Thế giới

Ông Lý Quang Diệu: "Nếu Singapore là một đứa trẻ..."

23/03/2015, 09:55

Ông Lý Quang Diệu được đánh giá là một nhà chiến lược đại tài, nổi tiếng với những phát ngôn ấn tượng

LY-QUANG-DIEU
Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu.

Trong hơn 60 năm làm chính trị, ông được đánh giá là một nhà chiến lược đại tài, nổi tiếng với những phát ngôn cá tính và thẳng thắn về cách điều hành đất nước và các mối quan hệ quốc tế. Cùng nhìn lại những phát ngôn ấn tượng của ông :

1. Ngày 16.9.1959, ông Lý Quang Diệu phát biểu trước Hiệp hội phóng viên quốc tế tại Singapore: “Tôi không có gì để giúp các bạn giật tít ngày hôm nay. Thật ra, tôi nghĩ rằng chìa khóa của nghệ thuật làm chính trị, một phần nằm ở cách để không trở thành tiêu đề cho nền báo chí thế giới”.

2. Phát biểu trong bữa tiệc trưa do Học viện Quản lý Australia tổ chức tại thành phố Sydney ngày 22.3.1965, ông Lý Quang Diệu cho rằng: “Để làm người dân hạnh phúc, bạn phải thực hiện 1 trong 2 việc sau: hoặc cung cấp những thứ có thể thỏa mãn họ, chẳng hạn như thực phẩm ngon hơn, quần áo đẹp hơn, nhà cửa khang trang hơn; hoặc, nếu bạn không thể làm như vậy, cho họ thấy viễn cảnh về những điều tốt đẹp sắp diễn ra”.

book_reuters_500_entn
Buổi phát hành sách của ông Lý Quang Diệu vào tháng 8.2013 - Ảnh: Reuters.

 3. Ngày 30.9.1965, trong bài phát biểu tại nhà hát Victoria, thủ tướng Singapore nhắc nhở công chức nhà nước: “Tỏ ra lịch sự không lấy đi của anh thứ gì hết. Nếu câu trả lời là “không”, hãy lịch sự đáp lại tôi và giải thích. Nói cho tôi lý do tại sao lại là “không”. Đừng biến “không” thành “có”. Đừng tự khiến mình trở thành một gã hề. Câu trả lời phải được giữ nguyên là “không” nếu nó được lý giải xác đáng, nhưng hãy trả lời một cách lịch sự”.

4. Phát biểu trong buổi tuần hành nhân ngày Quốc khánh Singapore năm 1988, khi được hỏi về sự chuyển giao quyền lực cho ông Ngô Tác Đống vào năm 1990, Thủ tướng Lý Quang Diệu mạnh mẽ: “Ngay cả khi tôi đang nằm trên giường bệnh, thậm chí nếu họ đang đưa tối xuống mồ và tôi thấy có điều gì đó không đúng diễn ra, tôi sẽ bật dậy ngay lập tức”.

5. “Ngày nay, nghị sĩ không thể chỉ giỏi nói, mà còn phải giỏi thực hiện. Một vùng đất dơ dáy, hỗn loạn, nơi rác rưởi không được dọn dẹp thường xuyên và hợp lý khiến cư dân ở đó nhận thức ra rằng nếu không được bảo dưỡng tốt, giá trị bất động sản do bản thân sở hữu sẽ giảm thê thảm” (trích phát biểu của ông Lý Quang Diệu vào năm 1992, được xuất bản trong cuốn The Wit & Wisdom of Lee Kuan Yew).

6. “Thật đáng kinh ngạc khi hầu hết nhà lãnh đạo làm việc cho các chính phủ phương Tây đương thời không cần thông qua một trường lớp đào tạo hay bằng cấp đặc biệt nào. Nhiều người được bầu chỉ vì họ phát biểu tốt và “ăn ảnh” trên truyền hình. Kết quả dành cho cử tri thì lại không mấy tốt đẹp” (trích phát biểu của ông Lý Quang Diệu vào năm 1996, được xuất bản trong cuốn The Wit & Wisdom of Lee Kuan Yew).

vietsin_reuters_hmso
Ông Lý Quang Diệu bắt tay Tổng bí thư Nông Đức Mạnh trong chuyến thăm Việt Nam năm 2007 - Ảnh: Reuters.

 7. “Tôi không coi việc bỏ phiếu là một phương thức lãnh đạo. Nó thể hiện sự yếu kém trong suy nghĩ, thiếu khả năng đưa ra các quyết định độc lập mặc kệ những ý kiến trái chiều. Truyền thông hướng người dân như thế nào, anh theo thế ấy. Nếu anh không thể, hoặc không muốn, buộc người dân ủng hộ anh, thậm chí bằng cách đe dọa họ, anh không phải là một nhà lãnh đạo” (trích hồi ký Con đường thành công của ông Lý Quang Diệu).

Cùng xem lại 15 câu nói "để đời" được ông đúc kết trong cuốn sách Từ thế giới thứ ba đến thế giới thứ nhất: Câu chuyện Singapore.

Về nghệ thuật lãnh đạo: "Một người không thể kiểm soát những người đi theo mình - dù có đưa ra lời đe doạ nào hay không - không thể trở thành nhà lãnh đạo".

So sánh con người qua các thời kỳ: "Tôi đã lớn lên trong 4 năm ở Anh cũng như thời điểm đất nước gặp chiến tranh, bị chiếm giữ, rồi bị tái chiếm. Trải qua khoảng thời gian ấy thật đáng tự hào, song tôi tự hỏi liệu trong cùng một thời kỳ, con người thời đó liệu có thể làm việc tốt hơn chúng ta bây giờ hay không”.

Về tầm quan trọng của ngoại thương trong nền kinh tế: "Nếu bạn không tiến hành hoạt động mua bán quốc tế trong khi các đối thủ cạnh tranh làm điều đó, bạn đang tự loại bỏ mình khỏi hoạt động kinh doanh".

Về con người Singapore: "Người Singapore tương tự như những chiếc máy tính, mang trong mình khả năng lưu trữ dữ liệu khổng lồ và không bao giờ bị treo để có thể tiếp thu tinh hoa nhân loại".

Về mối quan hệ kinh tế - chính trị: "Cải cách chính trị không nhất thiết phải song hành cùng tự do hoá kinh tế. Theo tôi, một người không thể thành công nếu có đầy đủ mọi thứ”.

Về bầu cử: "Tôi không coi việc bầu cử như một phương thức điều hành chính phủ. Việc đó thể hiện tinh thần yếu kém, bất lực, gió chiều nào theo chiều ấy, làm theo mọi thứ truyền thông dắt mũi".

Về dân chủ: "Chưa kể tới rất ít ngoại lệ, dân chủ thường không đồng hành với chính quyền tốt ở những quốc gia đang phát triển. Các giá trị chân truyền của châu Á khác với ở châu Âu hay Mỹ, nơi tự do thuộc về mỗi người".

Về ý chí vươn lên: "Dù đang nằm trên giường bệnh hay chuẩn bị qua đời, tôi sẽ cố gắng vượt qua nếu cảm thấy điều đó không đúng với bản thân mình”.

Về những cáo buộc vi phạm quyền công dân: "Tôi thường bị kết tội vì đã cản trở lối sống cá nhân của công dân mình. Nếu tôi không làm vậy, đất nước không thể tiến bộ như bây giờ được".

Về cáo buộc ông là kẻ độc tài: "Tôi không phủ nhận đảng phái của tôi chính là chính phủ Singapore và ngược lại".

Về tự do ngôn luận: "Tự do báo chí và tự do ngôn luận phải nhường quyền ưu tiên cho những lợi ích thiết yếu, toàn vẹn của đất nước. Chúng cũng là công cụ đắc lực của một chính phủ ưu việt nhất".

Về quyền bình đẳng: "Tôi bắt đầu tin mọi con người đều có quyền bình đẳng. Đó là thứ khó khăn nhất có thể đạt được".

Về những gì bản thân làm cho đất nước: "Nếu Singapore là một đứa trẻ, tôi tự hào vì đã chăm sóc và nuôi dưỡng đứa trẻ ấy".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.