Pháp đình

Ông Trần Bắc Hà vẫn chưa có mặt dù được tòa triệu tập

09/01/2018, 11:59

Trước đó, TAND TP.HCM đã triệu tập, nhưng sáng 9/1, ông Trần Bắc Hà vẫn không có mặt tại tòa...

2

Ông Phạm Công Danh.

Sáng 9/1, TAND TP.HCM bắt đầu vào phần xét hỏi vụ án Phạm Công Danh. Mở đầu phần xét hỏi, VKS công bố cáo trạng dài gần 130 trang cáo buộc ông Phạm Công Danh, Trầm Bê và 44 đồng phạm về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Do cáo trạng rất dài, hai đại diện VKS thay nhau công bố. 

Mặc dù được tòa triệu tập với tư cách người liên quan và nhân chứng, nhưng ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT, Trưởng Phân ban Quản lý ủi ro Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, BIDV) vẫn chưa thấy ở tòa. Trong phiên xử chiều 8/1, đại diện VKSND TP.HCM giữ quyền công tố đã yêu cầu HĐXX triệu tập ông Hà để phục vụ công tác xét hỏi, tranh luận tại tòa. Đề nghị của VKS đã được HĐXX đồng ý nhưng đến cuối giờ sáng 9/1, ông Trần Bắc Hà vẫn không thấy xuất hiện và cũng không cử người đại diện. Hiện tại có một số thông tin cho rằng, ông Trần Bắc Hà đang bị bệnh và nằm điều trị trong bệnh viện nên không thể đến tòa.

Theo cáo trạng của KS đã công bố, một số cá nhân liên quan tại BIDV có một số sai phạm nhưng kết quả giám định thiệt hại của đoàn giám định Ngân hàng Nhà nước xác định: “Thiệt hại không xảy ra tại BIDV nên các cá nhân liên quan tại BIDV không phạm tội Vi phạm quy định về cho vay...”. Còn kết quả của Cơ quan CSĐT cho rằng những người có liên quan chưa đủ căn cứ để xác định vai trò đồng phạm với Phạm Công Danh. Do đó, ngày 26/10/2017, cơ quan điều tra đã có đề nghị kiểm điểm và xử lý hành chính đối với cán bộ liên quan tại BIDV. Trong đó có nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà, hai Phó tổng giám đốc Đoàn Ánh Sáng và Trần Lục Lang...

Trong cáo trạng vụ đại án này, trước khi kết luận, CQĐT đánh giá hành vi của những người liên quan trên không cấu thành tội phạm, đề nghị cơ quan quản lý tiến hành xử lý hành chính hoặc kỷ luật. Nhưng để đảm bảo việc giải quyết vụ án được khách quan toàn diện, không oan sai, không bỏ lọt tội đề nghị HĐXX và đại diện VKS điều tra công khai tại toà để làm rõ hành vi vi phạm, trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân nếu có căn cứ tiếp tục xử lý.

Liên quan đến đại án Phạm Công Danh, ngày 26/10/2017, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã có kiến nghị đề nghị kiểm điểm và xử lý kỷ luật đối với 3 lãnh đạo BIDV gồm ông Trần Bắc Hà, ông Trần Lục Lang và ông Đoàn Ánh Sáng. Cơ quan điều tra nhận định các cá nhân này có sai phạm trong việc cho Phạm Công Danh vay tiền nhưng kết quả giám định cho thấy BIDV không có thiệt hại xảy ra nên các cá nhân tại BIDV không phạm tội vi phạm quy định về cho vay.

Cáo trạng xác định hành vi Cố ý làm trái của Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc gửi tiền sang ngân hàng Sacombank, cho vay, bảo lãnh và trả nợ thay cho 6 công ty, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.835 tỷ đồng.

Trước đó, VNCB có khoản nợ 2.600 tỷ đồng tại BIDV từ năm 2012. Giữa năm 2013, đến hạn trả nợ. Để có tiền thanh toán khoản vay trên, ngày 23/3/2013, bị cáo Danh chỉ đạo lập biên bản họp HĐQT VNCB và ký ban hành nghị quyết số 15. Để triển khai nghị quyết, giữa tháng 4/2013, Phạm Công Danh đến chi nhánh Sacombank tại quận 3 để liên hệ vay tiền. Lúc này, bị cáo Trầm Bê và bị cáo Phan Huy Khang (Tổng giám đốc Sacombank) cho Phạm Công Danh vay 1.800 tỷ đồng với tài sản bảo đảm là tiền gửi của VNCB.

Ông Danh chỉ đạo nhân viên VNCB và nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh (tập đoàn của ông này) sử dụng 6 lượt công ty do chính mình thành lập hoặc mượn pháp nhân lập 6 bộ hồ sơ khống đứng tên các công ty đó để vay vốn tại Sacombank. Trong ngày 26/4/2013, toàn bộ khoản vay 1.800 tỷ đồng của 6 công ty tại Sacombank, chi nhánh Hưng Đạo và chi nhánh quận 8 được chuyển vào tài khoản của ông Danh.

Chủ toạ Phạm Lương Toản cho biết do bị cáo Trần Hiệp (nguyên thành viên HĐQT VNCB) có đơn trình bày bị ung thư, không thể đứng lâu để nghe cáo trạng. Do đó, HĐXX quyết định cho phép bị cáo ngồi nghe. Các bị cáo như Trầm Bê, Nguyễn Việt Hà, Đặng Thị Bích Thuỷ cũng được phép ngồi nghe cáo trạng. 

11h20, HĐXX tuyên bố tạm nghỉ. Trong buổi sáng, hai đại diện VKS mới chỉ công bố được một nửa cáo trạng. Phần tiếp theo sẽ được công bố vào buổi chiều. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.