Vận tải

Ông Lê Trung Tính: Không loại trừ việc xe dù, bến cóc ở SG được chống lưng

17/08/2019, 11:26

Các quy định khá chặt chẽ nhưng xe hợp đồng đang trá hình chở khách tuyến cố định rất nhiều, vì sao?

img
Xe giường nằm dừng đỗ rất lâu, đón khách ngay trên đoạn đường cấm dừng, cấm đậu (Khu vực ngã tư Hùng Vương và Nguyễn Duy Vương) - Ảnh chụp lúc 11h ngày 10/8

Tình trạng xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định đang là vấn đề nhức nhối tại TP.HCM hiện nay. Cụ thể, trong những tháng đầu năm trên địa bàn TP tăng đến 25 điểm "xe dù, bến cóc". Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM nêu rõ những nguyên nhân khiến nạn "xe dù, bến cóc" vẫn tồn tại.

Không loại trừ nạn bao che cho "xe dù, bến cóc"

Thưa ông, hiện nay tình trạng “xe dù, bến cóc”, đặc biệt là loại hình xe hợp đồng trá hình chở khách tuyến cố định tại TP.HCM ngày càng nhiều, hoạt động rầm rộ và công khai hơn, đâu là nguyên nhân?

Nạn “xe dù, bến cóc” ở TP.HCM và các địa phương hiện nay biến tướng gấp ba, bảy lần so với trước đây. Cơ quan chức năng và các địa phương chưa thực sự vào cuộc để xử lý dứt điểm tình trạng này. Theo tôi, luật pháp không bao giờ đủ với cuộc sống nhưng có thể nói hiện nay, quy định pháp luật hiện đủ để giải quyết vấn nạn “xe dù, bến cóc”.

Về lý thuyết, Luật pháp quy định rất rõ để phân biệt và quản lý hai loại hình xe hợp đồng và xe chạy tuyến cố định. Xe chạy tuyến cố định phải hoạt động trong bến, hai bên thành xe, trước cửa phải ghi bến đi bến đến, còn xe hợp đồng không ghi gì cả. Xe chạy trong bến thì giá rẻ hơn, bởi mỗi hành khách chỉ mua một vé. Trong khi xe chạy hợp đồng chi phí cao hơn, bởi dù đi bao nhiêu người cũng phải thuê nguyên cả chuyến xe, có hợp đồng, danh sách hành khách, trước khi chạy phải chuyển hợp đồng qua cho Sở GTVT. Mỗi phương tiện đều có thiết bị giám sát hành trình nên quản lý rất dễ. Với những quy định chặt chẽ như thế thì rất khó để xe hợp đồng trá hình chở khách tuyến cố định.

Lý thuyết là vậy, song thực tế xe hợp đồng đang trá hình chở khách tuyến cố định rất nhiều. Vì sao?

Tôi có thể kể ra những nhà xe như Duy Quý chạy tuyến TP.HCM - Tiền Giang; xe Hùng Cường chạy tuyến TP.HCM - An Giang; xe Tân Thanh Thủy chạy TP.HCM - Trà Vinh… đều là những xe hợp đồng hàng ngày chạy vào các quận 5, quận 11 để chở khách về các địa phương như tuyến cố định. Kẽ hở ở đây là Luật cho phép doanh nghiệp đăng ký một xe 2 phù hiệu, vừa xe hợp đồng vừa xe tuyến cố định. Doanh nghiệp tận dụng kẽ hở này để sử dụng một phương tiện, lúc thì chạy hợp đồng, lúc thì đưa vào bến chạy cố định. Thậm chí, những xe như Hùng Cường tổ chức đón khách tại văn phòng ở quận 11, xong chạy vòng vào bến xe miền Tây để đóng dấu xuất bến nhằm hợp thức hóa xe tuyến cố định. Đây là những chiêu thức mà doanh nghiệp lách luật. Theo tôi, những xe nào phát hiện vi phạm thì thu hồi bớt một phù hiệu.

img
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM

Vậy cách xử lý nạn “xe dù, bến cóc” như thế nào?

Vấn đề quan trọng hơn khiến “xe dù” ngày càng rầm rộ, công khai là do sự thiếu nghiêm minh trong quản lý, xử lý. Cách quản lý hoạt động vận tải hiện nay là thiếu minh bạch, quyết liệt. Tôi không loại trừ yếu tố “toa rập” - (bao che) của các lực lượng chức năng trong công tác quản lý hoạt động vận tải. Tôi biết rõ những xe đang chạy đón khách ở khu vực nội thành đằng sau là ai, vì vậy họ mới có đất để hoạt động công khai, rầm rộ như vậy.

Theo tôi, để xử lý nạn “xe dù”, bến cóc”, thành phố phải thành lập một Ban chỉ huy do một Phó chủ tịch UBND Thành phố dẫn đầu để chỉ huy 3 lực lượng là chính quyền địa phương, Sở GTVT, Công an để xử lý. Mấy lần tôi đề cập, họ cũng có thực hiện nhưng mang tính chất nửa vời.

Theo tôi, Ban chỉ huy phải kêu gọi người dân phản ánh về tình trạng “xe dù, bến cóc” trên địa bàn. Khi nhận phản ánh, Ban chỉ huy này tiến hành kiểm tra, điểm nào hoạt động đúng quy định thì cho tồn tại, điểm nào không đúng, dẹp bỏ ngay. Mỗi lực lượng này khi kiểm tra riêng lẻ thì không đủ thẩm quyền, nhưng kết hợp cả 3 lực lượng vào một Ban chỉ huy sẽ đầy đủ thẩm quyền để xử lý.

Chẳng hạn trên địa bàn quận 6 có 10 điểm, nếu kiểm tra thấy 2 điểm hợp pháp, 8 điểm không hợp pháp thì xóa bỏ. Ông chủ tịch quận không xóa bỏ được các điểm đón trả khách bất hợp pháp còn ai làm được. Làm nghiêm như vậy thì không có “xe dù, bến cóc” nào tồn tại được. Những điều này phải làm thường xuyên, tránh trường hợp làm theo chiến dịch rồi sau đó đâu lại vào đấy.

Bản chất của xe hợp đồng là theo yêu cầu của khách hàng, mà khách hàng riêng lẻ là từng chuyến khác nhau, từng giờ khác nhau. Giờ nói điểm 56 Lê Hồng Phong, Q.5 nhà xe tổ chức đi lấy khách theo hợp đồng để chạy tuyến Đà Lạt là không đúng bản chất xe hợp đồng. Trước đây tôi đã từng hỏi xe Thành Bưởi có phải “xe dù” hay không mà Sở GTVT, Công an không trả lời được tôi thấy hơi kỳ. Bởi làm gì có chuyện xe hợp đồng mà bán vé lẻ để hành khách muốn đi Đà Lạt thì tới Lê Hồng Phong để đi?

Hiện nay, tôi nói thật xe nào cũng có hợp đồng, cũng có danh sách người đi, có gửi qua Sở GTVT, có GPS… nhưng thực tế “xe dù, bến cóc” vẫn còn đầy đó thôi?!

Nói xử lý không được là lấp liếm cả đấy

Lực lượng chức năng cứ nói là khi kiểm tra các điểm đón trả khách đều có phép. Luật quy định xe hợp đồng được đón trả khách tại văn phòng, đây là điều khó xử lý?

Nói vậy là không có bài bản mà là lấp liếm cả đấy. Nói vậy, nay mai ai đó xin phép lập doanh nghiệp vận tải xe hợp đồng ở số 2 Lê Hồng Phong, quận 5 rồi đem xe đón khách ở đó xem có được không? Chắc chắn là bị xử phạt liền.

Trước khi lập văn phòng, công ty đó phải làm hồ sơ thủ tục xin phép địa phương, Sở GTVT vị trí đó làm nơi lên xuống khách. Sở GTVT và địa phương phải đi khảo sát thực tế xem diện tích văn phòng đó có đủ để khách lên xuống không? Đường có đủ rộng không rộng để đảm bảo ATGT khi xe qua lại không? Quy hoạch có cho phép vị trí đó được đón khách lên xuống hay không?

Chính quyền địa phương, Sở GTVT phải khảo sát và cấp phép thì mới được lập văn phòng và đón lên xuống khách ở khu vực đó. Đâu phải muốn lập văn phòng lên xuống khách ở đâu cũng được. Nói vậy là lấp liếm để qua mặt cả thôi.

img
Bãi giữ xe đối diện bến xe Miền Đông trở thành một bến xe trá hình nhưng cả chục năm nay không xử lý được

Đường Trần Phú, quận 5 không phải là tụ điểm đón trả khách của xe khách, không ai cấp phép cả. Thế nhưng hàng ngày vẫn có hàng chục chiếc xe giường nằm 2 tầng đậu đỗ, trả khách lên xuống ở đó. Những điểm này hoạt động mấy năm không ai xử lý, xử phạt và vẫn tồn tại.

Theo sự việc tôi từng chứng kiến, không phải xe nào cũng được dừng đỗ trên đường Trần Phú. Xe 4 chỗ vừa dừng thì bị lập biên bản, còn xe giường nằm 40 chỗ dừng đỗ đón trả khách thì không bị sao cả. Cho nên tôi nói tình trạng bao che cho “xe dù, bến cóc” là có.

Thực tế hiện nay có nhiều nhà xe thuê các khu vực đất trống trong nội thành làm bãi giữ xe, dần dần biến nơi đó thành nơi đón trả khách, những điểm này có hợp lý?

Chính quyền địa phương, TTGT, CSGT phải phối hợp để kiểm tra, nếu không hợp pháp phải dẹp ngay. Tôi rất ngạc nhiên là các lực lượng này thường hay nói không đủ thẩm quyền? Riêng lẻ từng lực lượng thì không đủ thẩm quyền, thường đẩy qua đẩy lại, còn nếu thành lập Ban chỉ huy như tôi nói thì thẩm quyền đầy đủ cả. Tôi dẫn ví dụ tụ điểm đón trả khách số 272 đường Đinh Tiên Hoàng, ngay trước bến xe Miền Đông tồn tại như một bến xe mà gần cả chục năm nay không xử lý được. Nói không đủ cơ sở để dẹp là rất bậy. Sao không dẹp được? Địa phương mà không biết điểm đó có hợp pháp hay không thì quản lý cái gì?

Bến xe cũng cần xem lại cách quản lý

Như ông nói thì các quy định quản lý hoạt động vận tải gần như đầy đủ, nhưng thực tế hoạt động “xe dù, bến cóc” vẫn diễn ra rầm rộ. Vậy phải chăng trách nhiệm quản lý ngành vận tải của cơ quan chức năng chưa ổn?

Đúng vậy. Việc quản lý hoạt động vận tải hiện nay là thiếu chặt chẽ dưới một cơ quan đầu tàu là UBND TP.HCM. Muốn quản lý hoạt động vận tải tốt thì Ban chỉ huy đó phải làm liên tục, khi có phản ánh của nhân dân, phải tới kiểm tra xử lý liền. Chứ kiểu hiện nay làm theo chiến dịch, cứ đầu chiến dịch thì tốt nhưng sau lại như cũ. Và UBND Thành phố phải là người đứng đầu chỉ huy, chứ nếu chỉ có Sở GTVT, Công an, hay địa phương thực hiện riêng lẻ thì không làm được.

img
Phương tiện hoạt động trong bến xe Miền Đông

Việc xe bỏ bến ra ngoài chạy “dù”, theo ông có nguyên nhân từ bến xe hay không?

Sở GTVT cần ra soát các mức phí, giá hoạt động tại các bến có phù hợp hay chưa, nếu chưa phù hợp thì phải có sự điều chỉnh cho phù hợp. Chẳng hạn, hiện nay ngoài phí bến bãi theo mức giá chung của thành phố quy định còn có việc chia hoa hồng bán vé giữa bến và doanh nghiệp vận tải. Cần thống nhất cách phân chia thể nào để doanh nghiệp hoạt động trong bến thấy hợp lý . Xây dựng bến xe ngày càng hiện đại, minh bạch để thu hút ngày càng nhiều xe vào hoạt động trong bến, hạn chế tình trạng xe bỏ bến chạy ra ngoài.

Nhưng với người dân, điều quan trọng là thuận tiện, gần, nhanh, thì hiện nay xe hợp đồng làm tốt, còn muốn đi ra bến quá xa, vì vậy họ chọn xe hợp đồng để đi?

Điều này có lỗi của Sở GTVT. Tôi lấy ví dụ, nhà tôi ở quận 9, tôi không thể đi ngược vào bến xe Miền Đông để đi Vũng Tàu, vì vậy tôi chỉ cần đứng ở Suối Tiên để bắt xe. Trước đây còn làm ở Sở GTVT, chúng tôi đã đấu tranh bao nhiêu lần để Bộ GTVT cho các địa phương khảo sát, lập các vị trí đón trả khách dọc tuyến từ bến đi ra. Thế nhưng địa phương đâu chịu làm. Họ cũng có xác định một vài điểm cho đón trả khách, nhưng tổ chức chưa được tốt khiến khách cũng như nhà xe không vào đón trả khách ở đây.

Xỉn cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.