Xã hội

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Dẹp tư tưởng "hy sinh đời bố" để chống tham nhũng

23/10/2022, 06:30

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, để thu hồi tối đa tài sản tham nhũng, chặn đứng tư tưởng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, cần có biện pháp mạnh.

Báo cáo của Chính phủ gửi tới Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV cho biết, tội phạm tham nhũng, chức vụ diễn biến phức tạp, từ ngày 1/10/2021 - 30/9/2022 đã phát hiện 523 vụ, tăng gần 41%.

Báo Giao thông trao đổi với ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện (thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội) để phần nào lý giải vấn đề này, cũng như cách thức có thể thu hồi tối đa tài sản tham nhũng.

img

Ông Lưu Bình Nhưỡng

5 nguyên nhân khiến án tham nhũng tăng

Theo ông, có thể lý giải thế nào khi chúng ta đã xử lý rất quyết liệt nhưng tội phạm tham nhũng vẫn gia tăng, rất nhiều cán bộ giữ chức vụ cao bị khởi tố, bắt giam?

Việc tăng số lượng vụ án tham nhũng có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất chính là các vụ án tham nhũng trong các năm qua tồn đọng lại, bây giờ phát hiện xử lý.

Việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ rất quan trọng vì thông qua đó sẽ chỉ ra được nguồn tài sản bất minh. Đây sẽ là “đòn đánh” mạnh để diệt trừ “sâu mọt”, phát huy hiệu quả, vai trò giám sát của nhân dân trong phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần ráo riết chỉ đạo thực hiện chủ trương không dùng tiền mặt một cách triệt để; đẩy nhanh tiến độ cải cách tiền lương, nâng cao thu nhập chính đáng cho cán bộ, đảng viên.

Ông Lưu Bình Nhưỡng


Thứ hai là nhiều vụ tham nhũng xuất hiện trong quá trình phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là lĩnh vực mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, có những kẻ lợi dụng thời cơ, nghĩ rằng đang chống dịch thì sẽ bỏ mặt trận phòng, chống tham nhũng nên đã cấu kết để tham nhũng.

Thứ ba là vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ thoái hóa biến chất.

Thứ tư là một số cán bộ nảy sinh tham nhũng do sự yếu kém từ công tác cán bộ cho đến công tác quản lý cơ sở vật chất kỹ thuật, công tác quy hoạch và công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực khác nhau.

Thứ năm, dù chúng ta đã tiến hành giám sát, nhưng vẫn có nơi, có thời điểm buông lỏng, dẫn đến bây giờ mới phát hiện.

Ông vừa nhắc đến công tác cán bộ, vậy lỗ hổng hiện nay là gì và làm thế nào để ngăn chặn?

Chúng ta cần cải thiện một cách quyết liệt về công tác cán bộ, từ việc lựa chọn đào tạo bồi dưỡng, bổ nhiệm đề bạt và khen thưởng, xử lý nghiêm… để có một đội ngũ cán bộ trong sạch.

Nếu cán bộ không thấm nhuần chủ trương, đường lối của Đảng, không ý thức được trách nhiệm trước pháp luật, suy thoái về đạo đức thì không bao giờ có thể hạn chế và chấm dứt tham nhũng.

Bởi đạo đức là nòng cốt, là quan trọng nhất. Những kẻ sẵn sàng sử dụng quyền lực của mình để “ăn” trên xương máu của người dân, xà xẻo vào những vấn đề kiêng kị như thiên tai, dịch bệnh thì không thể chấp nhận được.

Cho nên công tác cán bộ phải là số một, thường xuyên. Nếu buông lỏng trong công tác cán bộ hoặc bao che cho những vi phạm, chấp nhận hoặc không có cơ chế chống chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp thì rất khó xử lý dứt điểm.

Ngoài làm tốt công tác cán bộ, theo ông, còn vấn đề nào chúng ta phải lưu tâm?

Đó chính là cơ chế xử lý. Có làm tốt công tác cán bộ mà không có cơ chế kiểm soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm túc thì rất dễ để xảy ra sai phạm.

Xét cho cùng, cán bộ Nhà nước cũng phải lo cho bản thân và gia đình như bao người khác. Nhưng cũng không thể lấy lý do lương thấp để tham nhũng.

Bản thân đã là cán bộ công chức thì cần phải ý thức được rằng, đã là cán bộ công chức thì càng phải cần gương mẫu trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Hiện nay, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ công chức đã và đang được xem xét để đảm bảo họ có thể tận tâm cống hiến mà không mảy may nghĩ đến tham nhũng.

Nộp 3/4 tài sản tham nhũng được khoan hồng, đã hợp lý?

img

Trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, bị cáo Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch Hà Nội) được giảm 3 năm tù sau khi nộp khắc phục hậu quả số tiền 25 tỷ đồng.

Tỷ lệ thu hồi các khoản thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tăng thêm hơn 8.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tương đương trên 414% so với năm 2021. Theo ông, tín hiệu đáng mừng này cho thấy điều gì?

Có được điều này có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất và hàng đầu là sự quyết tâm, quyết liệt của Đảng trong việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng.

Ngày 2/6/2021, Ban Bí thư đã có Chỉ thị 04 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Tôi cho rằng, để tiếp tục nâng cao con số về thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế và tổ chức thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Bộ luật Hình sự quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ. Có ý kiến cho rằng, quy định này chưa hợp lý và sẽ tạo lỗ hổng khiến tham nhũng sẽ tinh vi hơn, nhiều thủ đoạn hơn. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

Về hình thức, nộp lại 3/4 tài sản tham nhũng có vẻ rất chặt chẽ, tuy nhiên nếu chúng ta xét trong một sự việc cụ thể thì có nhiều điều đáng để bàn luận.

Ví dụ một quan chức nào đó tham ô tài sản đến cả trăm tỷ đồng, nếu nộp lại 3/4 tài sản tham nhũng thì ông ấy vẫn còn hàng chục tỷ đồng nữa. Rõ ràng con số hàng chục tỷ đồng có được từ những vụ tham ô đó là rất lớn.

Chính vì thế, cần có thêm những quy định khác nữa. Ví dụ như quan chức nào đó tham ô 100 tỷ đồng, thì buộc người này phải nộp lại số tiền tương đương. Nếu có ít hơn thì cũng chỉ ít hơn một vài phần trăm số tiền đã tham ô thì mới nhận được sự khoan hồng.

Triệt tiêu tư tưởng “hy sinh đời bố…”

Vậy theo ông, cần giải pháp mạnh nào để có thể thu hồi tối đa tài sản tham nhũng, hối lộ, từ đó chặn đứng tư tưởng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”?

Chúng ta phải tăng cường hơn nữa giáo dục. Bây giờ không thể giáo dục giáo điều mà phải giáo dục theo bài bản, phòng chống tham nhũng về mặt chính trị tư tưởng.

Thứ hai là nâng cao tinh thần tự nguyện tự giác của cán bộ, đảng viên.

Thứ ba là lập tức loại bỏ những kẻ chạy chức chạy quyền. Bởi những kẻ chạy chức chạy quyền sẽ luôn tìm đường, tìm kẽ hở để tham nhũng.

Thứ tư là tăng cường công tác giám sát của người dân và báo chí. Cuối cùng, phải có cơ chế kiểm soát tài sản, kiểm soát cả trong và ngoài nước.

Hiện các quan tham vẫn có thể tẩu tán qua người thân, bạn bè. Làm thế nào để có thể chặn được lỗ hổng này, thưa ông?

Như đã nó ở trên, cần phải dựa vào nhân dân, bởi vị quan chức nào đó, nhà cửa thế nào, xe cộ ra sao nhân dân chắc phần nào nắm rõ.

Tiếp đến là khi phát hiện ra thì phải có chế tài để xử lý, làm sao tất cả phải minh bạch, truy xét nguồn gốc tài sản và phải công khai thì dân mới giám sát được.

Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay các quy định về kê khai tài sản của cán bộ, công chức dù đã được hoàn thiện hơn nhưng vẫn mang tính hình thức, chưa đủ sức để truy xét được tài sản tham nhũng. Ông nghĩ sao?

Thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập hiệu quả là giải pháp mạnh trong phòng, chống tham nhũng, hoàn toàn phù hợp với chủ trương mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định.

Để thực hiện tốt việc này thì vấn đề quan trọng là cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở thực hiện theo đúng nội dung mà nghị quyết đã ban hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu và bí thư cấp ủy các cấp.

Cần đưa hoạt động kê khai, niêm yết công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên vào tiêu chí để bình xét chất lượng đảng viên, đánh giá thi đua và khen thưởng.

Cảm ơn ông!

Theo báo cáo của Chính phủ, từ ngày 1/10/2021 - 30/9/2022 đã phát hiện 523 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ, tăng 40,97%, trong đó khởi tố 501 vụ với 1.211 bị can.

Qua phòng ngừa, đấu tranh cho thấy tội phạm tham nhũng, kinh tế diễn biến phức tạp. Nổi lên là sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán như vụ: Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch FLC); vụ Nguyễn Thành Nhân (Chủ tịch Louis Holdings); sai phạm trong lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp như vụ Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tân Hoàng Minh...

Riêng vụ Công ty Việt Á, Bộ Công an đã khởi tố 26 bị can, công an 21 địa phương khởi tố 24 vụ/63 bị can…

Đáng chú ý là tội phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 gia tăng.
Bộ Công an đã khởi tố vụ án đưa và nhận hối lộ, khởi tố thứ trưởng Bộ Ngoại giao, trợ lý Phó thủ tướng thường trực và các đối tượng là lãnh đạo, chuyên viên Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an và Vụ Hợp tác quốc tế - Văn phòng Chính phủ...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.