Xã hội

Ông trưởng thôn với duyên nghiệp đưa trẻ đến trường

09/10/2016, 06:06
image

“Đây là việc làm rất thiết thực và ý nghĩa cho học sinh, nhà trường, phụ huynh đều rất ủng hộ”, cô Khanh nói.

Ông Khánh xe ngựa coi việc đưa đón trẻ hàng ngày l

Cựu chiến binh Đoàn Thế Khánh bên chiếc xe ngựa tự chế đưa trẻ tới trường. Ảnh: Trần Hồ

Bao năm qua, cựu chiến binh (CCB) Đoàn Thế Khánh đồng thời là Trưởng thôn Đại Duy vẫn miệt mài với công việc đưa đón miễn phí học sinh tới trường trên xe ngựa.

“Ông Khánh xe ngựa”

Tìm về thôn Đại Duy (xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên), hỏi thăm nhà trưởng thôn Đoàn Thế Khánh, ai cũng chỉ dẫn nhiệt tình và gọi ông bằng cái tên thân thương “ông Khánh xe ngựa”.

Gặp “ông Khánh xe ngựa” trong căn nhà cấp 4, ông bộc bạch, với ông, niềm vui, niềm hạnh phúc của tuổi già là vẫn được cống hiến, được lao động và ngắm nhìn nụ cười trẻ thơ. “Được đưa đón bọn trẻ, nghe chúng chuyện trò, vui lắm”, ông Khánh nói.

Sinh ra trong một gia đình có cha, anh và chị gái đều là liệt sĩ, học xong cấp 3, ông Khánh lên đường nhập ngũ rồi vào Nam chiến đấu. Năm 1973, ông trở về làm việc tại Bộ Tư lệnh Quân khu 3 và được cử đi đào tạo ở nước ngoài chuyên ngành kỹ sư.

Năm 1982, ông về hưu sum vầy bên con cháu. Ngày ngày chứng kiến cảnh các cháu nhỏ trong làng, xã đội nắng mưa đi bộ tới trường cách xa hàng cây số, ông không đành lòng. “Có lần tôi đưa cháu đi học, chứng kiến các cháu nhỏ không được bố mẹ đưa đón, một mình sang đường rất nguy hiểm, tôi rất trăn trở. Rồi một lần xem tivi thấy trong Đà Lạt người ta chở khách bằng xe ngựa, mỗi chuyến cũng chở được gần 20 người lại đảm bảo an toàn và phù hợp với địa hình làng xóm, tôi bèn bàn với vợ gom góp hơn 30 triệu đồng để thực hiện ý tưởng của mình”, ông Khánh kể.

Một mình ông bắt xe ngược lên Sơn La, qua nhiều bản làng để tìm ngựa tốt. Mấy ngày lùng sục khắp bản làng, rồi nhờ cả bạn bè thân quen, ông đã kiếm được chú “chiến mã” khỏe mạnh giá 25 triệu đồng. Có ngựa rồi, ông phải nhờ con, cháu lên mạng tìm cách thuần ngựa và chăm sóc sao cho chú ngựa nhanh thích ứng được với địa hình, thời tiết đồng bằng, huấn luyện cho “chiến mã” thuần để kéo xe an toàn.

Hết lòng vì trẻ thơ

Ông Khánh kể, thời gian đầu, bà con thấy ông bỏ ra mấy chục triệu đồng để chế xe ngựa, nhiều người nói ông điên, rảnh việc. Nhưng ông bỏ ngoài tai, quyết tâm theo ý tưởng của mình, đến giờ xe ngựa đã gắn bó với ông ngót 4 năm.

“Xe ngựa của tôi có thùng xe rộng 2m, dài 4m, xung quanh có chốt khóa an toàn, bậc lên xuống riêng biệt thuận tiện cho việc quản lý trẻ, mái che nắng, che mưa kín đáo. Xe có cả đèn xinhan, còi báo hiệu, phanh xe như phanh ôtô. Trên xe, tôi đóng 5 hàng ghế, mỗi hàng 6 ghế, có thể chở được khoảng 30 học sinh. Hồi đầu, tôi chỉ dùng xe để đưa con cháu trong nhà đi học, sau người dân thấy thuận tiện lại an toàn, nên gửi con nhờ tôi đưa đến trường, tất cả đều miễn phí. Hàng ngày, các phụ huynh trong thôn lại mang cỏ tới nhà góp sức cùng gia đình tôi nuôi ngựa khỏe mạnh để đưa các cháu tới trường”, ông Khánh nói.

Suốt 4 năm qua, đều đặn mỗi ngày, ông Khánh đưa đón ít nhất 8 lượt xe cho cả các cháu mầm non và tiểu học trên quãng đường 5km đường thôn, xã. Tiếng trẻ cười đùa, nhẩm bài xen lẫn tiếng lộc cộc từ bước chân của ngựa đã trở nên quen thuộc với người dân thôn Đại Duy.

Do tuổi cao, ông Khánh vừa quyết định bán chiếc xe ngựa chở học sinh, mua chiếc xe ôtô 16 chỗ ngồi và giao cho một người cháu là Nguyễn Văn Đăng (cùng thôn, làm nghề chở vật liệu xây dựng) có bằng lái xe làm tài xế đưa học sinh tới trường miễn phí.

Cô Lê Thị Khanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Đoàn Đào cho biết, rất kính trọng và nể phục ông Khánh vì đã dành tiền bạc, công sức cho trẻ thơ. “Đây là việc làm rất thiết thực và ý nghĩa cho học sinh, nhà trường và phụ huynh đều rất ủng hộ”, cô Khanh nói.

Ông Hoàng Hải Bình, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Hưng Yên cho biết, xe ngựa do ông Khánh thiết kế là loại hình phương tiện dùng súc vật kéo dùng để phục vụ dân sinh, trên các tuyến đường vẫn có phần đường dành cho loại xe này lưu thông dài hơn 1,5m ở gần lề đường.

“Đây là một mô hình tốt, nhất là khi ông Khánh sử dụng để đưa đón học sinh tới trường miễn phí. Hơn nữa, vì sử dụng sức kéo của súc vật nên tốc độ di chuyển chậm nên cũng đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, áp dụng đối với địa hình miền núi thì mô hình phương tiện này sẽ phù hợp hơn”, ông Bình nói.

>>> Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.