Thế giới

Ông Trump tuyên bố rút khỏi TPP, Nhật sẽ thay Mỹ dẫn đầu?

23/11/2016, 05:59
image

TPP là “thảm họa tiềm ẩn” đối với nước Mỹ và cướp đi công ăn việc làm của người dân Mỹ.

2 Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ rút k

 Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi TPP

Hôm qua, theo BBC, ông Donald Trump - Tổng thống mới đắc cử của Mỹ có tuyên bố gây chấn động thế giới: Trong ngày đầu tiên nhậm chức (20/1/2017), ông sẽ ký sắc lệnh hành pháp rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tổn thất cho chính nước Mỹ

Lý do được ông Trump đưa ra, TPP là “thảm họa tiềm ẩn” đối với nước Mỹ và cướp đi công ăn việc làm của người dân Mỹ. “Thay vì TPP, chúng ta sẽ đàm phán các thoả thuận thương mại khác công bằng, song phương”, ông Trump nói.  Simon Rabinovitch, Biên tập viên kinh tế châu Á tại Tạp chí Economist cho rằng: “Tuyên bố của ông Trump không gây ngạc nhiên, nhưng sẽ gây thất vọng. Bởi, động thái rút khỏi TPP của ông Trump đã… “giết chết” một công trình được gây dựng suốt thập kỷ qua”.

Lập tức, ngay sau tuyên bố của ông Trump, các quốc gia thành viên TPP đã lên tiếng. Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull khẳng định, quan điểm của nước này đối với TPP không thay đổi. “Thời gian sẽ trả lời về việc phát triển của TPP. 11 quốc gia còn lại ủng hộ rất mạnh việc phê chuẩn và tìm cách đưa TPP vào cuộc sống. Bởi vậy, ông Trump và nội các mới của ông sẽ phải cân nhắc về lợi ích của Mỹ. Rõ ràng, Australia sẽ được lợi nhiều hơn từ việc tiếp cận hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu cùng với các thị trường lớn”.

Thủ tướng New Zealand Johnkey thì “thẳng thắn” nhắn gửi với Tổng thống Mỹ rằng: “Nước Mỹ không phải là một… ốc đảo. Họ không thể chỉ ngồi đó và nói không quan tâm tới thương mại ở phần còn lại của thế giới, họ sẽ phải xem xét lại một số điểm trong vấn đề này”. Còn đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama, người đã dồn nhiều tâm huyết cho TPP nói: “Tôi đã gặp gỡ với các nguyên thủ quốc gia trong khuôn khổ Hội nghị APEC (được tổ chức từ ngày 17-20/11). Tất cả đều bày tỏ mong muốn thúc đẩy TPP. Nếu Mỹ rút khỏi TPP, đây sẽ là một tổn thất lớn cho chính kinh tế Mỹ. Nếu Mỹ ngừng thúc đẩy TPP, điều đó sẽ làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, ông Obama nói.

Deborah Elms, Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại châu Á nói: “Đây là một tin rất buồn. Nó đồng nghĩa với việc chính sách xoay trục và thương mại của các nhà lãnh đạo Mỹ tới châu Á đã kết thúc. Trong một thời điểm mà tăng trưởng kinh tế chậm như hiện nay, thế giới lại phải chứng kiến việc nền kinh tế lớn nhất đang… thu mình lại”.

Nhật sẽ thay Mỹ dẫn đầu TPP?

Tờ The Times dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Priztker cho biết: Mỹ đóng vai trò dẫn đầu trong TPP. Ở vị trí này, Mỹ nhận được không chỉ lợi ích về mặt kinh tế mà còn cả trong an ninh quốc gia. Nếu không thúc đẩy hoàn tất thỏa thuận, liệu các nước khác có tiếp tục hợp tác với Mỹ như trước nữa hay không? Không chỉ vậy, là nước dẫn đầu, Mỹ cũng là bên được hưởng lợi nhiều nhất từ thỏa thuận này. Ước tính, Mỹ sẽ thu được lợi ích kinh tế hàng năm khoảng 57 - 131 tỷ USD, tờ Financial Review nhận định.

Theo Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, TPP chỉ có thể có hiệu lực khi được 6 nước trong nhóm (chiếm 85% sản lượng kinh tế trong hiệp ước) thông qua. Là nền kinh tế khổng lồ, phần đóng góp của Mỹ mang tính quyết định. “TPP không có Mỹ, đồng nghĩa nó sẽ trở thành một thỏa thuận mới. Có nghĩa là, 11 đối tác sẽ phải ngồi lại, bàn bạc và ký một thỏa thuận với những điều khoản mới. Và việc này không hề dễ dàng (trong bối cảnh thế giới đang trải qua nhiều biến đổi về kinh tế và thị trường)”, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhận định. Trước đó, 12 nước phải mất 8 năm mới có thể đi đến thỏa thuận TPP, nay nếu Mỹ rút, các nước thành viên sẽ tiếp tục mất thêm nhiều năm nữa để đàm phán lại và đi tới thỏa thuận.

Hôm qua, ngay sau khi ông Trump tuyên bố ý định rút Mỹ khỏi TPP, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tiết lộ, Nhật Bản có kế hoạch vận động hành lang các thành viên TPP để nước này thay Mỹ đảm nhiệm vị trí dẫn đầu thỏa thuận, đưa thỏa thuận có hiệu lực trong thời gian sớm nhất có thể.

Trước đó, Japan Times dẫn lời bà Mireya Solis đến từ Trung tâm Brookings Nghiên cứu chính sách Đông Á có trụ sở tại Washington: Nhật Bản có thể đảm nhiệm vai trò dẫn đầu trong tái đàm phán TPP. TPP tạo ra những quy định chưa từng có về thương mại và đầu tư, mà đây là những quy định giúp củng cố “lợi ích kinh tế” và bảo vệ “dây chuyền cung cấp toàn cầu” của Nhật. Nếu trong tương lai, ông Trump rút khỏi TPP và lựa chọn đàm phán thương mại song phương với Nhật thì Nhật càng được củng cố sức mạnh đàm phán đưa TPP sớm có hiệu lực.

Việt Nam được và mất gì?

Trao đổi với Báo Giao thông, ĐBQH, TS. Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho rằng, Việt Nam không chỉ ký một TPP mà đã ký rất nhiều hiệp định thương mại với nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là liên minh kinh tế Á - Âu, thị trường mà chúng ta đang có quan hệ tốt. Ngay cả cộng đồng kinh tế ASEAN, chúng ta vẫn còn chưa khai thác hết.

Thực sự là tôi không thấy đáng tiếc nếu TPP không được thực hiện. Quá trình chuẩn bị cho TPP của Việt Nam rất chậm và bản thân sự chuyển dịch của các DN cũng vậy. Tới giờ phút này, khi hỏi DN về TPP, nhiều trường hợp còn chưa rõ là gì. Lợi thế khi vào TPP lớn nhất của Việt Nam là ngành may mặc, nhưng ngành này của ta lại là may mặc gia công; Thiệt hại lớn nhất là ngành nông nghiệp. Nếu TPP tạm dừng thì đây là cơ hội cho cả hai để có thêm thời gian chủ động chuẩn bị.

Trong khi đó, theo TS. Đinh Tuấn Minh - Đồng sáng lập Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), hiện còn quá sớm để bàn tới việc điều chỉnh thị trường xuất khẩu. Các DN Việt Nam cũng nên tìm đối tác mới cho sản phẩm của mình, không thể kỳ vọng vào một TPP. Nếu ông Trump có kế hoạch ký hiệp định tự do thương mại song phương với Việt Nam thay cho TPP, cũng phải mất hai năm nữa mới thực thi được.

Theo quan điểm của tôi, tình hình thế giới sẽ luôn biến động, phụ thuộc vào bước đi chính trị và những người cầm quyền các nước trong từng giai đoạn. Các tác động khác như suy thoái kinh tế trong bối cảnh hiện nay cũng khó lường trước được. Do đó, đối với một quốc gia thì phải xây dựng nội lực tốt nhất để có vị thế tốt trong đàm phán giúp quốc gia phát triển, cải thiện môi trường kinh doanh trong nước, cải thiện hạ tầng, nhân lực, hệ thống tài chính... Ở Việt Nam, nếu chúng ta thực hiện tốt những điều lâu nay Chính phủ vẫn theo đuổi là tái cơ cấu, định hướng phát triển Nhà nước kiến tạo... thì sẽ không bị tác động nhiều.

Hoài Thu- Cao Sơn (ghi)

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.