Sáng 4/4, TP.HCM tổ chức hội nghị Thành ủy mở rộng để đánh giá tình hình kinh tế xã hội quý I, nhiệm vụ trọng tâm quý II.
Tại hội nghị, vấn đề mức tăng trưởng kinh tế quý I chỉ đạt 0,7%, có 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu tăng trưởng âm… được các đại biểu tiếp tục quan tâm và đề ra những giải pháp phục vụ hồi kinh tế trong các quý tiếp theo.
Thông tin chi tiết thêm, lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết, số doanh nghiệp ngưng hoạt động trên 22%, có 17,6% doanh nghiệp sẽ cắt giảm lao động trong thời gian tới. Kết quả khảo sát cho thấy, doanh nghiệp có 4 nhóm khó khăn: Thị trường bị thu hẹp (41,2%), giá nguyên liệu đầu vào tăng (17,6%), thiếu vốn (17,6%), thiếu nguồn nhân lực phù hợp (11,2%).
Các dự án giao thông triển khai chậm là một trong những nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM thấp. Trong hình là đường Lương Định Của (TP Thủ Đức) đã thi công 5 năm nhưng chưa hoàn thành do vướng mặt bằng
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP.HCM tăng trưởng thấp trong quý I bởi thành phố là trung tâm sản suất công nghiệp dịch vụ, nên kết quả sản xuất công nghiệp giảm theo tình hình chung cả nước.
Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố cũng thẳng thắn nhìn nhận khi một số chính sách đang triển khai có những tác động nhất định đến nền kinh tế. Có 90% dự án bất động sản đang đóng băng, nhóm ngành ngân hàng bị tác động, lượng cung tiền và lãi suất cao nên tiếp cận khó, tăng trưởng thấp; du lịch hồi phục khởi sắc nhưng nhiều mảng chưa phục hồi như quy mô trước dịch. Nhiều hồ sơ tồn đọng các sở, ngành gồm: Kế hoạch - Đầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường.
Để triển khai những nhiệm vụ sắp tới, ông Phan Văn Mãi cho biết, UBND TP.HCM tập trung giải quyết những hồ sơ vướng mắc của doanh nghiệp, người dân. Trong đó, sẽ có những giải pháp cụ thể để “rã băng thị trường bất động sản”.
Lãnh đạo thành phố cũng đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công trong quý II sẽ là 35% (quý I chỉ 4%); hết quý III đạt 58%, hết quý IV đạt 91% và hết niên độ (tháng 1/2024) đạt 95% trở lên. Để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án giao thông là cực kỳ quan trọng.
Trong năm 2023, có 50 dự án giao thông thuộc 12 quận, huyện và TP Thủ Đức với tổng diện tích cần giải phóng là 100ha, giá trị 2.000 tỷ đồng. “Các dự án chạy thì dòng vốn sẽ chạy, tạo công ăn việc làm, tạo khí thế, niềm tin cho nền kinh tế", ông Mãi nhấn mạnh.
Ông yêu cầu các địa phương phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng để dự án được triển khai đúng tiến độ.
Thực tế hiện nay, TP.HCM có hàng loạt dự án giao thông đã triển khai nhiều năm qua nhưng bị tạm ngưng do vướng giải phóng mặt bằng như: Dự án mở rộng đường Lương Định Của, cầu Nam Lý, Ông Nhiêu, Tăng Long (Thủ Đức); hầm chui Nguyễn Văn Linh (Q.7); mở rộng tỉnh lộ 8 (Củ Chi). Thành phố đang đẩy mạnh giải phóng mặt bằng cho tuyến Vành đai 3, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận