Xã hội

Ông Võ Văn Thưởng: Xử phạt báo chí - sự đau lòng cần thiết

18/01/2017, 21:14
image

Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng khẳng định xử phạt báo chí là điều không ai muốn, nhưng cần thiết.

9

Ông Võ Văn Thưởng phát biểu tại hội nghị

Chiều 18/1, Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ TT&TT cùng Hội Nhà báo VN tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc, tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017.

Mạng xã hội tạo thách thức lớn cho báo chí

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo nhận định, các cơ quan báo chí đã thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện về đời sống chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế, là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, thiếu sót, khuyết điểm như thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích. Tình trạng thông tin phiến diện, không cân bằng chưa được khắc phục, đăng tải nhiều tin tiêu cực, giật gân, câu khách... Tuy thông tin thiếu nhạy cảm chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân đã giảm đáng kể nhưng vẫn còn xảy ra và gây tác động xấu đến dư luận xã hội, là kẽ hở để báo chí nước ngoài, trang tin điện tử của các thế lực chống đối lợi dụng để xuyên tạc…

Theo Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN Hồ Quang Lợi, báo chí hoạt động dựa trên nền tảng của đạo đức và luật pháp, hai vấn đề này không thể tách rời nhau. Ông Lợi cho rằng, mạng xã hội phát triển với tốc lực lớn đang tạo ra những cơ hội cùng với những thách thức vô cùng gay gắt đối với báo chí. Cũng từ đây, thực trạng vi phạm đạo đức nghề báo, xa rời chuẩn mực truyền thống ngày càng đáng lo ngại. “Không thể chối bỏ một thực tế là những năm gần đây, có một bộ phận người làm báo đã vi phạm những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, tha hóa. Những con số về cơ quan báo chí, nhà báo vi phạm bị xử phạt, xử lý kỷ luật và tước thẻ cho thấy rõ thêm vấn đề đạo đức người làm báo đã đến mức báo động”, ông Lợi nói và nhấn mạnh, trầm trọng nhất chính là vi phạm tính chân thực của báo chí.

Ông Lợi cũng thẳng thắn nêu thực trạng một số nhà báo “ảo tưởng” về nghề nghiệp, lợi dụng nghề để vụ lợi, “đánh hội đồng”, dọa dẫm, ép doanh nghiệp, để kẻ xấu lợi dụng… Theo ông, khi người làm báo không được rèn luyện, tu dưỡng trong môi trường nghề nghiệp chuẩn mực thì dẫn đến năng lực thẩm định, nhìn nhận vấn đề cũng kém cỏi, dễ thỏa hiệp, phán xét hồ đồ, thiếu phẩm chất dấn thân… dễ dẫn đến sai phạm từ nhỏ tới mức nghiêm trọng.

Thông tin sai lệch, báo chí sẽ mất vị trí

Ghi nhận sự đồng hành của báo chí với Chính phủ trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ những thách thức mà báo chí đang phải đối mặt, nhất là khi phần lớn các báo không có nguồn bao cấp, trong khi vẫn phải lo toan về kinh tế, chăm lo đời sống cho cán bộ, phóng viên. “Tôi mong rằng, báo chí nước nhà sẽ luôn giữ được lòng tin của cộng đồng, của xã hội và của nhân dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng khẳng định, trong năm qua, báo chí đã vượt khó, đóng góp vào những thành tựu chung của đất nước, hoạt động báo chí cũng như công tác chỉ đạo, quản lý báo chí cũng đã có những bước tiến mới. Với việc xử lý mạnh tay một số cơ quan báo chí, nhà báo sai phạm trong năm 2016, ông Thưởng cho rằng, đó là việc không ai muốn, nhưng phải làm, là “sự đau lòng cần thiết” để làm trong sạch hoạt động báo chí hiện nay.

Đề cập đến những thách thức của báo chí trong năm 2017, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp sẽ tác động toàn diện đến cách thức, phương tiện, thói quen tiếp cận và tìm kiếm thông tin của tất cả mọi người. Vì thế, đội ngũ người làm báo cần phải cập nhật kiến thức, công nghệ, kỹ năng làm báo hiện đại; Với các cơ quan báo chí đó là việc thay đổi mô hình quản lý tòa soạn, tiếp cận phù hợp và hiệu quả với bài toán kinh tế báo chí. “Đặc biệt là sự tác động của doanh nghiệp, nhóm lợi ích đến hoạt động báo chí. Đây là vấn đề lớn hiện nay đối với hoạt động cũng như quản lý, chỉ đạo báo chí mà vụ nước mắm nhiễm thạch tín vừa qua là một ví dụ điển hình”, ông Thưởng lưu ý.

Khẳng định xu hướng báo in thu hẹp và phát triển báo điện tử là tất yếu, nhưng ông Thưởng cho biết tới đây cơ quan chức năng sẽ tiến hành rà soát, xử lý thỏa đáng hoạt động của báo điện tử, các phụ trang báo điện tử, vấn đề bán kênh, bán sóng trên phát thanh - truyền hình, bán măng-sét với báo in; xem xét sự chi phối của các công ty truyền thông, quảng cáo đối với hoạt động báo chí. “Việc này khó, mất thời gian nhưng không thể không làm. Để lâu sẽ khó làm và ảnh hưởng đến nền báo chí đất nước”, ông Thưởng nói.

Năm 2016, phạt cơ quan báo chí vi phạm 3,6 tỷ đồng

Theo báo cáo từ Bộ TT&TT về kết quả xử lý vi phạm của báo chí, năm 2016, Bộ TT&TT đã tiến hành thanh, kiểm tra 14 cơ quan báo chí và 11 tổ chức liên quan đến hoạt động truyền hình trả tiền, xử phạt 139 trường hợp với số tiền hơn 3,6 tỷ đồng. Đáng lưu ý, qua công tác thanh, kiểm tra cho thấy, sai phạm chủ yếu của báo chí trong năm 2016 là thông tin sai sự thật (75 trường hợp). Trong đó, có trường hợp thông tin sai sự thật gây phương hại đến lợi ích quốc gia, bị xử phạt mức 200 triệu đồng (Báo Thanh Niên trong vụ nước mắm). Trong năm 2016, Bộ TT&TT cũng ra quyết định đình bản tạm thời 3 tháng đối với 4 cơ quan báo chí có sai phạm, thu hồi giấy phép 1 cơ quan. Cùng đó, Bộ ban hành quyết định thu thẻ 13 nhà báo do có sai phạm và bị kỷ luật. Năm 2016, Hội Nhà báo Việt Nam đã xóa tên 313 hội viên vì những lý do khác nhau, khai trừ 2 hội viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, pháp luật.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.