Xã hội

Ông xe ôm chuyên giành mạng sống với thần chết

12/01/2020, 07:00

Hơn 30 năm qua, ông Huỳnh Phước Hùng miệt mài làm công việc “bao đồng”: Lấy nhà làm “trạm 115” sơ cứu người bị TNGT và “nhặt” tử thi....

img
Ông Huỳnh Phước Hùng có hơn 33 năm làm tình nguyện viên cứu người bị tai nạn thương tích

Tiền trạm 115, lăn xả việc “bao đồng”

Điểm sơ cấp cứu Hòa Phát là một trong số 22 điểm sơ cấp cứu trên toàn thành phố, góp phần tạo hiệu quả trong việc ứng cứu, giúp đỡ người bị tai nạn thương tích, đặc biệt là bị TNGT. Ông Hùng là một trong những tấm gương bình dị cao quý đó, những tình nguyện viên không được hưởng bất kỳ một chế độ, chính sách trợ cấp gì nhưng tất cả đều hoạt động đầy trách nhiệm vì nghĩa cử cao đẹp. Mô hình sơ cấp cứu này đã và đang được Ban ATGT Đà Nẵng nhân rộng, góp phần giảm thiệt hại sau các vụ TNGT.
Bà Lê Thị Như Hồng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Đà Nẵng

“Cứu!, cứu với!”… Vừa nghe tiếng người kêu thất thanh khu vực chân cầu vượt Hòa Cầm (Đà Nẵng), ông Huỳnh Phước Hùng (60 tuổi, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) vội chạy đến, luồn vào đám đông người dân đang đứng nhìn sau vụ TNGT thảm khốc, lấy dụng cụ y tế từ túi cứu thương đeo sẵn, sơ cứu 2 người phụ nữ đang nằm bất động trên vũng máu sau vụ TNGT với xe bồn chở bê tông.

Vụ việc xảy ra vào ngày đầu đông tháng 11/2019, nạn nhân sau đó được xác định là Phan Thị T. (56 tuổi) tử vong vì chấn thương quá nặng. Còn bà Ngô Thị C. bị đa chấn thương, được ông Hùng sơ cứu kịp thời trước khi xe cứu thương 115 đến đưa vào cơ sở y tế điều trị.

Hình ảnh ông Hùng lặng lẽ lấy chiếc hộp xốp, đề dòng chữ “thùng quyên góp” cho nạn nhân xấu số đặt bên vệ đường Trường Chinh ngày đó gây xúc động với mọi người.

Khoảng 1 giờ sau, ông cầm toàn bộ số tiền mọi người quyên góp trao cho người nhà nạn nhân và cùng họ đưa thi thể người xấu số về lo hậu sự.

Nhắc đến ông Hùng, chị Hoàng Anh, cán bộ Hội Chữ thập đỏ TP Đà Nẵng cười hiền: “Chú Hùng luôn làm những việc mà không phải ai cũng dám làm. Ở đâu có người cần giúp đỡ, cứ “a lô” là chú đều có mặt, bất kể ngày đêm, mưa nắng”.

Không phải người thân thích, chẳng hề quen biết, nhưng cứ xảy ra các vụ TNGT quanh khu vực, người dân lại thấy bóng ông Hùng lăn xả đến làm việc bao đồng. Vừa sơ cứu, miệng ông Hùng khấn vái: “Cầu trời, xin đừng xảy ra chuyện gì!”. Bao đời nay, gắn bó với nghề xe ôm bươn trải kiếm sống, ông Hùng kiêm thêm “nghiệp” Tổ trưởng Điểm sơ cấp cứu Hòa Phát, thấm thoát có đến hơn 30 năm.

Bà Lê Thị Như Hồng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Đà Nẵng cho biết: “Năm 2016, khi thành lập Điểm sơ cấp cứu Hòa Phát, khó khăn nhất là việc tìm địa điểm đặt trụ sở. Tôi thật sự xúc động khi chú Hùng tự nguyện lấy ngôi nhà số 778 Lê Trọng Tấn của mình làm “tiền trạm 115” sơ cấp cứu TNGT phường Hòa Phát mà không hề nhận bất cứ một khoản tiền hỗ trợ nào. Hơn 3 năm nay, toàn bộ tầng 1 ngôi nhà 3 tầng khá khang trang ấy đã trở thành điểm sơ cấp cứu nhiều nạn nhân bị TNGT vượt qua cơn nguy kịch.

Ông Hùng bảo: “Có nhiều vụ TNGT, xe cứu thương không đến kịp, hay nạn nhân cần điểm để ổn định tinh thần, sức khỏe… tôi cùng mọi người dìu về nhà sơ cứu, nhưng phải có phương pháp và tùy trường hợp, nếu không bệnh thêm nặng”.

Bà Trần Thị Công Ly (vợ ông Hùng) kể lại: “Chuyện ông giúp người TNGT thì từ lâu rồi, nhưng mấy năm trước khi nghe ông định lấy cả nhà làm nơi cứu nạn TNGT, cả nhà phản đối vì sợ cảnh máu me. Nhưng rồi, ổng thuyết phục mãi, mới đầu nhìn cũng sợ, dần dần thành quen và đồng cảm với người gặp nạn nên con cái trong nhà cũng phụ ông giúp người khi cần”.

Còn bà Bùi Thị Tuyết Minh, một người dân thuộc tổ 47 (phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) chia sẻ: “Chuyện ông Hùng đi làm việc nghĩa bao năm nay người dân Hòa Phát ai cũng biết. Không chỉ giúp “người dưng” không may gặp nạn, mà ông còn xúm tay vào giúp bà con lối xóm khi gặp khó khăn, hoạn nạn”.

Hơn 30 năm cứu người bị TNGT, ông Hùng chẳng thể nhớ hết số nạn nhân, người bị thương, người tử vong, cộng lại mỗi năm cả chục trường hợp. Nhiều người còn chẳng nhớ mặt gọi tên, nhưng sau khi tai qua nạn khỏi, nhiều người lặn lội mang theo gạo, rau quả ra cảm ơn, ông Hùng mới kịp nhớ đã từng cứu họ.

Ngồi trước thềm nhà nhìn ra nút giao thông đường Lê Trọng Tấn với đường sắt, đường Trường Chinh (QL1), đôi mắt ông đượm buồn: “Chỉ riêng nút giao thông này, thần chết đã cướp đi mạng sống của nhiều người trên tay tôi. Tôi luôn ám ảnh về họ, cho dù tên tuổi, quê quán từng người gặp nạn tôi không hề biết rõ…!”.

Ám ảnh, mong vơi bớt nỗi đau TNGT

img
Hành trang mỗi ngày của ông Hùng luôn có các thiết bị y tế sẵn sàng cứu giúp người gặp nạn

Kể về “duyên nghiệp” với việc cứu nạn TNGT, ông Hùng bảo: Một ngày năm 1988, khi đang trên đường đi làm, ông bất ngờ gặp 1 thi thể dập nát nằm dưới gầm chiếc xe container. Nạn nhân mặc quân phục bộ đội, mọi người chỉ biết đứng nhìn và sợ. “Trời xui đất khiến thế nào, tôi cứ thế chạy lại gom nhặt phần thi thể dưới trời mưa”, ông Hùng kể và cho biết, ám ảnh nhất là khi gặp nạn nhân trong hoàn cảnh thi thể không còn nguyên vẹn.

Hơn chục năm trước, gặp vụ TNGT đường sắt khu vực giao cắt đường Lê Trọng Tấn, ông Hùng cẩn thận lật từng viên đá, gom từng mảnh thi thể trao cho người nhà nạn nhân… “

Mấy ngày sau, có thông tin nạn nhân này bị nhiễm HIV, tôi phát hoảng vì khi đó mình không dùng bất kỳ dụng cụ bảo hộ gì, làm xong cũng chỉ rửa tay bằng rượu. May mắn sức khỏe tôi vẫn ổn, nhưng sau sự việc này đã cho tôi một bài học kinh nghiệm”, ông Hùng chia sẻ.

Lật giở từng trang cuốn sổ ghi chép về các trường hợp cứu người bị TNGT, giọng ông Hùng buồn buồn: “Trong năm 2019 này, có hàng trăm trường hợp được ứng cứu kịp thời, nhưng cũng có hàng chục trường hợp tử vong vì chấn thương quá nặng. Tôi chỉ mong mọi người ý thức và chấp hành Luật GTĐB, để không còn những vụ TNGT đau lòng. Khi gặp nạn rồi, ai cũng hối tiếc nhưng nhiều trường hợp quá muộn”, ông Hùng nói.

Tranh thủ những “cuốc” xe ôm, ông Hùng tìm cách tuyên truyền giao thông cho hành khách. Không chỉ giúp nạn nhân TNGT, ông Hùng thường chạy xe ôm miễn phí phục vụ người tàn tật, người già, ốm đau… Ông cười hiền, chỉ mong mỗi người chung tay làm một việc thiện, tử tế thì xã hội sẽ yên bình hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.