Giải đấu cao nhất bóng đá Việt Nam chưa thể mang đến những giá trị thương mại xứng tầm. Đây cũng là điều ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (đơn vị tổ chức, điều hành các giải đấu chuyên nghiệp) luôn trăn trở.
V-League vẫn còn nhiều tồn tại
Trong lịch sử bóng đá Việt Nam chưa lần nào phải hứng chịu biến cố nặng nề như mùa giải 2020. Ở vị trí chèo lái, ông có cảm thấy áp lực từ ngành thể thao, các CLB, người hâm mộ?
Không chỉ bóng đá Việt Nam mà nhiều lĩnh vực khác cũng phải chịu biến cố nặng nề do dịch Covid-19 gây ra. Ngay từ đầu mùa giải, V-League đã phải tổ chức trận Siêu cup Quốc gia và 2 vòng đấu không khán giả. Bản thân tôi lúc đó cũng khá lo lắng vì nếu có chuyện xảy ra thì mình sẽ là người phải chịu trách nhiệm đầu tiên.
Tuy nhiên, thời điểm đó, công tác tổ chức khá suôn sẻ làm tôi vững tâm. Rồi giải quay lại rất ngoạn mục sau hai tháng, các trận đấu sôi động, sân đông khán giả. Tuy vậy, tôi xác định không thể chủ quan, luôn chuẩn bị tinh thần dịch bệnh vẫn còn rình rập.
Chính vì thế nên lần thứ hai giải phải hoãn khiến tôi không quá bị áp lực. Với ngành thể thao và người hâm mộ, tôi nghĩ mọi người đều hiểu và thông cảm. Còn với các CLB, tuy có các ý kiến trái chiều nhưng tôi xác định đó là chuyện bình thường.
Thể thức thi đấu mới đem đến sự hấp dẫn cao độ cho các trận đấu tại V-League 2020. Liệu dịch bệnh có phải là cơ hội để chúng ta nghĩ về sự thay đổi cho V-League vốn bị cho là cũ kỹ?
Thực tế, thể thức thi đấu những mùa giải trước (vòng tròn hai lượt) là thể thức phổ biến nhất trên thế giới, đảm bảo sự công bằng nhất cho các CLB tham dự giải. Chỉ có tư duy của một số thành viên tham dự giải vẫn chưa đổi mới, theo lối mòn cũ, dẫn tới thái độ thi đấu đôi khi hời hợt.
Thể thức thi đấu mới làm cho tư duy cũ không còn chỗ dựa mà bắt buộc phải thay đổi, phải nỗ lực từng trận. Chính nhờ thế mà giải đã diễn ra rất hấp dẫn, có thể coi là hấp dẫn nhất từ trước đến nay.
Từ góc độ này nhìn nhận, rõ ràng đây là cơ hội để chúng ta thay đổi thể thức thi đấu. Nhưng dưới quan điểm cá nhân, áp dụng thể thức này chỉ nên trong một giai đoạn. Đến lúc thích hợp, nên áp dụng thể thức thi đấu như trước đây để đảm bảo sự công bằng hơn cho các CLB.
Lại nói về sự thay đổi, từ đầu nhiệm kỳ của mình ở VPF, ông cảm thấy V-League đã cải thiện được những gì? Đâu là mặt còn tồn tại?
Nếu nói không quá thì công tác tổ chức giải minh bạch hơn, công bằng hơn. Hình ảnh của giải qua truyền thông cũng tốt hơn. Một số CLB đầu tư nghiêm túc cả về con người cũng như cơ sở vật chất. Giải cũng có nhiều trận đấu đáng xem, từ đó tạo nên bức tranh chung khá sáng sủa.
Ngược lại, mặt chưa tốt vẫn còn nhiều, nổi cộm hơn cả là cơ sở vật chất một số CLB vẫn còn yếu, nhiều CLB còn phải cấp phép ngoại lệ để được tham dự giải do không đạt được các tiêu chí của AFC. Vẫn biết như vậy sẽ ảnh hưởng tới V-League nhưng vì phong trào chung vẫn cần có sự linh động. Tất nhiên, trong tương lai, chúng ta dần phải siết chặt để chấm dứt tình trạng này.
Công tác trọng tài cũng là điểm trừ của V-League khi mùa nào cũng có những sai sót nghiêm trọng, đến nay vẫn chưa thể giải quyết.
Làm sao để tăng giá trị thương mại V-League?
Ông cho rằng V-League đã có nhiều nét mới nhưng tiền bản quyền truyền hình V-League vẫn rất hạn chế, chưa tương xứng với tầm vóc giải đấu hàng đầu Việt Nam. Ông suy nghĩ sao về vấn đề này?
Đây là điều tôi luôn trăn trở bởi nguồn thu từ bản quyền truyền hình của V-League không đáng kể, chỉ khoảng 2 tỷ đồng/mùa. Vấn đề này do lịch sử để lại. Cụ thể, khi tôi tiếp nhận công việc ở VPF thì công ty đã có hợp đồng thương mại dài hạn với đối tác, không thay đổi được.
Tôi nghĩ không chỉ bản quyền truyền hình, mà đầy đủ là bản quyền thương mại của giải phải được lãnh đạo VPF nhiệm kỳ sau tính toán kỹ càng hơn với các đối tác nhằm nâng cao dần nguồn thu.
Nếu nhìn sang Thái Lan, hẳn chúng ta thua rất xa. Theo ông, đâu là những nguyên nhân khiến V-League không thể có giá trị bản quyền truyền hình cao?
Nguyên nhân đầu tiên là tính thị trường ở Việt Nam chưa có. Tính thị trường là chú trọng việc mua bán, trao đổi nhưng chúng ta lại quen cơ chế xin cho, thích miễn phí. Bởi vậy, rất khó có đài truyền hình hay đối tác nào ở Việt Nam bỏ một khoản tiền lớn để mua bản quyền truyền hình.
Bên cạnh đó, cũng cần thừa nhận rằng, V-League chưa phải là một sản phẩm thực sự hấp dẫn nhà đầu tư, họ không nhìn thấy được cơ hội kiếm lời ở đây. Chính bởi vậy, cần phải gộp bản quyền truyền hình thành một gói riêng trong bản quyền thương mại thì mới có thể tăng thêm giá trị bản quyền thương mại của giải.
Không chỉ bản quyền truyền hình thấp, việc kêu gọi tài trợ cho V-League cũng gặp nhiều khó khăn. Ngay cả khi bóng đá Việt Nam đầy hứng khởi với các thành công ở cấp đội tuyển, V-League vẫn chật vật mới có được nhà tài trợ. Phải chăng giá trị thương mại của V-League cũng ở mức thấp?
Cũng như tôi đã nói ở trên, tính thị trường ở Việt Nam còn hạn chế. Thứ hai, giá trị gói tài trợ chính của giải thường rất cao nên ít đơn vị chấp nhận chi tiền. Thứ ba là nguyên nhân chủ quan: Tính chuyên nghiệp của giải chưa cao, hình ảnh giải tuy đã tốt hơn nhưng chưa hẳn đã thật hấp dẫn với các doanh nghiệp.
Theo ông, chúng ta phải làm gì để gia tăng giá trị thương mại của V-League?
Đầu tiên, V-League phải thật sự chuyên nghiệp, chuyên một cách toàn diện. Không chỉ VPF cần nỗ lực hơn để công tác tổ chức chuyên nghiệp mà bản thân các CLB cũng phải chú trọng tính chuyên nghiệp, phải quan tâm tới việc xây dựng hình ảnh, kết nối đội bóng với CĐV, người hâm mộ để lôi kéo họ tới sân. Tôi tin rằng, khi các khán đài được lấp kín cũng là lúc V-League sẽ ở vị thế khác trong các cuộc đàm phán kinh tế.
Thứ nữa, tôi ấp ủ ý tưởng biến mỗi trận đấu trở thành một ngày hội âm nhạc, giải trí, văn hóa. Làm được như vậy thì chắc chắn V-League sẽ hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc này cần sự chung tay, quyết liệt từ tất cả các CLB.
Ngoài ra, V-League cần phải có thêm nhiều ngôi sao sáng, nhiều thần tượng. Chúng ta thấy CLB Hà Nội kể từ khi lứa Quang Hải chơi xuất sắc trong màu áo đội tuyển đã có sức hút cực lớn. Rồi lứa Công Phượng của HAGL cũng vậy, họ đều tạo ra được những cơn sốt. Nếu mỗi đội bóng đều có những cầu thủ mang tính biểu tượng như thế, giá trị của V-League sẽ tăng đáng kể.
Một lãnh đạo Thai League cho rằng, V-League chưa biết tận dụng những ngôi sao của mình để quảng bá cho giải đấu, từ đó nâng cao giá trị giải đấu, ông đánh ra thế nào về quan điểm này?
Đấy là một nhận xét đúng nhưng không hoàn toàn là như vậy. V-League vẫn có những chiến dịch quảng bá xoay quanh các cầu thủ được người hâm mộ yêu mến và mang về hiệu ứng tốt. Nhưng như vậy là chưa đủ để giúp cả một giải đấu thay da đổi thịt.
Tôi cho rằng, nếu đơn thuần là làm chuyên môn thì rất khó thành công, hoặc để thành công được thì cần rất nhiều thời gian, chúng ta cần một hướng đi mới mẻ hơn. Trong thời gian tới, tôi và VPF sẽ phải nâng cấp đội ngũ nhân sự, huy động thêm nhiều người giỏi từ các lĩnh vực khác ngoài bóng đá để cùng nhau tạo nên một chiến lược toàn diện nâng tầm V-League về mọi mặt. Điều này vừa là tự tạo cơ hội cho mình, vừa là tạo cơ hội cho nhà đầu tư, góp phần hình thành cơ chế thị trường ở bóng đá Việt Nam.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận