Văn hóa - Giải Trí

Ông hoàng thời trang thế giới Karl Lagerfeld: Kẻ cứng đầu được mến mộ

22/02/2019, 07:38

49 tuổi, năm 1983, Lagerfeld gia nhập Chanel với vai trò nhà thiết kế chính. Đây cũng là bước ngoặt đưa ông trở thành “quái kiệt thời trang".

img
Karl Lagerfeld

Ngày 19/2, làng thời trang thế giới chứng kiến sự mất mát to lớn khi Karl Lagerfeld qua đời. Một tượng đài về thời trang của nhân loại, một người đàn ông kỳ lạ, cứng đầu bất trị nhưng được cả thế giới mến mộ.

Người mẹ sành điệu và cậu con trai khác thường

Karl Lagerfeld tên thật là Karl Otto Lagerfeldt, về sau Lagerfeldt được đổi thành Lagerfeld vì theo ông chia sẻ cái tên này dễ nghe hơn và có chất thị trường, thương mại hơn. Ông sinh ra tại ngôi làng ở Hamburg, Đức, trong một gia đình khá giả, có tư tưởng cởi mở. Cha ông - Otto Lagerfeld làm giám đốc kinh doanh một công ty sữa của Đức. Còn mẹ ông, bà Elisabeth Lagerfeldt - một người phụ nữ sành điệu, sở hữu bộ sưu tập nước hoa và quần áo đầy ấn tượng làm nghề bán quần áo nội y.

Karl Lagerfeld luôn tỏ ra là một con người bí ẩn. Ngay cả về ngày sinh của mình, ông cũng tuyên bố không ai biết được ngày sinh thực sự của ông. Trang web chính thức của nhà thiết kế cho biết ông sinh năm 1938. Tuy nhiên, người ta tin rằng ông sinh vào ngày 10/9/1933 tại một ngôi làng ở Đức sau khi phát hiện một tờ giấy khai sinh được viết bởi bố mẹ của ông.

Hiện tại, những ghi chép về tuổi thơ của Karl Lagerfeld đều rất ít ỏi và mơ hồ. Karl sớm bộc lộ tính cách nghệ sĩ, 5 tuổi đã biết cạo râu và luôn trăn trở để tìm ra sự khác biệt. Đặc biệt, Lagerfeld luôn mê mẩn những thiết kế trên các tạp chí đến mức ông thường xuyên cắt những bức hình yêu thích để lưu giữ. Gu thời trang thường ngày của Lagerfeld khá nổi trội và khác biệt với các bạn đồng trang lứa. Ông cảm thấy các bạn học ăn mặc đơn điệu, gu thẩm mỹ kém.

Năm 1952, bà Elisabeth Lagerfeldt đưa ông đến Paris để hoàn thành việc học với giao kèo: Ông có thể làm bất cứ điều gì mình muốn, miễn là không trở thành linh mục hay vũ công. Đến Pháp, Lagerfeld như cá gặp nước, ông thiết kế cho các hiệu thời trang với đồng lương rẻ mạt. Hai năm sau, ở tuổi 21, Lagerfeld đã giành chiến thắng trong một cuộc thi thiết kế áo khoác do hai nhà thiết kế Pháp Pierre Balmain và Hubert de Givenchy làm giám khảo. Giải thưởng tựa một quả cầu tuyết lăn tròn trên sườn núi tạo nên màn lở tuyết hoành tráng, ngoài mong đợi nhưng cũng rất ngẫu nhiên.

Loại bỏ thơ mộng già cỗi, thổi sức sống thành thị vào Chanel

49 tuổi, năm 1983, Lagerfeld gia nhập Chanel với vai trò nhà thiết kế chính. Đây cũng là bước ngoặt đưa Lagerfeld trở thành “quái kiệt thời trang” thế giới.

“Ai cũng bảo tôi bỏ qua lời mời, thương hiệu đó đã chết, không thể cứu vãn”, Lagerfeld từng nói với New York Times. Song, với ông, đó là một thử thách. Lagerfeld hiên ngang bước vào cánh cửa Chanel trong sự ngờ vực của giới chuyên môn, sự hoài nghi của những kẻ không ưa và cả sự “bằng mặt mà không bằng lòng” của nhân viên. Tại Chanel, Karl Lagerfeld cắt phăng tâm hồn mộng mơ cũ kỹ, thay vào đó là sự kiêu kỳ, hào nhoáng chốn thành thị vào những thiết kế của Chanel và biến nó thành thương hiệu xa xỉ thành công bậc nhất thế giới.

Chanel xác nhận với hãng tin Agence France-Presse của Pháp rằng, sẽ không tổ chức đám tang Karl Lagerfeld mà sẽ làm lễ hoả táng theo đúng ước nguyện của Karl trong cuộc phỏng vấn vào tháng 4/2018: “Sẽ không có đám tang nào cả. Chết là xong. Tôi muốn mọi người hỏa táng và hòa tro cốt của mình với tro cốt mẹ tôi”.

Về khối tài sản thừa kế, Karl Lagerfeld ủy quyền thừa kế một phần cho “cô” mèo Choupette sẽ nhận được một phần từ gia tài khổng lồ của mình (ước tính khoảng 2,5 triệu bảng Anh, tương đương gần 75 tỷ đồng).



Ngoài khả năng thôi miên bằng những thiết tinh tế và mang đậm tinh thần Paris, Karl còn có tài hô biến sàn runway của Chanel thành những không gian siêu thực có một không hai, lúc thì biến sàn diễn thành trạm vũ trụ, khi thì quay ngược về Hy Lạp cổ đại, lúc lại lênh đênh ngoài biển khơi hoặc biến bàn ăn thành nơi trình diễn, mô phỏng siêu thị trên sàn runway…

“Công việc của tôi là khiến mọi người phải có ấn tượng về cái tên Chanel ngay cả khi ngoài kia có rất nhiều sản phẩm với vô vàn lựa chọn. Tôi đưa Coco Chanel trở thành một biểu tượng của làng thời trang thế giới - như một viên ngọc trai tinh tế thuần khiết, nhiều hơn những gì mà Chanel đã làm. Tôi có thể chơi đùa với mọi chất liệu sau đó biến tấu kết hợp chúng lại thành thứ được gọi là thời trang. Và đó cũng chính là bản chất của thời trang. Nó không phải thứ gì đó hoài cổ cũ kĩ, lạc hậu mà phải là một sản phẩm bạn khao khát được khoác lên người”, Lagerfeld tuyên bố trước những hoài nghi, chỉ trích của dư luận về việc đi ngược lại truyền thống thanh lịch và trang nhã đáng tự hào của nhà mốt này.

36 năm tiếp quản và dẫn dắt Chanel, đế chế thời trang này vẫn phát triển mạnh mẽ và luôn đi đầu xu hướng thời trang thế giới. Karl Lagerfeld qua đời ở tuổi 85, làng thời trang thế giới vẫn không thể quên một người đàn ông tóc bạc, đeo kính râm, vận áo cổ cứng và đeo găng tay hở ngón, một con người gai góc, một nhà thiết kế đại tài của nhân loại.

Bà Anne Hidalgo, thị trưởng thủ đô Pháp chia sẻ trên Twitter: “Tôi cảm thấy nỗi buồn không thể tả xiết khi Karl Lagerfeld qua đời, nghệ sĩ lớn và người bạn nhạy cảm suốt đời mình đã tháp tùng giới nữ trong sự tự do và chấp thuận của phái đẹp. Tại Chanel, ông đã sáng tạo, phát minh và tái khám phá với niềm đam mê nồng nhiệt, sự đòi hỏi khắt khe và ưu thế vượt trội. Nghệ thuật của ông đã mang đến sắc màu và dạng thức của tình yêu, sự tinh tế và phép lạ kỳ diệu. Ông còn hơn cả hiện thân của Paris, bởi ông chính là Paris”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.