Thời sự Quốc tế

Ông Trump trao quà mơ ước cho Israel, chọc giận cả thế giới

28/03/2019, 13:45

Việc Mỹ công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan là món quà mơ ước mà Thủ tướng Netanyahu nhận được.

img
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cầm quyết định về Cao nguyên Golan tại Nhà Trắng

Việc Mỹ công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan là món quà mơ ước mà Thủ tướng Netanyahu nhận được, đúng vào thời điểm chỉ 3 tuần trước cuộc bầu cử quyết định vận mệnh chính trị của ông này.

Chiến thắng lớn vào thời điểm hoàn hảo

Đối với Thủ tướng Israel, đây không chỉ là món quà vô cùng quan trọng, mà còn vào thời điểm hoàn hảo, ngay trước cuộc bầu cử ngày 9/4 tại Jerusalem.

Niềm vui này được ông Netanyahu thể hiện bằng những lời ca ngợi Tổng thống Mỹ Donald Trump, ví ông chủ Nhà Trắng với “những người bạn lớn” trong lịch sử dân tộc Do Thái như: Tổng thống Mỹ Harry S Truman (người đã công nhận Israel) và vua Ba Tư Cyrus Đại đế (anh hùng giải phóng người Do Thái ở Babylon).

“Quyết định công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan của Tổng thống Trump có ý nghĩa lịch sử”, ông Netanyahu nói với người đứng đầu Nhà Trắng và cho biết thêm rằng, sự công nhận của Hoa Kỳ là hành động “công lý mang tính lịch sử”.

Theo ông Netanyahu, Israel đã giành được Cao nguyên Golan trong một cuộc chiến tranh kéo dài 6 ngày năm 1967 và nguồn gốc của người Do Thái ở Cao nguyên Golan đã tồn tại hàng nghìn năm.

Giống với việc ông Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, động thái mới lần này mang tính biểu tượng nhiều hơn ý nghĩa pháp lý. Nhưng, trước ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ, sự thừa nhận của Washington sẽ tạo ra ít nhiều tính chính danh cho chính sách chiếm đất gây tranh cãi của Israel và giúp tăng cao vị thế của Thủ tướng Israel trong lòng cử tri Do Thái.

Rõ ràng, đây là bước đi khôn ngoan của ông Netanyahu, nhằm sử dụng ảnh hưởng của Tổng thống Mỹ khi đang phải đối mặt với thách thức bất ngờ trong cuộc bầu cử ngày 9/4 từ đối thủ có chủ trương ôn hòa Benny Gantz, người cũng đến Washington tham dự hội nghị thường niên Ủy ban Công vụ Mỹ - Israel (AIPAC).

img
Hàng rào ngăn cách biên giới Israel - Syria tại Cao nguyên Golan

Cộng đồng quốc tế đồng loạt phản đối

Nhưng việc Tổng thống Trump ký sắc lệnh công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan đã không được các nước ủng hộ. Liên hợp quốc (LHQ) và các nước đồng minh của Mỹ như Pháp và Anh ngày 25/3 đều lên tiếng tuyên bố vẫn xem Cao nguyên Golan là khu vực bị Israel chiếm đóng theo các nghị quyết của LHQ.

Trình bày quan điểm của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đối với động thái trên của Mỹ, người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric ngày 25/3 khẳng định, chính sách của LHQ đối với Cao nguyên Golan chưa thay đổi và điều này đã được phản ánh trong các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an LHQ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng, tuyên bố của ông Trump đã bỏ qua mọi thủ tục quốc tế và có thể thúc đẩy một làn sóng căng thẳng mới ở Trung Đông.

Bộ này cũng cho biết, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã điện đàm với người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo và nói rằng, quyết định của Hoa Kỳ là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, ngăn chặn giải quyết khủng hoảng Syria và làm trầm trọng thêm tình hình ở Trung Đông.

Syria đã tố cáo quyết định của Washington là cuộc tấn công trắng trợn vào chủ quyền lãnh thổ đất nước này, trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu chỉ trích ông Trump việc tặng “món quà bầu cử” cho Thủ tướng Netanyahu.

Cao nguyên Golan được đánh giá là vùng đất chiến lược, với địa hình cao có thể quan sát cả Syria và thung lũng Jordan. Và đối với Israel, đây là “vùng đệm” giúp họ phòng thủ trước các mối đe dọa từ Iran và các đồng minh của Iran ở Syria.

Israel đã sáp nhập khu vực chiến lược này vào lãnh thổ năm 1981, sau khi chiếm đóng phần lãnh thổ của Syria từ năm 1967, nhưng không giành được sự ủng hộ quốc tế nào. Hội đồng Bảo an LHQ thông qua Nghị quyết 497 để lên án hành động chiếm đất của Syria và gọi đây là hành động vi phạm luật quốc tế. Nghị quyết cũng yêu cầu Israel rút lại quyết định này.

Cả Tel Aviv và Damascus đã cùng nhau tham gia nhiều vòng đàm phán về Cao nguyên Golan, bao gồm các cuộc gặp kín kéo dài đến tận năm 2010 để đi đến việc Israel rút hoàn toàn khỏi vùng lãnh thổ này. Tuy nhiên, cuộc nội chiến Syria nổ ra năm 2011 khiến tiến trình đàm phán gián đoạn.

Ông Eric Goldstein, Phó giám đốc phụ trách khu vực Trung Đông và Bắc Phi tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết, ông Trump dường như muốn hủy hoại luật pháp quốc tế để bảo vệ những người sống ở vùng Cao nguyên Golan bị chiếm đóng.

Theo ông Goldstein, quyết định này có thể làm thúc đẩy các quốc gia gia tăng sự chiếm đóng các vùng đất, khu định cư và cướp bóc tài nguyên của dân thường, từ đó dẫn đến sự hỗn loạn toàn cầu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.