Thế giới

Ông Trump cân nhắc biện pháp mới gây áp lực lên Iran

13/09/2017, 09:25

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc chiến lược cho phép Mỹ thực hiện các phản ứng quyết liệt hơn...

29

Tổng thống Mỹ Donald Trump là người có quan điểm rất cứng rắn với Iran

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc chiến lược cho phép Mỹ thực hiện các phản ứng quyết liệt hơn với các lực lượng vũ trang của Iran cũng như cân nhắc lại thoả thuận hạt nhân giữa Iran với nhóm cường quốc P5+1.

Tăng áp lực lên Iran

Hãng tin Reuters dẫn lời 6 cựu quan chức và đương nhiệm của Mỹ cho biết, đề xuất chiến lược của Hoa Kỳ với Iran do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, cố vấn an ninh quốc gia H.R McMaster và các quan chức cấp cao khác phác thảo. Bản đề xuất đã được đệ trình lên Tổng thống Trump trong cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ vào cuối tuần qua, có thể được thông qua và chấp thuận trước cuối tháng 9 này - 2 trong 6 nguồn tin cho biết. Tất cả các nguồn cung cấp thông tin trên đều nắm tương đối rõ về dự thảo và yêu cầu giấu danh tính vì Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa có động thái chính thức với dự thảo này.

Một quan chức cấp cao trong Chính phủ Mỹ tiết lộ, dự thảo lần này sẽ đối lập với các hướng dẫn chi tiết phản ứng của Mỹ với Iran dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và một số người tiền nhiệm khác. Trong đó, ông Trump hoạch định các mục tiêu chiến lược và tổng quát cho chính sách mới của Mỹ, còn lại cho phép các chỉ huy quân đội, nhà ngoại giao và các quan chức khác của Mỹ thực hiện kế hoạch.

Theo Reuters, kế hoạch này nhằm tăng áp lực lên Tehran để kiềm chế các chương trình tên lửa đạn đạo và hỗ trợ các nhóm nổi dậy. Đáng chú ý, các lực lượng hải quân Mỹ có thể phản ứng mạnh mẽ hơn khi đụng độ với các thuyền cao tốc có vũ trang thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ việc tàu Mỹ đụng độ với tàu của IRGC. Gần đây nhất, tàu Mỹ đã bắn pháo sáng và cảnh báo đối với các tàu của Iran vì hành vi mà họ cho là tiếp cận đe dọa trên vịnh Ba Tư, tuyến đường chiếm 35% xuất khẩu dầu mỏ bằng đường biển trên thế giới.

Hiện nay, các chỉ huy của Mỹ chỉ được phép ra lệnh bắn cảnh báo khi họ cho rằng, sự an toàn của tàu và mạng sống của thuỷ thủ đoàn bị đe dọa. Chưa rõ trong đề xuất mới, quy định này có thay đổi hay không.

Tăng cường trừng phạt nếu vi phạm thoả thuận P5+1

Một yếu tố không thể thiếu trong dự thảo lần này là thoả thuận hạt nhân giữa Iran với nhóm các cường quốc P5+1 (Nga, Mỹ, Pháp, Anh, Trung Quốc và Đức). Trong đó, dự thảo chiến lược sẽ kêu gọi cân nhắc các lệnh trừng phạt kinh tế khắt khe hơn nếu Iran vi phạm thoả thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 vào năm 2015. Từ khi Donald Trump còn là ứng viên Tổng thống đến nay, ông luôn có quan điểm đối lập, chỉ trích gay gắt thoả thuận hạt nhân năm 2015.

Tuần trước, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley khẳng định, Tổng thống Mỹ Donald Trump có cơ sở để rút lại thoả thuận hạt nhân với Iran nếu ông muốn. Bà Haley cho rằng: “Nếu không dám thách thức hành vi vi phạm của Iran vì lo sợ phá vỡ thoả thuận hạt nhân thì điều đó sẽ dẫn thẳng tới mối đe dọa mà thoả thuận này đặt ra với an ninh quốc gia Hoa Kỳ”. Thời điểm bà Harley đưa ra các bình luận trên không phải ngẫu nhiên. Bởi, tháng tới là đến hạn Tổng thống Trump phải chứng thực với Quốc hội rằng Iran đang tuân thủ các điều khoản trong thoả thuận hay không.

Theo luật pháp Mỹ, cứ mỗi 90 ngày, Bộ Ngoại giao nước này lại phải chứng thực với Quốc hội về việc tuân thủ thỏa thuận của Iran. Đến nay, chính quyền của ông Trump đã hai lần tái xác nhận sự tuân thủ của Iran và lần tái chứng thực tiếp theo dự kiến vào ngày 15/10 tới. Chưa rõ quyết định của Mỹ ra sao nhưng tuần trước Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế tuyên bố Iran hoàn toàn tuân thủ hiệp ước hạt nhân.

Các chuyên gia về quan hệ Mỹ-Iran và giải trừ hạt nhân cho rằng, nỗ lực đơn phương của Mỹ rút khỏi thoả thuận hạt nhân này sẽ tiềm ẩn khả năng bùng nổ thành thảm họa. Nó không chỉ làm suy giảm những lợi ích của Mỹ trong nỗ lực phi hạt nhân mà còn mở cửa cho cuộc xung đột lớn với Iran. Như nhận định của Chủ tịch Tổ chức Phi hạt nhân Ploughshares Fund, ông Joe Cirincione: “Thỏa thuận này có hiệu quả, đã kiềm chế và đóng băng chương trình hạt nhân của Iran và sẽ kéo dài tới ít nhất 15 năm, thậm chí dài hơn nếu chúng ta đàm phán một thỏa thuận kế tiếp”. “So sánh an ninh quốc gia Mỹ với việc rút khỏi thỏa thuận này là không thuyết phục. Bản thân giới chức quân đội và tình báo Saudi Arabia và Israel đều cho rằng P5+1 nên giữ thỏa thuận”, ông Joe nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.