Xã hội

Ông Phạm Minh Chính: Có người dùng quyền lực của mình để "ban phát"

19/01/2018, 19:48

Cơ chế kiểm soát quyền lực không đủ đầy đủ nên bị lợi dụng, biến quyền lực thành của mình để ban phát.

-NY-5308-sRGB

Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính

Phát biểu bế mạc hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 chiều nay, Trưởng ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính cho rằng công việc ngành tổ chức xây dựng Đảng còn nhiều bộn bề phải làm, phải bàn.

Ông nhấn mạnh 6 bài học kinh nghiệm rút ra sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII.

Trước hết là bám sát cương lĩnh, điều lệ, Nghị quyết Đại hội toàn quốc của Đảng,… để trên cơ sở thực tế khách quan, đặc điểm từng bộ ngành địa phương triển khai công tác. “Nguồn lực có hạn, công việc nhiều, vậy giải quyết mâu thuẫn này bằng cách bám sát đường lối chủ trương nhưng căng cứ tình hình thực tế để xác định cái gì cần làm và cái nào làm trước, làm sau, làm cái gì dứt điểm cái đó” – ông Chính nói.

Trưởng ban Tổ chức T.Ư cũng nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu, mối quan hệ của cấp uỷ hết sức quan trọng. “Song song xin chủ trương, xin định hướng là đề xuất chính kiến của mình, lập trường quan điểm của mình, vì liên quan tổ chức, nhân sự rất nhạy cảm, nếu không có sự tranh thủ, không có sự lãnh đạo, không làm việc đầy đủ thì sẽ thiếu thông tin” – ông Chính nói và cho rằng, thiếu lãnh đạo cộng với thiếu thông tin thì đúng quy trình nhưng không đúng người, đúng việc.

Công khai, minh bạch thì không có “chạy”

“Làm nhân sự cấp Bộ chính trị, Ban Bí thư quản lý từ đầu khoá đến giờ hơn 400 đồng chí, các cấp uỷ cấp dưới làm rất nhiều. Đặc biệt bố trí lại các đồng chí uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên T.Ư Đảng phải tham khảo ý kiến rất nhiều kênh. Từ cách làm công khai, minh bạch, dân chủ sẽ không có chuyện “chạy””- ông Chính nói.

Đề cập việc chúng ta có quy trình 5 bước cải tiến so với 3 bước trước đây, cộng thông tin, cách làm đổi mới sáng tạo, Trưởng ban Tổ chức T.Ư khẳng định “tôi không biết dưới thế nào nhưng tôi thấy ở T.Ư không có chuyện “chạy”. Kết quả của các đồng chí bố trí chứng mình điều này”.

Bài học thứ ba được ông Chính nhắc đến là tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức xây dựng Đảng, quan tâm trực tiếp đến công tác cán bộ, xây dựng bộ máy, cơ chế vận hành của nó.

“Chúng ta xây dựng bộ máy tinh gọn, hệ thống vận hành thông suốt nhưng chúng ta phải bố trí đúng con người. 3 cái này làm hệ thống chính trị phát triển bền vững, ổn định và có hiệu quả. Tất cả việc này đều dưới sự chỉ đạo cấp uỷ mà cấp uỷ lơ là thì bộ máy rệu rạo, cơ chế vận hành cũng không phù hợp, trục trặc, bố trí con người sai” – Trưởng ban Tổ chức lưu ý và cho hay, trên thực tế, Đảng bộ nào không quan tâm đầy đủ 3 vấn đề này thì đều có trục trặc. 

Bài học thứ tư là tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, tôn trọng và bám sát thực tiễn, dám nhìn thẳng, đánh giá đúng sự thật để tham mưu và tổ chức thực hiện. 

Cùng với đó, phân cấp, phân quyền rõ ràng để có thể kiểm soát quyền lực.

D6A6446C-339B-42D0-B9C1-56F39C567996

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Trưởng ban Tổ chức nói bài học thứ năm là phải thường xuyên chăm lo tinh thần, vật chất của cán bộ công chức, người lao động, quan tâm đến môi trường làm việc, thực tế có nhiều đảng bộ “ngột ngạt” vì môi trường làm việc không công bằng. 

Cuối cùng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương nhưng phải đi đôi với giải phóng nguồn lực, phát huy trí tuệ, sức sáng tạo và tính tích cực ,chủ động của mọi người, mọi lúc. 

“Cứ loay hoay lúc nào cũng dùng kỷ luật, kỷ cương, bó hết cả lại như khoanh vòng kim cô thì sẽ không có không gian cho phát triển”, Trưởng ban Tổ chức TƯ lưu ý phải phát huy tối đa sáng tạo, đổi mới. 

Biến quyền lực thành của mình để ban phát

Trưởng ban Tổ chức T.Ư nhấn mạnh, phương châm của ngành Tổ chức xây dựng Đảng là tích cực, chủ động, bám sát thực tiễn, đổi mới, sáng tạo, coi trọng hiệu quả. Ông đề nghị lãnh đạo cấp uỷ các cấp lãnh đạo các cơ quan ngành Tổ chức xây dựng đảng nỗ lực theo tinh thần này.

Trong 8 nhiệm vụ trọng tâm, Trưởng ban Tổ chức TƯ lưu ý có 2 vấn đề mới tiếp tục làm. Đó là xây dựng đảng về đạo đức, phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng đảng. 

Theo ông Chính, sau tổng kết 20 năm thực hiện chiến lược cán bộ đã đạt nhiều thành tựu, có nhiều tiến bộ vượt bậc, đột phá. Nhưng bên cạnh đó bộc lộ nhiều vấn đề mà Đại hội Đảng đã chỉ ra như bộ máy cồng kềnh, kém hiệu lực hiệu quả; một bộ phận cán bộ không nhỏ suy thoái…

Về phương hướng, ông Chính cho rằng cần xây dựng Đảng về đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ có đạo đức cách mạng trong sáng, có lý tưởng, sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc.

Ngành tổ chức cũng xác định trọng tâm công tác cán bộ sắp tới là phải xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt các cấp, trong đó có quy trình, bổ nhiệm… đặc biệt là người đứng đầu xứng đáng. Bên cạnh đó, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; có cơ chế kiểm soát, sàng lọc và thay thế.

Trưởng ban Tổ chức Phạm Minh Chính nhắc việc hoàn thiện các quy chế, quy định về công tác tổ chức xây dựng đảng, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Quy định về thẩm quyền và trách nhiệm người đứng đầu sẽ được hoàn thiện, những người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, lãng phí bị xử lý trách nhiệm, cho thôi, miễn nhiệm cán bộ làm việc kém hiệu quả.

“Về cơ chế kiểm soát quyền lực, vừa qua không đủ đầy đủ công cụ kiểm soát nên bị lợi dụng, tha hoá, biến quyền lực thành của mình để ban phát, xin cho. Vì vậy giờ phải xây dựng quy chế, quy định của đảng, luật pháp hoá, đồng thời công khai, minh bạch. Còn nếu để một vài người sử dụng quyền lực sẽ tha hoá”- ông Chính nhấn mạnh.

Từ công cụ đã có, theo ông Chính, phải tìm đối tượng phòng chống, có biện pháp phù hợp đối với người chạy và người được chạy, nâng cao trách nhiệm giải trình.

Một nhiệm vụ khác là coi trọng công tác cán bộ thường xuyên, đột xuất, tham mưu, đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm giữa kỳ và quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là lãnh đạo chủ chốt. Phải rà soát kỹ lưỡng, căn cứ tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình chặt chẽ, đúng nguyên tắc. Lấy phiếu tín nhiệm phải khách quan, trung thực. Quy hoạch cũng phải làm 5 bước nên khó “chạy” được.

Cùng với những nhiệm vụ đó, phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tinh giản biên chế, bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ, cán bộ, công chức, viên chức. Ngành tổ chức xây dựng Đảng phải nêu gương, vì muốn người khác làm trước hết anh phải làm đã, muốn người khác không làm trước hết anh phải cương quyết không làm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.