Xã hội

Ông Phạm Minh Chính: Phải xây dựng được cơ chế kiểm soát quyền lực

10/10/2018, 13:12

Theo Trưởng ban Tổ chức T.Ư, từ thực tiễn, phải xây dựng cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền.

pham-minh-chinh

Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

Sáng nay (10/10), Ban Tổ chức T.Ư tổ chức Hội nghị góp ý vào Dự thảo Quy định kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ.

Theo Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính, sau một thời gian dài chuẩn bị, hôm nay Ban Tổ chức T.Ư cũng đưa ra một số nội dung để tổ chức hội thảo xin ý kiến.

Trưởng ban Tổ chức T.Ư đánh giá đây là một nội dung rất khó vì ta chưa làm một cách bài bản, chuyên nghiệp và có quy định rõ ràng bao giờ. Nó cũng khó ở chỗ đây là vấn đề mới, gây bức xúc trong xã hội, là vấn đề thấy cần phải làm nhưng chưa làm được.

“Vừa qua, qua công tác giám sát, kiểm tra, qua các vấn đề liên quan đến công tác cán bộ, trong đó có sai phạm cho thấy việc sử dụng quyền lực chưa bài bản, chưa đúng quy định, nói cách khác, có những đồng chí được giao quyền lực đã lạm quyền, lộng quyền trong việc sử dụng quyền lực, mà chúng ta chưa có cơ chế kiểm soát” – ông Chính nói.

Ông cũng nêu thực tế có việc sử dụng không đúng quyền lực, thẩm quyền, có việc lợi dụng, từ đó rất dễ dẫn đến chạy chức chạy quyền.

“Hai cái này có quan hệ với nhau, vì vậy, khi chúng tôi đề xuất cụ thể hoá một trong những nội dung của Đại hội Đảng toàn quốc, từ tình hình thực tiễn của chúng ta đặt ra vấn đề này, phải xây dựng cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền” – Trưởng ban Tổ chức T.Ư cho hay.

kiem-soat-quyen-luc

Toàn cảnh Hội nghị góp ý kiến vào Dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ

Trình bày đề dẫn, ông Trần Văn Tuý – Trưởng ban Công tác Đại biểu, Phó trưởng Tổ chức T.Ư nhấn mạnh lại quan điểm cán bộ là gốc của mọi công việc, công tác cán bộ vô cùng hệ trong.

Theo ông Tuý, thời gian qua, công tác cán bộ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng vẫn còn không ít yếu kém, khó khăn, thách thức, nhất là tình trạng lạm quyền, lạm quyền, thao túng trong công tác cán bộ, sử dụng quyền lực được giao để thực hiện mục đích cá nhân, dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ chậm được ngăn chặn, đẩy lùi.

Nạn chạy chức, chạy quyền và tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền cũng được đánh giá còn diễn biến phức tạp, xảy ra tinh vi ở nhiều nơi, nhiều cấp.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, Ban Tổ chức T.Ư đã thành lập Tổ biên tập soạn thảo dự thảo Quy định kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền. Ban Tổ chức T.Ư nhận định đây là vấn đề mới, khó, phức tạp, chưa có các công trình nghiên cứu sâu nhưng việc ban hành nội dung này có ý nghĩa quan trọng và hết sức cần thiết trong điều kiện hiện nay.

Ông Tuý thông tin, dự thảo gồm 4 chuơng, 16 điều, trong đó có quy định 8 cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, nhận diện 19 hành vi chạy chức chạy quyền (5 hành vi của người chạy và 14 hành vi của người được chạy cả hành vi tập thể và cá nhân.

Ngoài ra, dự thảo còn quy định 6 cách thức phát hiện hành vi chạy chức chạy quyền về việc kiểm tra, kết luận, xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền. 

Đa số các ý kiến góp ý tại Hội nghị đều đánh giá cao tính công phu, kỹ lưỡng trong dự thảo  do Ban Tổ chức T.Ư soạn thảo cũng như nhấn mạnh tính cần thiết của Quy định này. Nhiều ý kiến cũng nêu thêm đề xuất, kiến nghị để các quy định về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền chặt chẽ và khả thi hơn khi triển khai trong thực tế.

Tiếp thu nghiêm túc tất cả các ý kiến, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính cho biết tới đây Ban Tổ chức sẽ tiếp thu, nghiên cứu để trình các cấp có thẩm quyền, sớm ban hành Quy định này trong năm 2018, góp phần kiểm soát quyền lực, ngăn chặn chạy chức, chạy quyền - một vấn đề nhức nhối trong xã hội và ngay trong nội bộ Đảng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.