều kiện để kịp thời phát hiện và xử lý. Ông Phương đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ cho biết giải pháp để phát hiện và xử lý tình trạng tham nhũng, tiêu cực này?

img

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh)

Trả lời, ông Đoàn Hồng Phong nhận định cán bộ thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra nói chung đã cơ bản thực hiện quy định về đạo đức công vụ, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế bất cập, đặc biệt vụ thanh tra Bộ Xây dựng ở Vĩnh Phúc và một số vụ nhiều năm trước. Dư luận cũng đánh giá cán bộ thanh tra còn phiền hà, nhũng nhiễu để vụ lợi cá nhân.

Ông Phong dẫn lại nhận xét của Chủ tịch nước về tình trạng cán bộ thanh tra dễ dãi, giao lưu, ăn uống với đối tượng thanh tra và khẳng định sẽ rà soát, sửa đổi tình trạng này.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thừa nhận qua thanh tra, các cơ quan nhận thấy có thực trạng nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công vụ, trong đó có cả cán bộ lĩnh vực thanh tra. Còn tình trạng cố tình kéo dài thời gian trả lời người dân, trả lời chung chung, không đúng trọng tâm để người dân phải đi lại nhiều lần.

"Thậm chí nhiều người còn vòi vĩnh để vụ lợi. Nhiều thủ tục còn rườm rà, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Trong khi đó, một số ngành vẫn còn hiện tượng có giấy phép con", Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.