Thế giới giao thông

Ông Trump làm cách nào có 1.000 tỉ USD xây hạ tầng giao thông?

17/01/2017, 06:25
image

Hạ tầng giao thông nước Mỹ đang xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng tới an toàn và gây thiệt hại về kinh tế.

tong thong1

 Tổng thống đắc cử Donald Trump muốn chi 1 nghìn tỉ USD cải thiện hạ tầng.

Cải thiện hạ tầng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Tổng thống đắc cử Donald Trump khi ông đang xúc tiến kế hoạch khá tham vọng, nâng cấp và xây mới hạ tầng Mỹ với ngân sách ước tính 1 nghìn tỉ USD.

Thiệt hại 100 tỉ USD/năm vì hạ tầng xuống cấp

Hạ tầng nước Mỹ, đặc biệt là hạ tầng giao thông đang xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng tới an toàn và gây thiệt hại về kinh tế. Đơn cử, đường bộ thiếu bảo trì khiến các tài xế thiệt hại tổng cộng 100 tỉ USD/năm vì chi phí sửa chữa, bảo dưỡng xe. Trung bình, mỗi chủ phương tiện thiệt hại 515 USD/năm - giáo sư Đại học Havard, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers trích báo cáo công bố năm 2015 của TRIP - Tổ chức Nghiên cứu giao thông Quốc gia cho biết.

Theo CNBC, vì nhiều vấn đề, đặc biệt là thiếu ngân sách, hàng loạt siêu dự án hạ tầng của Mỹ được đưa ra và đắp chiếu hàng chục, thậm chí hàng trăm năm. Điển hình, dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm thứ 2 tại New York được đề xuất lần đầu tiên vào năm 1919 và sau gần một thế kỷ mới được mở cửa một phần trong ngày đầu tiên năm 2017. Hạ tầng sân bay nhiều lần rơi xuống đáy các bảng xếp hạng về chất lượng sân bay toàn cầu. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có lần gọi sân bay LaGuardia tại New York là “thế giới thứ ba” và khẳng định việc sửa chữa sân bay đang rất cấp thiết.

Giáo sư Summers nhấn mạnh, tăng cường chi tiêu hạ tầng sẽ thúc đẩy tăng trưởng và năng suất kinh tế. Hệ thống xe buýt, tàu điện ngầm, cầu đường hoạt động hiệu quả không chỉ tạo cơ hội cho giao thương mà còn giúp hoạt động kinh doanh không lọt ra khỏi nước Mỹ.

Vì thế, cải thiện hạ tầng vốn là trăn trở của chính quyền Mỹ từ thời Tổng thống Barack Obama. Và nay, Tổng thống đắc cử Donald Trump, một người nhạy bén về kinh tế, cũng xác định đây là ưu tiên hàng đầu và đề xuất ngân sách lên tới 1 nghìn tỉ USD. Điều đáng nói, hiện nay, nợ công của Mỹ gần chạm ngưỡng 20 nghìn tỉ USD.

Cần 1 nghìn tỉ USD

Donlad Trump và đội cố vấn hiện đang chuộng phương thức kêu gọi đầu tư tư nhân vào các dự án hạ tầng, cụ thể là phương pháp đầu tư công tư (PPP). Theo đó, các công ty sẽ đầu tư vào dự án, xây dựng và bảo trì trong một khoảng thời gian và thu hồi vốn từ việc thu phí hoặc Chính phủ chi trả. Ông Trump khẳng định, việc cho phép tư nhân tham gia vào các dự án sẽ giúp đầu tư nhanh và rẻ hơn so với Nhà nước thực hiện. Để hấp dẫn đầu tư tư nhân, ông Trump sẽ thả “con săn sắt” bằng cách áp dụng tín dụng thuế trị giá 137 tỉ USD để “bắt con cá rô” một nghìn tỉ USD trong 10 năm từ các công ty tư nhân. Thuế tín dụng là loại thuế cho phép các doanh nghiệp được giữ lại tiền thuế phải nộp để đầu tư trở lại phát triển.

Ông Trump cũng kêu gọi cắt giảm các thủ tục rườm rà vốn cản trở các dự án giao thông. Chủ tịch Ủy ban Giao thông Hạ viện Mỹ Bill Shuster chỉ ra rằng, cải tổ quy định hạ tầng là yếu tố quan trọng trong mọi kế hoạch xây dựng, nâng cấp hạ tầng. Theo ông này, có tới hàng trăm quy định liên quan đang cần chính quyền “tỉa tót” để đẩy nhanh tốc độ thực hiện dự án.

Để thực hiện tham vọng, ông Trump chọn bà Elaine Chao, một người gốc Đài Loan làm Bộ trưởng Giao thông. Đây là người phụ nữ gốc Á đầu tiên trong nội các từ thời Tổng thống Bush và tự tin sẽ thực hiện đúng đường lối mà ông Trump vẽ ra cho ngành Giao thông. Bà Chao cam kết sẽ mở cửa, cho phép đầu tư tư nhân vào hạ tầng bằng phương thức đầu tư công - tư. “Chúng ta đều hiểu, Chính phủ không có đủ nguồn lực thực hiện tất cả các dự án. Để các công ty, Quỹ Hưu trí và các nguồn lực tư nhân khác có thể đầu tư vào hạ tầng giao thông và mang lợi ích đầy đủ, chúng ta cần hợp tác với một tầm nhìn mới và táo bạo”, bà Chao nói, theo Vox.

Theo ông Pete Santoro, người điều hành Quỹ Đầu tư hạ tầng toàn cầu Columbia Threadneedle, áp dụng PPP sẽ giúp Chính phủ Donald Trump có thể dễ dàng đầu tư mà không phải tăng nợ công. Nếu Chính phủ kêu gọi đầu tư tư nhân vào hạ tầng sẽ là một mũi tên trúng nhiều đích. Về lý thuyết, nếu đầu tư một đồng vào hạ tầng sẽ giúp kinh tế sinh lời khoảng 3-5 đồng. Qua đó, các công ty đầu tư có thể thu lợi nhuận, tạo công ăn việc làm, trả thuế…

Tuy nhiên, giáo sư Lawrence Summers lại có cái nhìn khác: “Đề xuất dùng tín dụng thuế để đầu tư hạ tầng không phải là ý tưởng hay và không giải quyết được vấn đề”, không khác gì việc Chính phủ đi vay và trả dài hạn, chỉ khác là cách thức phức tạp hơn. Ông Summer kêu gọi Chính phủ tự chi ngân sách và thu các loại phí như phí đường cao tốc, phí tắc đường để đầu tư ngược vào hạ tầng, theo BusinessInsider.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.