Thế giới

Ông Trump điều chỉnh nhiều điểm trong sắc lệnh nhập cư mới

22/02/2017, 07:05
image

Sắc lệnh mới sẽ miễn trừ cho những người có thẻ xanh, một điểm vốn gây mơ hồ trong sắc lệnh ban đầu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ký sắc lệnh tị nạn m

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ký sắc lệnh tị nạn mới, bịt lỗ hổng để hạn chế biểu tình và kiện tụng.

Hôm nay (22/2), chính quyền Tổng thống Trump công bố sắc lệnh nhập cư, tị nạn mới với quyết tâm đến cùng để “bảo vệ người dân Mỹ” trong bối cảnh tòa án đang đình chỉ sắc lệnh tị nạn gây tranh cãi đầu tiên.

Sắc lệnh mới có gì khác?

Một nguồn tin cho biết, sắc lệnh này đã được phác thảo xong từ cuối tuần qua. Sắc lệnh mới sẽ bổ sung sửa đổi nhiều vấn đề gây tranh cãi và kiện tụng trong sắc lệnh ban đầu. Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ John Kelly khẳng định: Sắc lệnh tị nạn mới được sắp xếp hợp lý hơn mệnh lệnh Tổng thống trước.

Thứ nhất, hãng tin CNN dẫn lời nhiều nguồn tin cho biết, sắc lệnh mới sẽ miễn trừ cho những người có thẻ xanh (green card) - một điểm vốn gây mơ hồ trong sắc lệnh ban đầu. Thẻ xanh là thẻ xác nhận tình trạng thường trú của một người nước ngoài tại Mỹ. Có hai loại thẻ xanh ở Mỹ: thẻ xanh 2 năm (hay còn gọi là thẻ xanh có điều kiện) và thẻ xanh 10 năm (hay còn gọi là thẻ xanh vĩnh viễn). Thừa nhận việc vội vàng công bố sắc lệnh tị nạn, nhập cư đầu tiên dẫn đến tình trạng hỗn loạn tại các sân bay khắp nước Mỹ cũng như biểu tình rộng khắp, ông Kelly cho biết, lần này, giới chức Mỹ đang từng bước thực hiện sắc lệnh mới tránh gây hỗn loạn.

Tiếp đó, sắc lệnh mới cũng xóa bỏ những nghi ngại khiến Tòa Phúc thẩm vùng thứ 9 chặn sắc lệnh đầu tiên, đó là việc không tôn trọng quyền tố tụng của hành khách. Như vậy, ở sắc lệnh mới, Chính phủ sẽ công bố chi tiết những người nào có thị thực bị hạn chế, đảm bảo không ai từ nước ngoài bị bắt giữ tại sân bay của Mỹ vì không đủ tiêu chuẩn như tình trạng xảy ra khi triển khai sắc lệnh đầu tiên.

Ngoài ra, CNN dẫn một nguồn tin cho biết, gần như các vấn đề được cho là phân biệt tôn giáo trong sắc lệnh mới cũng sẽ được sửa đổi hoặc bỏ hẳn.

Thế nhưng, một điểm nhạy cảm khác đó là liệu sắc lệnh này có cho phép các cơ quan chức năng hủy bỏ thị thực của những người nắm trong tay thị thực không định cư (non-immigrant visa) hay không. Tháng trước, vì sắc lệnh nhập cư đầu tiên, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, hơn 60.000 thị thực loại này bị hủy bỏ. Ông Kelly khẳng định, với sắc lệnh mới, “nếu những người có thị thực này đã ở trên máy bay và trên đường tới Mỹ, họ vẫn được phép nhập cảnh”. Ông Kelly nhấn mạnh, dù là sắc lệnh mới hay cũ, chính quyền chỉ áp dụng trong khoảng thời gian ngắn để xem xét lại mức độ tin cậy của quy trình kiểm tra an ninh đối với một số nước, đặc biệt là 7 nước được nêu tên trong sắc lệnh. Còn hiện nay, tôi có thể khẳng định, những quy trình này không hề đáng tin.

Một vấn đề khác mà nhiều nhà chỉ trích quan tâm cũng ở sắc lệnh thứ hai là thị thực nhập cảnh đặc biệt, loại thị thực được cấp cho những người Afghanistan và Iraq hỗ trợ quân đội Mỹ trong các cuộc chiến ở các nước sở tại (như các phiên dịch viên). Hạ Nghị sĩ Adam Kinzinger của đảng Cộng hòa từng phục vụ quân đội tại Iraq và Afghanistan lo ngại, sắc lệnh mới vẫn cấm những cá nhân này vào đất nước nếu họ không có thẻ xanh.

Vẫn đối mặt với tranh cãi pháp lý

Các tờ báo Mỹ như CNN, USA Today dẫn lời nhiều luật sư cho biết, dù sửa đổi, bổ sung, sắc lệnh mới có thể vẫn đối mặt với tranh cãi pháp lý. Ông Lee Gelernt, luật sư tại Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) đang kiện sắc lệnh thứ nhất ra nhiều tòa án tại New York cho biết, sắc lệnh mới sẽ “tha cho người có thẻ xanh” nhưng cảnh báo vẫn còn nhiều khía cạnh khác trong sắc lệnh này gặp vấn đề về pháp luật.

Tờ USAToday cho rằng, sắc lệnh tị nạn, nhập cư mới chỉ tập trung làm chặt chẽ, bịt các lỗ hổng để những người phản đối khó lòng kiện tụng. Nhưng theo các chuyên gia luật, các bang vẫn có thể kiện sắc lệnh mới vì gây tổn hại cho công dân bang và các trường đại học. Chẳng hạn, một trường đại học trong bang có thể kiện sắc lệnh vì họ không thể tuyển sinh hoặc giảng viên từ Somalia; Hoặc, các cư dân đến từ Yemen có thể kiện vì quyền bảo trợ cho người thân sống ở nước ngoài về Mỹ nghiễm nhiên bị tước bỏ do sắc lệnh.

Nhìn ở khía cạnh khác, luật sư nhập cư David Leopold nhận định, thực tế cho thấy, “việc chính quyền Tổng thống Trump soạn thảo sắc lệnh mới chính là sự thừa nhận rõ ràng rằng chính quyền ông đã trực tiếp vi phạm Luật Nhập cư và Hiến pháp trong sắc lệnh nhập cư, tị nạn đầu tiên”.

Sắc lệnh tị nạn nhập cư đầu tiên mà ông Trump đưa ra vào cuối tháng 1/2017 đó là cấm toàn bộ công dân từ 7 nước Hồi giáo (Iraq, Syria, Iran, Libya, Somalia, Sudan và Yemen) vào Mỹ trong 90 ngày và dừng toàn bộ chương trình tị nạn trong 120 ngày. Kể từ khi được thông báo, sắc lệnh gây ra tranh cãi, biểu tình rầm rộ tại các sân bay khắp nước Mỹ cũng như nước ngoài.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.