Thế giới

Ông Trump có ý gì khi điện đàm với lãnh đạo Đài Loan?

05/12/2016, 10:52
image

Động thái này làm dấy lên nghi ngại khả năng ông Trump thay đổi chính sách với Đài Loan và “chọc tức” Trung Quốc.

Tổng thống đắc cử Donald Trump điện đàm

 Tổng thống đắc cử Donald Trump làm dậy sóng châu Á khi có cuộc điện đàm với bà Thái Anh Văn - người đứng đầu Đài Loan (Trung Quốc).

Những ngày cuối tuần qua, Tổng thống đắc cử Donald Trump làm dậy sóng châu Á khi có cuộc điện đàm với bà Thái Anh Văn - người đứng đầu Đài Loan (Trung Quốc). Động thái này làm dấy lên nghi ngại khả năng ông Trump thay đổi chính sách với Đài Loan và “chọc tức” Trung Quốc.

Cuộc điện đàm bất ngờ sau 37 năm

Cuộc điện đàm giữa ông Donald Trump và bà Thái Anh Văn hôm 2/12 vừa qua, đánh dấu lần đầu tiên một Tổng thống đắc cử của Mỹ công khai việc điện đàm với lãnh đạo Đài Loan kể từ năm 1979. Thậm chí, đội chuyển giao quyền lực của ông Trump còn coi cuộc điện đàm này ngang hàng với cuộc điện đàm của các nguyên thủ quốc gia khác, mang ngụ ý ông Trump công nhận bà Thái là lãnh đạo của một quốc gia có chủ quyền, đồng nghĩa Mỹ coi Đài Loan là quốc gia độc lập. Bản thân ông Trump cũng viết trên tài khoản Twitter rằng đã đàm thoại với “Tổng thống Đài Loan”. Tuy ông Trump khẳng định cuộc điện đàm chỉ là chúc mừng thắng cử thông thường, nhưng về mặt thủ tục ngoại giao, đây là chuyện hoàn toàn bất thường, nhất là trong bối cảnh khu vực Đông Á nóng bỏng hiện nay.

Theo New York Times, cuộc điện đàm 10 phút chưa thể làm thay đổi chính sách ngoại giao của Mỹ với Đài Loan nhưng mang ẩn ý, khả năng này có thể xảy ra, khiến phía Trung Quốc và Đài Loan phải “đoán già, đoán non”, đẩy cả cả hai vào thế khó xử. Hiện nay, cả Bắc Kinh và Đài Loan đều cố giảm nhẹ tác động sau cuộc điện đàm. Họ cho rằng, có thể, ông Trump - một người còn non nớt kinh nghiệm chính trường - đã nhầm lẫn khi sử dụng từ ngữ chứ không thay đổi chính sách ngoại giao.

Từ Bắc Kinh, ban đầu, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, thay vì chỉ trích Tổng thống đắc cử Trump, đã chỉ trích Đài Loan “chơi bẩn” nhằm lôi kéo quan hệ với Mỹ. Sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo “phản đối mạnh mẽ” tới “những người có liên quan ở phía Mỹ” - không trực tiếp chỉ thẳng đội chuyển giao quyền lực của Tổng thống Trump. Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi phía Mỹ giải quyết vấn đề Đài Loan tránh những bất ổn không cần thiết trong quan hệ Mỹ-Trung. Tới phần Đài Loan, Cơ quan xây dựng chính sách với Trung Quốc kêu gọi Bắc Kinh nên “bình tĩnh” khi nhìn nhận cuộc gọi giữa ông Trump và bà Thái.

Bản thân Mỹ cũng được phen hoảng hốt. Giới chức Washington khẳng định, đội ngũ của ông Trump không thông báo trước với Nhà Trắng về việc thực hiện cuộc điện đàm. Đồng thời, Người phát ngôn Nhà Trắng khẳng định, không thay đổi “chính sách lâu đời” với Trung Quốc và Đài Loan.

Chính sách mập mờ

Công bằng mà nói, đây không phải lần đầu tiên Mỹ có chút thay đổi trong quan hệ với Đài Loan (Trung Quốc). Theo New York Times, trước ông Trump, nhiều Tổng thống Mỹ đã điều chỉnh chút ít trong mức độ ủng hộ Đài Loan như tăng hoặc giảm kim ngạch xuất khẩu vũ khí với lãnh thổ này. Nhưng khi thay đổi, các chính sách đó thường được đưa ra cùng một lời giải thích rõ ràng để Trung Quốc và Đài Loan hiểu ý định của Mỹ và biết điều gì đã thay đổi, điều gì không.

Lần này khác, ông Trump không nói rõ liệu ông có chấm dứt chính sách với Đài Loan và Trung Quốc suốt 37 năm hay không, báo hiệu cách tiếp cận vấn đề Đài Loan - Trung Quốc rất bất thường dưới thời Tổng thống Trump. Tờ New York Times cảnh báo, trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là các vấn đề căng thẳng, những hành động mập mờ và bất ngờ có thể gây ra bất ổn. Vì nó buộc tất cả các quốc gia/lãnh thổ không biết xoay xở ra sao, buộc phải tính đến kịch bản xấu nhất.

Sự việc với Đài Loan vừa qua chỉ là ví dụ mới nhất trong chuỗi những động thái mập mờ của ông Trump kể từ khi chạy đua Tổng thống đến nay. Chẳng hạn về chính sách nhập cư, ban đầu ông tỏ thái độ rất cực đoan, đòi trục xuất ngay lập tức khoảng 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp. Nhưng trong cuộc phỏng vấn đầu tiên sau đắc cử, ông Trump cho rằng: “Điều chúng ta làm là bắt những người phạm tội, có tiền án, tiền sự, băng nhóm tội phạm, băng đảng buôn thuốc phiện. Nước Mỹ đang tồn tại rất nhiều người như vậy, ước tính khoảng 2 triệu, đến 3 triệu người. Chúng ta phải bắt những kẻ đó ra khỏi đất nước hoặc tống giam chúng”.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.