Hồ sơ tài liệu

Ông Obama đã có quyền đàm phán nhanh TPP

19/06/2015, 21:57

TPA được thông qua, ông Obama sẽ toàn quyền xúc tiến các cuộc đàm phán TPP với 11 quốc gia đối tác.

img
Hạ viện Mỹ đã trao cho ông Obama quyền đàm phán nhanh với 11 đối tác trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, trong đó có cả Việt Nam

Hôm nay (theo giờ Việt Nam), với  218 phiếu thuận và 208 phiếu chống, Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua riêng rẽ dự luật về Quyền Thúc đẩy Thương mại (TPA), còn gọi là quyền đàm phán nhanh, mà không gắn kèm dự luật Hỗ trợ Điều chỉnh Thương mại (TAA).

Trước đó, ngày 12/6, Thượng viện Mỹ thông qua dự luật có hai phần TPA và TAA. Và để dự luật trở thành luật thì Hạ viện cũng phải phê chuẩn cả hai phần như Thượng viện đã phê chuẩn và không được điều chỉnh. Phần lớn các nghị sỹ dân chủ phản đối TAA. Họ cho rằng, việc dự luật TAA mà Thượng viện thông qua không đủ hỗ trợ người Mỹ thất nghiệp vì Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). 

TPP hiện có 12 quốc gia tham gia đàm phán, trong đó có cả Việt Nam.

Các nghị sỹ Dân chủ lo ngại: Một khu vực tự do thương mại chiếm tới 30% thương mại và 40% kinh tế toàn cầu sẽ chỉ mang lại lợi ích cho các công ty đa quốc gia. Các tổ chức công đoàn Mỹ cũng lo ngại nhiều người lao động trong nước sẽ mất việc do các công ty Mỹ sẽ tìm nguồn nhân công giá rẻ ở nước ngoài.

Tuy nhiên, Tổng thống Obama vẫn chưa thể ký ban hành thành luật vì phiên bản dự luật TPA này sẽ phải gửi lại Thượng viện để tiến hành bỏ phiếu trong tuần tới. 

TPA được thông qua, ông Obama sẽ toàn quyền xúc tiến các cuộc đàm phán TPP với 11 quốc gia đối tác, trong đó có cả Việt Nam. Sau khi các cuộc đàm phán hoàn tất, Quốc hội Mỹ chỉ có quyền phê chuẩn hoặc phủ quyết, chứ không có quyền sửa đổi hay bổ sung các điều khoản của hiệp định.  Hiện các nước Nhật Bản và Canada, lo ngại TPP có thể sẽ bị Quốc hội Mỹ điều chỉnh hoặc sửa đổi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.