Thế giới

Ông Duterte thẳng tay trị tham nhũng và ma túy

30/12/2016, 06:13
image

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đe dọa sẽ áp dụng hình phạt đẩy quan chức tham nhũng khỏi trực thăng ngay giữa trời.

Rất nhiều trẻ em Philippines thiệt mạng trong chiế

Rất nhiều trẻ em Philippines thiệt mạng trong chiến dịch chống ma túy của Chính phủ.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tiếp tục chính sách trị quốc một cách mạnh tay đến khốc liệt để dẹp bỏ hai vấn nạn lớn nhất mà nước này đang đối mặt là tham nhũng và ma túy.

Dọa ném quan tham khỏi trực thăng

Hôm qua (29/12), theo Reuters, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gây “bão dư luận” khi đe dọa sẽ áp dụng hình phạt đẩy quan chức tham nhũng khỏi trực thăng ngay giữa trời. “Tôi sẽ xử kẻ tham nhũng bằng cách đưa hắn lên trực thăng tới Manila và đẩy khỏi máy bay giữa không trung. Tôi đã từng làm vậy nên đừng nghĩ tôi không dám làm lại”, ông Duterte tuyên bố. Hiện nay, giới chức vẫn chưa xác định rõ khi nào và bao giờ vụ đẩy người khỏi trực thăng xảy ra. Nhưng người phát ngôn của ông Duterte, ông Ernesto Abella cho rằng: “Có lẽ, đây chỉ là truyền thuyết” nhưng không nêu rõ chi tiết.

Xem thêm video:

Tuyên bố gây sốc trên tiếp nối những chuỗi phát ngôn về việc tiêu diệt tội phạm thẳng tay của Tổng thống Philippines. Trước đó, ông Duterte thừa nhận đã tự tay giết người khi còn là Thị trưởng TP Davao. Trong đó, ông tuyên bố, thỉnh thoảng vẫn lái xe máy đi lòng vòng để “tìm và tiêu diệt tội phạm”. Hay trong vụ 6 kẻ mới bị bắt tuần vừa rồi vì tàng trữ hơn nửa tấn ma túy đá (methamphetamine) trong nhà, ông Duterte nhận định: “May cho chúng không ở Manila lúc đó. Nếu tôi biết chúng chứa ngần ấy ma túy trong nhà, tôi chắc chắn sẽ tiêu diệt”. “Đừng tạo bi kịch nào nữa, chính tay tôi sẽ bắn kẻ buôn bán ma túy nếu không ai dám làm thế”, ông nói.

Kể từ khi nhậm chức tới nay, ông Duterte đối mặt các chỉ trích gay gắt từ các tổ chức nhân quyền và phương Tây vì chiến dịch tiêu diệt tội phạm ma túy thẳng tay, không cần xét xử. Các đại diện nhân quyền Liên hợp quốc từng kêu gọi điều tra các tuyên bố giết người của ông Duterte. Ông này khẳng định, những vụ tiêu diệt đó đều nằm trong các chiến dịch truy quét tội phạm của cảnh sát và hoàn toàn hợp pháp.

Từ 9 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự

Dư luận lo ngại về tình hình nhân quyền càng tồi tệ hơn, nhất là với trẻ em khi Quốc hội Philippines rục rịch thông qua dự luật hạ tuổi chịu trách nhiệm hình sự tối thiểu từ 16 tuổi xuống 9 tuổi. Cùng với dự thảo trên, ông Duterte còn đề xuất lệnh giới nghiêm toàn quốc với trẻ vị thành niên để ngăn chặn trẻ em bị lợi dụng vào các hành vi phạm tội. Ông Duterte cho biết, rất nhiều băng nhóm tội phạm dùng ma túy làm mồi nhử ép buộc trẻ em, trẻ vị thành niên để thực hiện các hành vi phạm tội. “Nếu các băng nhóm phạm tội và ma túy không bị tiêu diệt, đất nước này “sẽ sản sinh ra một thế hệ tội phạm”, ông Duterte cảnh báo. Dữ liệu của cảnh sát từ ngày 1/7 đến 28/8 năm nay cho thấy hơn 20 nghìn người dưới 18 tuổi đầu thú vì sử dụng ma túy. Mới đây nhất, ngày 29/12, cảnh sát Philippines cho biết, ba trong số 7 người vừa bị bắn chết vì liên quan tới ma túy là trẻ vị thành niên (15 -16 và 18 tuổi)

Dự luật trên gây ra phản ứng trái chiều trong xã hội Philippines. “Ngày nay, trẻ em có thể bị sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội nhưng cha mẹ nên chịu trách nhiệm vì việc đó chứ không phải trẻ em. Nuôi dạy con cái là trách nhiệm của họ”, sinh viên đại học Daniel Fallow chia sẻ. Trong khi, bà Andrea Gitering là một người mẹ chia sẻ: “Philippines thực sự cần luật này vì bọn tội phạm có thể sử dụng trẻ em để thực hiện hành vi phạm tội”.

Song, các tổ chức nhân quyền, hoạt động vì xã hội cực lực bác bỏ. Cô April Amistoso, một nhân viên đến từ Tổ chức Vì trẻ em phi lợi nhuận Bahay Tuluyan cho rằng: Bỏ tù trẻ em không phải là giải pháp nhanh chóng, thay vào đó, Chính phủ nên tập trung thực hiện các biện pháp xóa đói giảm nghèo và phục hồi nhân phẩm trẻ em.

“Nếu trừng phạt trẻ em, sau này khi chúng lớn lên, chúng khó có thể thoát khỏi con đường phạm tội. Tuy nhiên, nếu chúng ta giúp trẻ em, sau này chúng có thể trở thành những nhân tố tốt của cộng đồng”, cô Amistoso nói.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.