Xã hội

Ông Phạm Minh Chính: "Nhiều người nghĩ quyền lực là của riêng nhà mình"

25/12/2017, 15:05

Theo Trưởng ban Tổ chức T.Ư, nhiều người vẫn nghĩ quyền được giao là quyền của mình, của nhà mình, có thể "ban phát".

pham-minh-chinh

Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị giao ban công tác dân vận khối MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội năm 2017, triển khai thực hiện nghị quyết T.Ư 6, diễn ra sáng 25/12, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính cho rằng, chúng ta đang bước sang nền kinh tế số và cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 thì bộ máy phải khác, đổi mới thế nào cho gọn nhẹ.

Theo ông hiện nay, việc trả lương được thực hiện bằng thẻ, chi tiêu mua sắm bằng các công nghệ điện tử nhưng vẫn hình thành bộ máy cồng kềnh, thậm chí nhiều hơn cả thời bao cấp. 

Ví von với chuyện biến đổi khí hậu cực đoan, nhanh chóng, khó lường, ông Phạm Minh Chính cho rằng nếu cán bộ cứ ề à, bộ máy cứ rườm rà, hệ thống vận hành cứ chậm chạp thì chỉ có "chết người, hại của”.

Vì vậy ông mong bộ máy cơ chế vận hành, công tác cán bộ của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội phải thích ứng với tình hình mới.

“Rất mong chúng ta cùng nhau giải quyết, việc này không phải một người làm được, một cơ quan tổ chức làm được mà cả hệ thống chính trị cùng nhau bàn mới làm được. Cái gì mới cũng khó, cái gì mới cũng có người chống, đổi mới mà không có người chống thì không phải đổi mới, nhưng nhiều khi phải hy sinh”, Trưởng ban Tổ chức T.Ư nói.

Nhắc đến nhiều vụ việc vừa xảy ra, Trưởng ban Tổ chức T.Ư cho rằng đó là do quyền lực không được kiểm soát, quyền lực giao rất lớn nhưng không kiểm soát được.

Ông Chính nêu quan điểm, muốn kiểm soát quyền lực trước hết phải xây dựng quy định, quy chế. Từ đầu khoá, chúng ta đã xây dựng 7, 8 quy định mới thay quy định cũ về công tác cán bộ, quy trình cán bộ.

Ông dẫn chứng Quy định 105 về phân cấp, đồng thời xác định luôn trách nhiệm của cơ quan tham mưu, cơ quan thẩm định, cơ quan quyết định công tác cán bộ như thế nào. Trước đây, một việc có lỗi thì ai chịu trách nhiệm không rõ.

Nói về phân cấp, ông Chính cho hay, trước đây, Ban Tổ chức T.Ư phải xem xét phê duyệt khoảng 12.000 cán bộ cấp uỷ viên và hơn 2.000 là cán bộ Thường vụ cấp uỷ. “Thế thì làm sao làm được, mà chỉ hợp thức hoá cái sai thôi, đúng không sao nhưng sai thì hợp thức hoá. Người tốt họ viết tốt thì đúng, nhưng người tốt họ không thích thì viết xấu thì mình cũng duyệt, mấy nghìn con người sao nắm được”, ông phân tích.

Vấn đề thứ hai để kiểm soát quyền lực tốt. theo Trưởng ban Tổ chức T.Ư chính là công khai minh bạch.

“Tại sao nhiều nơi đưa con em, cháu chắt của mình vào nơi thuộc thẩm quyền quản lý của mình, trong khi quyền đó có phải của họ đâu? Họ được giao chức vụ, quyền hạn đó là thay mặt tổ chức, nhà nước nhưng nhiều người cứ nghĩ quyền ấy là quyền của mình, như là của nhà, là tài sản riêng nên cứ thế ban phát, xin cho, đưa người nhà vào. Như thế mới sai phạm”, ông lưu ý và cho rằng, người có ý thức tốt thì có giao quyền người ta cũng thận trọng, cân nhắc đưa ra bàn bạc, không tự mình quyết.

Theo ông, MTTQ là nơi sát dân, sát cơ sở cần mạnh dạn phối hợp với các cơ quan khác xây dựng cơ chế tăng cường kiểm soát quyền lực. Thứ hai là phải nắm tình hình phản ánh về công tác cán bộ, còn xử lý như thế nào đã có cơ chế riêng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.