Xã hội

Ông Phan Văn Mãi: Hạ tầng giao thông sẽ là điểm tựa để TP.HCM bứt phá

30/04/2022, 19:45

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định, một trong những động lực để TP bứt phá và phát triển bền vững là phát triển hạ tầng giao thông.

Cùng với việc kiểm soát dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới sau nhiều tháng đối phó với đại dịch căng thẳng, TP.HCM đã và đang nỗ lực giành lại vị trí dẫn đầu, vai trò đầu tàu, là động lực phát triển kinh tế vùng, kinh tế của cả nước.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, một trong những động lực để Thành phố bứt phá và điểm tựa phát triển bền vững vẫn là phát triển hạ tầng giao thông và xây dựng TP Thủ Đức theo lộ trình.

img

Ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM

Liên kết các vùng kinh tế

Sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, TP.HCM đã gượng dậy với sức bật của một TP đầu tàu của cả nước. Lý do nào khiến Thành phố bứt phá trở lại nhanh như vậy, thưa ông?

Trong thời khắc khó khăn nhất, cả hệ thống đều tập trung thực hiện với quyết tâm cao nhất có thể, để có sự khởi đầu tích cực trong quý I. Từ mức giảm sâu ở quý 3, 4/2021, đến nay, kinh tế TP.HCM đã dần ổn định, phục hồi tăng trưởng dương. Để có được kết quả này yếu tố quan trọng nhất chính là sự chủ động, sức bật rất lớn từ tinh thần tiến thủ của người dân cũng như các doanh nghiệp.

Đến nay hầu hết các cơ sở sản xuất đã mở cửa, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Đời sống sinh hoạt của người dân đã trở lại bình thường. Nhiều dự án phát triển giao thông đô thị như: xe đạp công cộng, xe buýt điện, buýt đường sông Sài Gòn cũng đi vào vận hành được người dân hưởng ứng tích cực.

Đặc biệt trước lễ 30/4 hàng loạt công trình được khánh thành trước ngày 30/4 như cầu Thủ Thiêm 2, đường song hành Võ Văn Kiệt, kênh Nước Đen, dự án sửa chữa và nâng cấp đường Tỉnh lộ 9 (Đặng Thúc Vịnh), huyện Hóc Môn, các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân… Một khởi đầu thuận lợi nhưng chúng ta không chủ quan.

"TP.HCM luôn nhận thức rõ vai trò của mình đối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước. Do đó, Thành phố sẽ luôn nỗ lực, đoàn kết, chủ động, sáng tạo để tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, tiếp tục giữ vững vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của cả nước, vì cả nước, cùng cả nước và chăm lo tốt nhất đời sống Nhân dân".

Ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM

Với những nền tảng hiện tại, xin ông cho biết TP.HCM sẽ làm gì để bứt phá, đâu là điểm tựa cho TP.HCM phát triển bền vững?

Một trong những động lực để bứt phá và điểm tựa phát triển bền vững vẫn là phát triển hạ tầng giao thông và xây dựng TP Thủ Đức, có lộ trình cụ thể ở từng giai đoạn.

Nhưng phải nói rõ, hạ tầng giao thông kết nối không chỉ dừng lại ở việc cho xe lăn bánh, mà ở đó là liên kết kinh tế vùng.

Với các tuyến đường Vành đai không chỉ để đi lại mà đây là các tuyến đường Vành đai công nghiệp liên kết các vùng kinh tế với nhau. Ở đó gắn với các cụm cảng quan trọng khu vực phía Nam như cụm cảng Cái Mép -Thị Vải, cảng Cát Lái, cảng ICD Bình Dương, ICD Khu Công nghệ cao… là logistics, là giao thương buôn bán…

Ngay từ tháng 2 năm nay, Thành phố đã gấp rút tái khởi động lại đường Vành đai 2. Hiện nay còn khoảng 14 km chưa khép kín. Trong đó, đoạn 1 dài khoảng 3,82 km (từ cầu Phú Hữu đến Xa Lộ Hà Nội); đoạn 2 dài khoảng 2,0 km (từ Xa Lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng); đoạn 3 dài khoảng 2,75 km (từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa); cả 3 đoạn này đều nằm trên địa bàn TP Thủ Đức. Đoạn 4 dài khoảng 5,3 km (từ Quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh thuộc địa bàn huyện Bình Chánh).

Khi khép kín Vành đai 2 sẽ giúp kết nối cảng biển và các tuyến giao thông quan trọng khác như: Xa lộ Hà Nội, Phạm Văn Đồng, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Quốc lộ 1, Quốc lộ 13 và giải quyết vấn đề ùn ứ tại cảng Cát Lái. Dự kiến Vành đai 2 sẽ được khép kín trong 3 năm tới.

Với tuyến đường Vành đai 3 đã được phê duyệt quy hoạch với 92 km, khẩn trương hoàn tất hồ sơ thủ tục để được triển khai.

Vành đai 3 sẽ đi qua TP.HCM và ba tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương, Long An); giai đoạn 1, Vành đai 3 sẽ làm 4 làn cao tốc ở giữa, có chiều dài khoảng 76,34 km, tổng kinh phí đầu tư 75.378 tỷ đồng; trong đó, chi phí dành cho giải phóng mặt bằng 41.589 tỷ đồng.

Riêng đường song hành hai bên qua các khu đô thị, dân cư sẽ được xây dựng từ hai đến ba làn nhưng không liên tục mà đầu tư tùy theo nhu cầu thực tế. Trên tuyến cũng xây dựng 6 nút giao liên thông hoàn chỉnh...

img

Tổng thể tuyến đường Vành đai 3

Đây được xem là dự án giao thông quan trọng, kết nối liên Vùng, tạo đột phá phát triển kinh tế xã hội cho cả Vùng kinh tế phía Nam. Bởi khi hoàn thành sẽ mở ra hướng mới về phát triển đô thị cho các đô thị vệ tinh như Nhơn Trạch (Đồng Nai), Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi (TP.HCM), Khu đô thị Đức Hòa, Đức Huệ (Long An), thành phố Thuận An (Bình Dương).

Từ đó góp phần giảm ách tắc giao thông, giảm chi phí logistics, tăng yếu tố cạnh tranh, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng. Song song đó, Thành phố và các tỉnh cũng quyết tâm thực hiện Vành đai 4.

Cùng với Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4, TP.HCM sẽ tập trung hoàn thiện các thủ tục tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, phấn đấu triển khai và hoàn thành các dự án kết nối vùng, cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Quốc lộ 50, đường nối dài Võ Văn Kiệt - Vành đai 3, nút giao thông An Phú, các cầu lớn (Cần Giờ; Thủ Thiêm 3, 4); đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành, tuyến BRT, tuyến Metro số 5… tạo sự thông suốt tổng thể về hạ tầng. Và xây dựng TP Thủ Đức theo đúng lộ trình.

TP Thủ Đức sẽ là cực tăng trưởng mới

Xin ông cho biết cụ thể hơn những căn cứ nào để kỳ vọng TP Thủ Đức là một trong những yếu tố trở thành động lực và điểm tựa để TP.HCM phát triển?

TP Thủ Ðức có nhiều ưu thế vượt trội hơn so với các địa phương khác trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó, TP Thủ Đức là khu vực có hệ thống đường thủy rất thuận lợi và cụm cảng biển lớn. Đồng thời, TP Thủ Đức có Đại học Quốc gia TP.HCM, Khu Công nghệ cao, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đầu mối giao thông đường bộ, tuyến tàu điện nội đô đầu tiên nối với các quận trung tâm của TP.HCM.

Điều này cho thấy TP Thủ Đức có nhiều tiềm năng phát triển để tạo ra giá trị gia tăng cao, chứ không chỉ tạo ra giá trị sản xuất như một quận bình thường.

Định hướng phát triển TP Thủ Ðức sẽ trở thành cực tăng trưởng mới, là đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông của Thành phố, là “hạt nhân” thúc đẩy kinh tế - xã hội Thành phố và Vùng Đông Nam bộ, phát triển trên nền tảng kinh tế trí thức, ứng dụng khoa học công nghệ, năng suất lao động cao; là Thành phố xanh, thông minh, hạ tầng kỹ thuật và quản lý xã hội hiện đại, hội nhập quốc tế; nơi đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đến nay, chính quyền TP.HCM đang chỉ đạo tập trung lập quy hoạch chung TP Thủ Đức trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó sẽ ưu tiên quy hoạch quỹ đất sản xuất công nghệ cao, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển công viên, không gian mở…

TP.HCM cũng chuẩn bị nguồn lực, đất đai, đầu tư phát triển các khu chức năng để TP Thủ Đức sớm trở thành trung tâm tài chính, trung tâm giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao, trung tâm công nghệ sinh thái, trung tâm thể dục thể thao và y tế kỹ thuật cao; là đầu mối giao thông kết nối Vùng TP.HCM.

TP.HCM đặt ra mục tiêu đến năm 2025, TP Thủ Đức phấn đấu đóng góp 1/3 tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM, tương đương 7% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước; giá trị sản xuất tăng bình quân 10- 11%/năm, thu ngân sách tăng bình quân 10- 12%/năm; chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng nâng cao.

img

Cầu Thủ Thiêm 2 đã thông xe trước Lễ 30/4

Với định hướng phát triển TP Thủ Ðức sẽ trở thành cực tăng trưởng mới, là “hạt nhân” thúc đẩy kinh tế - xã hội Thành phố, TP.HCM cần những chính sách đột phá nào thưa ông?

Với cơ chế phát triển TP Thủ Đức, những vấn đề thuộc thẩm quyền của TP.HCM thì thực hiện phân cấp, ủy quyền tối đa cho TP Thủ Đức. Đối với những cơ chế, chính sách vượt thẩm quyền giải quyết của TP.HCM thì sẽ kiến nghị Trung ương xem xét ban hành nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho TP Thủ Đức phát huy được tiềm năng, lợi thế vốn có, giữ vai trò động lực tăng trưởng kinh tế của TP.HCM trong thời gian tới.

Vì TP Thủ Đức sẽ là mô hình quản lý đô thị theo hướng quản trị hiện đại của cả nước.

Theo từng giai đoạn, từng năm, với các nhiệm vụ được phân công cụ thể, khi thực hiện đúng kế hoạch, theo các nhà chuyên môn dự báo, trong 10 năm tới tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn TP.HCM bình quân mỗi năm khoảng từ 7,5 - 8%, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn TP Thủ Đức phải là hai con số.

Và với mô hình TP Thủ Đức triển khai thành công, chính là tiền để triển khai các mô hình thành phố thuộc TP.HCM mà vừa qua huyện Củ Chi, Hóc Môn sẽ được tập trung, đầu tư, phát triển thành một cực tăng trưởng mới của TP.HCM trong tương lai.

Lạm phát có thể vượt mức dự báo

Chúng ta có thể hình dung về tốc độ phục hồi, tăng trưởng kinh tế - xã hội của TP.HCM năm 2022 thế nào, thưa ông?

Trước hết phải khẳng định, đến thời điểm hiện nay, Thành phố không chỉ kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, mà kinh tế - xã hội Thành phố đang phục hồi nhanh và sớm hơn kỳ vọng.

Đối với năm 2021, mặc dù không hoàn thành được một số chỉ tiêu đề ra từ đầu năm, chủ yếu do nguyên nhân khách quan, nhưng vẫn được xem là năm thành công trong điều kiện thực tiễn khá đặc thù và chưa có tiền lệ của làn sóng dịch bệnh Covid-19.

GRDP Thành phố quý 1 năm 2022 ước tăng 1,88% so với cùng kỳ; từ mức giảm sâu ở quý 3 và quý 4 năm 2021 lần lượt là -24,97% và -11,64%, đến nay kinh tế Thành phố đã đạt mức tăng trưởng dương. Tín hiệu này cho thấy kinh tế Thành phố đang phục hồi nhanh.

img

Đường song hành đại lộ Võ Văn Kiệt vừa được thông xe cải tạo hiện trạng hạ tầng giao thông đường Võ Văn Kiệt tại khu vực cầu Calmette

4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 9,7% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,2% so với cùng kỳ.

Giá trị sản xuất trong Khu công nghệ cao đạt 2,03 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ, giá trị xuất khẩu đạt 1,84 tỷ USD tăng 4,6% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách 4 tháng đầu năm ước thực hiện 168 nghìn tỷ đồng, đạt 43,5 % dự toán năm và tăng gần 14% so với cùng kỳ.

Kinh tế Thành phố tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, tạo đà tâm lý và tin tưởng của người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, Thành phố còn đang đối diện một số yếu tố bất lợi. Như chỉ số giá tiêu dùng có thể tăng cao, lạm phát có thể vượt mức dự báo, gây khó khăn cho các hoạt động phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Vậy TP.HCM làm gì để kéo giảm chỉ số giá tiêu dùng, giảm lạm phát và tăng trưởng mạnh, thưa ông?

Thành phố tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Trung ương; triển khai quyết liệt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025; tập trung tổ chức thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2022 “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Trước hết, tiếp tục phải đảm bảo được trụ cột y tế; tập trung triển khai hiệu quả 11 nghị quyết HĐND TP vừa ban hành; triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp, trong đó tập trung cải cách hành chính và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền; phát huy vai trò của các tổ công tác để giải quyết nhanh các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân.

Tập trung công tác quy hoạch và xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các công trình trọng điểm như vành đai 2, 3, cao tốc Mộc Bài, Metro 1,2..; đẩy mạnh các giải pháp giải ngân đầu tư công, triển khai hiệu quả chương trình nhà ở xã hội, trước mắt xây dựng cơ chế, chính sách giúp chủ nhà trọ cải tạo, nâng cao chất lượng nhà cho thuê đúng quy chuẩn, góp phần cải thiện nơi ở của người lao động...

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.