Hồ sơ tài liệu

Ông Obama "tức điên" Tổng thống Nga, im lặng đến rợn người

08/02/2016, 18:25

Nổi tiếng là lãnh đạo có phong thái nhã nhặn, hài hước và tình cảm, Tổng thống Mỹ Barack Obama tức giận ra sao?

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không cầm đ
Tổng thống Mỹ Barack Obama từng tức giận đến không cầm được nước mắt

Nổi tiếng là lãnh đạo có phong thái nhã nhặn, hài hước và tình cảm, Tổng thống Mỹ Barack Obama được lòng khá nhiều người, kể cả những trợ lý luôn kè kè bên cạnh từ lúc ông thực hiện chiến dịch vào Nhà Trắng. Dù vậy, là người quyền lực nhất nước Mỹ, ông Barack Obama đối mặt với rất nhiều vấn đề chính trị quan trọng, nóng hổi trong nước và trên thế giới. Do đó, việc căng thẳng, tức giận là điều không tránh khỏi.

Tức điên với Tổng thống Nga

Với những sự kiện chính trị trong nước và thế giới, Tổng thống Obama thường thể hiện rõ thái độ tức giận qua lời lẽ, ngôn từ trong bài diễn văn. Năm 2014, thời điểm cả thế giới quan tâm tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine mà Mỹ là một trong những nước tham gia xử lý, Tổng thống Obama từng tức giận ra mặt, chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin ngay trong bài phát biểu tại Nhà Trắng trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ diễn ra vào ngày 4/9/2014.

Với giọng điệu có phần gay gắt, Tổng thống Mỹ thẳng thừng nói: hành động phớt lờ thư thoại của Tổng thống Nga gây "cản trở việc thảo luận giữa hai bên về tương lai của Ukraine và các vấn đề quan trọng khác có thể đạt được tiến triển". Tổng thống Obama cho biết, sau khi gửi hàng chục thư thoại cho Tổng thống Nga, ông đã cố gắng liên lạc với ông Putin qua e-mail, nhưng chỉ nhận được thư trả lời tự động báo ông Putin đã rời khỏi văn phòng. Sự tức giận lên tới cao trào khi ông Obama ám chỉ, việc Tổng thống Nga không trả lời thư thoại có thể khiến Mỹ tăng cường trừng phạt và tỏ ý sẽ không tiếp tục gọi điện cho Tổng thống Nga.

Với những sự kiện trong nước, ông Obama cũng thể hiện tức giận với phong cách tương tự. Điển hình, trong thảm họa xả súng tại Oregon khiến 10 người thiệt mạng, 7 người bị thương hồi tháng 10 vừa qua, Tổng thống Mỹ "nổi cáu", chỉ trích nước Mỹ đã "quá lạnh lùng" trước tình hình xả súng hàng loạt đáng quan ngại tại nước này. Ông mỉa mai: "Có lẽ nó đã trở thành thói quen của người Mỹ".  Từ khi nhậm chức, ông luôn theo đuổi chính sách hạn chế sử dụng súng tại Mỹ nhưng đều bị phản đối trong khi nước này liên tiếp chứng kiến số vụ xả súng đẫm máu tăng cao đáng ngại.

Im lặng đến rợn người

Trợ lý Reggie Love của Tổng thống Mỹ Bara
Trợ lý Reggie Love của Tổng thống Mỹ Barack Obama

Trong các vấn đề cá nhân, Tổng thống da đen đầu tiên của Mỹ thường chọn cách im lặng, có thể nói là lạnh lùng. Qua lời kể của các trợ lý về những khoảnh khắc “tái mặt” vì Tổng thống, bức tranh về con người ông Obama dần trở nên toàn vẹn hơn.

Reggie Love, cựu ngôi sao bóng rổ và bóng đá trường Đại học Duke, 34 tuổi, là cánh tay phải của Tổng thống Obama – thời ông còn là Nghị sĩ Thượng viện, lần đầu tiên chạy đua vào vị trí Tổng thống năm 2007. Love làm trợ tá cá nhân của Tổng thống Obama trong 5 năm, cùng ông đi khắp đất nước để vận động, phục vụ ông từng bữa ăn, xách hành lý, mua quần áo, luyện tập bóng rổ cũng như chăm sóc hai con gái Tổng thống. Qua những câu chuyện của Love, khi giận dữ, phản ứng chung của Tổng thống Barack Obama là lặng im đến đáng sợ.

Câu chuyện khiến ông Obama “giận sôi người” đầu tiên là khi Love làm mất vali và ví của ông. Chuyện xảy ra năm 2007, sau khi tháp tùng ông Obama dự một buổi gây quỹ tại Florida, Love quên cặp của ông Obama (lúc bấy giờ là Thượng nghị sĩ). Trong cặp có đủ chìa khoá, ví, thẻ tín dụng, giấy tờ cần cho cuộc tranh luận với các đối thủ ứng viên Tổng thống tại South Carolina.

Tình cảnh lúc đó: máy bay đã cất cánh và cặp biến mất không dấu tích. Love rơi vào hoảng sợ cực độ, mồ hôi vã như tắm. Love còn nhớ: “Lúc đó tim tôi đập nhanh như thỏ bị dồn góc tường. Trong đầu, tôi cầu nguyện Nghị sĩ Obama không chú ý để có đủ thời gian tìm cặp, hy vọng phép màu sẽ biến chiếc cặp về bên tôi trước khi bị phát hiện”. Love đã liên lạc với trợ lý tài chính chiến dịch chạy đua, nhờ thông báo với nhân viên Mật vụ tìm chiếc túi mất tích.

May mắn, mật vụ đã tìm thấy chiếc cặp và gửi cho một thành viên trong nhóm chiến dịch cũng lên đường tới dự cuộc tranh luận của ông Obama. Love đinh ninh đã chặn được bão tức giận của ông Obama, tránh được sóng gió bi kịch. Ai ngờ, trong lúc thành viên kia đang mang cặp tới cho Love, ông Obama gọi giật lại: “Này, Reggie, cặp tôi đâu?”. Love lúng túng trả lời: “Đang trên đường ạ!”. Ông Obama tròn mắt hỏi: “Đang trên đường là như thế nào?”. “Nó đang trên đường từ Florida” – Love trả lời. Ông Obama bán nghi: “Anh để quên cặp tôi ở Florida?”. Ông Obama kết thúc câu hỏi bằng sự im lặng đến đáng sợ mà Love nhớ: “Sự im lặng đó còn kinh khủng hơn bất cứ lời quở trách nào”.

Reggie mong ông Obama quát mắng hay làm gì đó, nhưng không, tất cả chỉ là im lặng. Khi xong việc quay trở về văn phòng, ông Obama đã yêu cầu gặp riêng Love. Bằng giọng bình tĩnh, “đều và chắc chắn”, ông Obama nói: “Nghe này, Reggie, tôi biết anh là người tốt. Nhưng… nếu anh không làm được công việc này, tôi sẽ tìm người khác thay thế. Anh chỉ có một việc như vậy. Nếu anh để tôi phải bận tâm đủ thứ nhỏ nhặt như thế thì anh đang cản trở tôi làm việc của tôi. Hãy hợp tác cùng tôi, Reggie. Hãy giúp tôi làm tròn việc của mình”. Nói rồi, ông bước ra khỏi phòng.

Vào thời điểm công việc rối bời, bận rộn, đôi khi Tổng thống Obama thể hiện tức giận ngay lập tức chứ không im lặng “để dành” nói sau như trên. Vào tháng 12/2007, lịch trình của ông Obama lấp đầy những sự kiện vận động từ nơi nọ sang nơi kia trong khoảng thời gian sít sao. Love có trách nhiệm thông báo cho các tổ chức khác nhau về những việc ứng cử viên không thể đảm nhận. Tuy nhiên, đôi phút lơ đễnh, anh không hoàn thành nhiệm vụ. Bị dồn đống công việc, Tổng thống tức giận, nói rít qua kẽ răng: “ Reggie, sao lại lộn xộn thế này”. Thời gian đó, Bản thân Love căng thẳng đến từng giờ từng phút nên lúc đó không giữ được sáng suốt và trách ngược: “Nếu Nghị sĩ không dùng bữa trưa quá lâu thì chúng ta đã không gặp rắc rối”.

Sau câu trả lời của Love, bầu không khí rơi vào im lặng đến “ghê người” như thể mắt bão trước giông tố. “Cả tôi và Tổng thống Obama đều không nói một câu”. Thay vì nói trực tiếp với Love, ông Obam quay sang trợ lý Marvin Nicholson nhờ chuyển lời: “Marvin, nói lại chuyện gì đã xảy ra với Reggie vì giờ tôi không muốn nói chuyện với anh ta”. Sau khi được Nicholson chuyển lời, Love “ngã ngửa” nhận ra, anh lại phạm thêm một lỗi khác: Đặt nhầm bữa trưa cho ông Obama.

… Chửi thề

Cũng có những lúc, cơn nóng giận của Tổng thống Obama vượt ngoài tầm kiểm soát. Ông David Axelrod - Cố vấn cấp cao chiến dịch vận động tranh cử của Tổng thống Barack Obama trong lần tranh cử năm 2012 chia sẻ kỉ niệm ông Obama mất hoàn toàn kiểm soát và buột miệng chửi thề.

Sự việc xảy ra vào thời điểm trước khi ông Obama có phiên tranh luận với ứng cử viên đảng Cộng hoà Mitt Romney. Ông Axelrod đã góp ý và đưa ra một số chỉ trích về quan điểm của Tổng thống để chuẩn bị cho phiên tranh luận. Nhưng ông Obama không tiếp nhận, buột miệng chửi thề một câu và rời khỏi phòng. “Gần 10 năm làm việc, tôi đã cùng ông Obama trải qua không biết bao khoảnh khắc khó khăn, ngàn cân treo sợi tóc nhưng ông ấy chưa bao giờ mất kiểm soát theo kiểu đó. Tổng thống cũng chưa bao giờ mắng nhiếc tôi thậm tệ, đặc biệt là trước mặt người khác”.

Phiên tranh luận đầu tiên đó có lẽ đã gây áp lực lớn với ông Obama khi kết quả khảo sát trước tranh luận cho thấy 67% người được hỏi ủng hộ đối thủ của ông sẽ chiến thắng. Theo ông Axelrod, thực chất, Tổng thống tức giận với ông không phải vì những lời chỉ trích ông đưa ra. Ông Obama bực mình với chính bản thân vì đã chuẩn bị cho cuộc tranh luận chưa được chu đáo. “Tôi cảm giác rằng, Tổng thống biết, thời điểm đó, ông chưa sẵn sàng. Suy nghĩ và tâm lý miễn cưỡng của ông khi tham gia cuộc tranh luận đã khiến ông đi sai hướng ngay từ ban đầu”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.