Thế giới

Ông Trump ngụ ý giải quyết vấn đề Triều Tiên bằng chiến tranh?

09/10/2017, 06:45

Nhiều nhà phân tích Mỹ cho rằng, hành động quân sự với Triều Tiên đã ở trong đầu vị chủ nhân Nhà Trắng.

5

Trong bối cảnh hiện nay, việc xảy ra chiến tranh Mỹ - Triều được dự đoán là “khả năng thực sự có”

“Khẩu chiến” giữa lãnh đạo Mỹ - Triều

Ngày 8/10, theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng tải trên Twitter rằng: “Các đời Tổng thống trước và chính quyền Mỹ đã giải quyết vấn đề Triều Tiên suốt 25 năm nay. Nhiều thoả thuận được đưa ra, phải chi rất nhiều tiền… Nhưng tất cả đều không hiệu quả. Các thoả thuận bị vi phạm khi còn chưa ráo mực, làm bẽ mặt các nhà đàm phán Mỹ. Xin lỗi! Nhưng chỉ có một cách duy nhất có hiệu quả mà thôi!”.

Ông Trump không nói rõ điều ông muốn đề cập tới là gì nhưng theo các nhà phân tích Mỹ, qua chia sẻ này có thể hiểu rằng, hành động quân sự với Triều Tiên đã ở trong đầu vị chủ nhân Nhà Trắng. Điều này không ngạc nhiên vì Tổng thống Trump có lần nói, Mỹ sẽ “phá huỷ hoàn toàn” Triều Tiên nếu cần để bảo vệ nước Mỹ cùng các đồng minh khỏi mối đe doạ hạt nhân từ Bình Nhưỡng, báo Reuters cho hay.

Triều Tiên thay đổi nhiều nhân sự quan trọng

Theo truyền thông quốc gia Triều Tiên, tại cuộc họp Bộ Chính trị cuối tuần qua, các quan chức cấp cao cũng quyết định một số thay đổi về nhân sự. Đáng chú ý, em gái ông Kim là bà Kim Yo-jong đã được đề bạt làm Ủy viên dự khuyết của Bộ Chính trị, trở thành nhân vật trẻ nhất trong cơ quan có ảnh hưởng mạnh nhất ở Triều Tiên. Cô gái 28 tuổi đã được bổ sung thay thế vào vị trí của người dì Kim Jyong Hee - từng là người đưa ra các quyết sách quan trọng khi cựu lãnh đạo Kim Jong-il còn sống. Hai nhân vật khác vốn đóng vai trò quan trọng trong chương trình tên lửa hạt nhân của Triều Tiên là ông Kim Jong-sik và Ri Pyong Chol cũng được thăng chức. Ngoại trưởng Ri Yong-ho từng chỉ trích ông Donald Trump là “Tổng thống ác quỷ” trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng trước, đã trở thành Ủy viên chính thức Bộ Chính trị.

Một động thái khác của ông Trump khiến dư luận củng cố thêm nghi vấn trên đó là, trong cuộc họp đầu tuần qua với các lãnh đạo quân đội cấp cao, ông Trump chia sẻ với cánh báo chí rằng, tình hình lúc này đang là “bình yên trước giông bão”. Sau đó, khi được yêu cầu làm rõ ý nghĩa, ông Trump nói: “Rồi các bạn sẽ hiểu thôi”.

Theo người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders, bình luận trên của ông Trump là nhắc tới Iran và Triều Tiên. Về phía Bộ Quốc phòng (Lầu Năm Góc), khi được hỏi về phát ngôn từ Nhà Trắng và Tổng thống, Bộ này khẳng định công việc của họ là “nêu ra các sự lựa chọn về quân sự cho Tổng thống và thực hiện mệnh lệnh”.

Chỉ vài giờ sau bình luận của Tổng thống Trump, truyền thông Triều Tiên cũng đăng tải các phát ngôn mạnh mẽ từ Chủ tịch Kim Jong-un về vấn đề hạt nhân. Trong bài phát biểu trước cuộc họp của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Triều Tiên nói, Bình Nhưỡng đang đối mặt với tình hình quốc tế phức tạp.

Vũ khí hạt nhân của nước này là “biện pháp phòng vệ mạnh mẽ chắc chắn dùng để bảo vệ hoà bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á”, ông Kim nói và đề cập tới “các mối đe doạ hạt nhân tăng cao từ đế quốc Mỹ”.

Tình hình hiện nay đã chứng minh rằng chính sách phát triển song hành cả vũ khí hạt nhân và kinh tế (được gọi theo tiếng Triều “byungjin”) là “hoàn toàn đúng đắn”. “Năm nay, kinh tế toàn quốc đã tăng trưởng dựa trên sức mạnh của chúng ta bất chấp các lệnh trừng phạt leo thang”, Chủ tịch Kim nói và nhắc tới các lệnh trừng phạt từ Liên hợp quốc đang có hiệu lực nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân, tên lửa của Bình Nhưỡng.

Chiến tranh là “khả năng thực sự có”

Trong bối cảnh hiện nay, việc xảy ra chiến tranh Mỹ - Triều được dự đoán là “khả năng thực sự có”. Một báo cáo của Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) vừa được công bố, đã nhận định: Triều Tiên có thể tấn công trước nếu họ tin rằng Mỹ đang lên kế hoạch tấn công bất ngờ, hoặc Washington có thể tấn công phủ đầu nếu Bình Nhưỡng thử tên lửa gần Guam hay California.

“Dù báo cáo không cho rằng sẽ xảy ra chiến tranh nhưng khả năng chiến tranh nổ ra là viễn cảnh thực sự. Một khi cuộc chiến xảy ra, nó sẽ là cuộc chiến kéo dài”, Phó giám đốc RUSI Malcolm Chalmers cho biết. Báo cáo ước tính, “thương vong trong một cuộc xung đột như vậy có thể lên tới tới hàng trăm nghìn người, kể cả khi không có vũ khí hạt nhân”. Ngoài ra, nó cũng đe doạ để lại “những hậu quả sâu xa với nền kinh tế toàn cầu, liên quan tới sự gián đoạn chuỗi cung ứng và thị trường”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.