Y tế

“Ông Tâm đẹp trai” của trẻ tự kỷ

11/06/2019, 06:14

Nếu không gặp “ông Tâm” và các bác ở đây, em cũng chưa biết khi nào mình được nghe con cất tiếng gọi mẹ. Dù vất vả đến mấy, em vẫn bám trụ...

img
BS. Tâm đang thăm khám cho bệnh nhân

Đó là cách gọi thân thương của bệnh nhi chậm phát triển vận động, chậm nói, chậm trí tuệ, tự kỷ, bại não và gia đình bệnh nhi đã, đang điều trị tại Khoa Điều trị liệt vận động - Ngôn ngữ trẻ em (Bệnh viện Châm cứu T.Ư) dành cho BS. Dương Văn Tâm.

Hạnh phúc khi nghe con gọi tiếng mẹ

Với chị Nguyễn Thị Đ. (Gia Viễn, Ninh Bình), giờ đây được nghe tiếng gọi mẹ, tiếng bi bô tập nói của con trai dù đã gần 4 tuổi là điều hạnh phúc khôn tả. Năm 2014, chị Đ. sinh cậu con trai đầu lòng trong niềm hân hoan của cả gia đình, tuy nhiên đến 2 tuổi bé vẫn không nói tiếng nào. Mang con đi khám, chị Đ. ngỡ ngàng khi bác sĩ chẩn đoán con mắc tự kỷ. Tham khảo nhiều nơi, chị quyết định đưa con về BV Châm cứu T.Ư điều trị.

Sau đợt điều trị thứ 4 với mỗi đợt kéo dài gần một tháng bằng các kỹ thuật điện châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt tác động lên các huyệt đạo, đồng thời cho bé tham gia các hoạt động tập thể, giáo dục hòa nhập, trò chuyện với chuyên gia tâm lý… giờ bé đã biết gọi mẹ và nói theo lời người lớn dạy.

Chị Đ. cho biết: “Nếu không gặp “ông Tâm” và các bác ở đây, em cũng chưa biết khi nào mình được nghe con cất tiếng gọi mẹ. Dù vất vả đến mấy, em vẫn bám trụ lại đây để con được điều trị”.

Theo chia sẻ của ThS.BS Dương Văn Tâm, Trưởng khoa Điều trị liệt vận động - Ngôn ngữ trẻ em - người trực tiếp điều trị cho bệnh nhi tại đây, đa số trẻ mắc tự kỷ được đưa đi khám và phát hiện bệnh khi bị chậm nói. Những đứa trẻ như con chị Đ tìm đến đây điều trị ngày càng nhiều.

“Tại BV Châm cứu T.Ư, chỉ riêng khối nhi tiếp nhận điều trị cho hơn 100 trẻ tự kỷ mỗi ngày. Hàng năm, chúng tôi thu nhận hơn 1.000 lượt cháu điều trị tự kỷ. Với bệnh lý này, bác sĩ chữa trị cho bệnh nhân theo từng đợt. Mỗi đợt can thiệp kéo dài một tháng (theo quy chế bảo hiểm, đỡ gánh nặng cho bệnh nhân), mỗi đợt cách nhau 15 ngày. Mỗi trẻ có thể điều trị 5-7 đợt/năm, thậm chí 10 đợt, kéo dài trong nhiều năm”, BS. Tâm cho hay.

Ở Khoa Điều trị liệt vận động - Ngôn ngữ trẻ em, không chỉ bệnh nhi tự kỷ tìm đến mà nơi đây còn điều trị trẻ bị bệnh bại não, chậm phát triển vận động, chậm nói, chậm trí tuệ, di chứng viêm màng não, viêm đa rễ dây thần kinh gây liệt tứ chi, liệt mặt do lạnh, chấn thương sọ não, đuối nước để lại di chứng liệt, mất ngôn ngữ, mất trí khôn… Bằng các kỹ thuật kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại, các y bác sĩ nơi đây đã giúp các bệnh nhi vận động tốt hơn, ngồi được, lẫy bò được, đi đứng được, nói được, trí tuệ được cải thiện, hết tăng động, tập trung chú ý hơn.

“Trưởng kho” chứ không phải Trưởng khoa

BS. Dương Văn Tâm vẫn hay nói đùa như thế mỗi khi mời ai bước vào căn phòng làm việc của ông tại khoa. Với khách lần đầu đến thì đều “mắt chữ O, mồm chữ A” khi 3/4 căn phòng làm việc của ông chứa đủ thứ như “cửa hàng bách hóa” từ bô, bỉm, chăn, màn, giường bạt hay xô, chậu… Có lẽ thứ duy nhất dành cho ông ở đây là chiếc bàn làm việc chất kín tài liệu.

“Bệnh nhi thường phải điều trị lâu dài, nhà xa, gia đình lại rất khó khăn. Các gia đình thường hết tiền mới tìm đến đây. Phòng trưởng khoa thành “trưởng kho” là thế. Những cái đơn giản mình không giúp được cho bệnh nhân thì làm sao bệnh nhân yên tâm điều trị”, BS. Tâm giải thích việc chia sẻ với các bệnh nhi, từ việc làm “địa chỉ tin cậy để gửi đồ” của mình.

Ông tâm sự, nếu thương bệnh nhi một, ông thương bố mẹ các cháu 10 lần. Hầu hết họ tới đây khi đã “trắng tay” vì đã đi khắp nơi điều trị cho con. Vì lẽ đó, BS. Tâm không ngần ngại gõ cửa nhiều nơi để xin từ thiện cho bệnh nhi. Cũng nhờ thế, mỗi dịp Tết thiếu nhi, Rằm Trung thu hay lễ Tết, các bệnh nhi ở đây vẫn luôn tràn ngập niềm vui với đủ đầy kẹo, bánh, quà tặng và hơn cả là tình yêu thương mà các y bác sĩ nơi đây dành cho.

“Việc chăm sóc và điều trị cho những đứa trẻ bị di chứng vận động, ngôn ngữ là công việc đòi hỏi sự cần mẫn của những chú ong xây tổ. Sự tiến bộ của trẻ được tính bằng tháng bằng năm, chứ không phải chỉ trong ngày một ngày hai”, BS. Tâm quan niệm như vậy. Chính vì điều đó, ông gắn mình với nghề suốt 30 năm qua. Từ một bác sĩ học nhi tây y, rồi ra công tác lại bén duyên với nhi Đông y, miệt mài tìm tòi, học hỏi kết hợp kiến thức Đông - Tây y với mục đích chữa trị cho những bệnh nhi sinh ra chịu nhiều thiệt thòi.

Với ông, hạnh phúc đong đầy là khi bệnh nhi gần gũi gọi “ông Tâm đẹp trai” hay sự phục hồi đến kỳ diệu của bệnh sau khi được ông cùng các đồng nghiệp điều trị.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.