Đời sống

Ông Thuận “truyền thanh”

21/06/2021, 07:15

Ai cũng nói ông “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” nhưng cái “nghề” đã ăn sâu vào máu và gắn bó với ông 20 năm qua.

img

Ông Phạm Đức Thuận đang đọc bản tin buổi trưa cho người dân về tình hình dịch bệnh Covid-19

Vừa chỉnh sửa âm ly chuẩn bị đọc bản tin lúc 11h trưa, ông Phạm Đức Thuận (65 tuổi, phố Tân Đoài, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa), Phó Bí thư chi bộ phố Tân Đoài tâm sự: “Ngày nào tôi cũng phải ra đây (nhà văn hóa) để đọc các thông báo của huyện, xã và thôn, tổ dân phố. Tôi làm cái “nghề” kiêm nhiệm này cũng ngót 20 năm rồi. Ai cũng nói tôi “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” nhưng cái “nghề” nó ăn sâu vào máu mất rồi”.

“Việc đọc này, thoạt nhìn thấy rất đơn giản nhưng để người dân nghe và hiểu được mới khó. Khi có văn bản chỉ đạo của cấp trên về thì phải đọc ngay. Ngày nào tôi cũng phải viết tin, thu nạp các tin tức chính thống từ báo đài để viết ra rồi chèn vào nội dung thông báo hàng ngày. Mỗi ngày là một bản tin khác nhau vì nếu không thay đổi thì người nghe nhàm chán và hiệu quả không cao”, ông Thuận vừa nói vừa thử micro chuẩn bị “phát sóng”.

Thời gian này, các bản tin do ông Thuận biên soạn đều liên quan đến tình hình phòng chống dịch Covid-19, mỗi bản tin dài khoảng 400 chữ, ông đọc trong khoảng 3 phút và được lặp lại 2 lần. Từ lâu, nhiều người đã quen gọi ông là ông Thuận “truyền thanh”.

Theo ông Thuận, hệ thống thiết bị kỹ thuật phục vụ cho việc phát thanh chỉ có mỗi bộ âm ly cũ, một chiếc micoro và một cái loa lớn đặt trên nóc tường của nhà văn hóa. Khung giờ để “phát sóng” thường ngày diễn ra vào lúc 5h30; 11h và 18h. Đây là những khung “giờ vàng” vì lúc này người dân thường có mặt ở nhà để nghe các thông báo.

“Thiết bị thì đơn giản, không phải đầu tư nhiều, chủ yếu là tài sản bà con đóng góp cả. Còn bản thân tôi cũng được xem như một biên tập viên, kỹ thuật viên và phát thanh viên kỳ cựu lâu năm đấy”, ông Thuận cười nói về công việc của mình.

Theo ông Đỗ Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Quảng Xương, công nghệ có phát triển đến đâu cũng không thể bỏ qua hệ thống phát thanh cơ sở được. “Bất kể lúc nào, sáng, trưa, chiều, tối, khi có vấn đề “nóng”, khẩn cấp cũng có thể lên loa. Trong bối cảnh các tin tức xấu, độc tràn lan trên mạng xã hội thì những bản tin từ hệ thống truyền thanh cơ sở là những thông tin chính thống nhất để giúp người dân hiểu và phòng tránh”, ông Sáu nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.