Văn hóa - Giải Trí

“Oscar ảo thuật” Nguyễn Phương: Cát-xê một show bằng lương tháng công chức

29/05/2016, 09:18

Nghề nào cũng có khó khăn, vất vả và ảo thuật cũng vậy.

IMG_0610 (FILEminimizer)

Nguyễn Phương nhận giải thưởng International Merlin Award

Nguyễn Phương đã tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả không chỉ với nickname “hotboy làng ảo thuật”, mà còn bởi những màn biểu diễn đầy chất nghệ thuật, bất ngờ.

Là người Việt đầu tiên “khiêng” giải thưởng International Merlin Award của Hiệp hội Ảo thuật gia Thế giới, một giải tương đương với Oscar điện ảnh, Nguyễn Phương vẫn đầy vẻ hóm hỉnh trả lời Báo Giao thông về con đường nghệ thuật của mình.

Diễn 15 phút bằng cả tháng lương giáo viên

Từ một thày giáo chuyển sang thành ảo thuật gia. Xem ra, đây mới là nghiệp chính của anh?

Đó là nghề kiếm cơm chính thôi! (cười).

Chắc hẳn, cát-xê nghề này cao ngang ca sĩ hạng A ấy nhỉ?

Tôi diễn nhiều chương trình, sự kiện lớn. Ngoài ra, tôi cũng có biểu diễn ở một số nước. Diễn ở nước ngoài cũng chỉ là đánh tiếng cho đẹp, nếu tính về cát-xê không bằng ở Việt Nam.

Nhiều người cho rằng, ảo thuật là một nghề không có tiềm năng và không có tương lai ở Việt Nam?

Nói không có tiềm năng, đó chỉ là những người chơi không tới lối thôi. Tôi làm giảng viên 10 năm, lương biên chế hiện nay khoảng 6,5 triệu đồng, không bằng show diễn ngoài của tôi. Tôi diễn 15 phút bằng lương một tháng, tất nhiên phải có tiềm năng rồi.

Năm ngoái, tôi đi diễn bên Australia nhưng làng giải trí bên đó không tốt bằng bên mình. Ở bên đó, cộng đồng người Việt ít, 1 - 2 tháng tôi mới diễn được 1 - 2 show. Còn ở Việt Nam có tháng tôi chạy 15 - 20 show. Phát triển sự nghiệp ở Việt Nam tốt cho mình hơn.

Tuy nhiên, ảo thuật rất tốn tiền. Đồ diễn mua rất đắt, nếu không ai mời biểu diễn hoặc chi phí cát-xê thấp thì không đủ chi phí.

Làm ảo thuật gia kiếm được nhiều tiền, anh còn thích thú với dạy học nữa không?

Ban ngày tôi vẫn dạy học ở trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng, TP HCM, còn buổi tối thì chạy show. Ngoài ra, thi thoảng tham gia gameshow, chụp hình, đóng quảng cáo.

Thật ra, nghề giáo hay ảo thuật thì nghề nào tôi cũng thích. Nghề nào cũng mang đến nụ cười và niềm vui cho mọi người. Tuy là nghề giáo viên ít tiền hơn diễn ảo thuật nhưng tôi lại thích đi dạy hơn. Làm thày có nhiều học trò yêu quý, niềm vui đó thật sự khó tả.

Ảo thuật không có trò nào dở, chỉ có… người diễn dở

Anh đã từng tham dự Asia’s Got Talent, Australia’s Got Talent. Bước ra biển lớn, anh có sợ sóng to không?

Các cuộc thi đó rất gay cấn và bất lợi của tôi là ngôn ngữ, khó truyền đạt cho người nước ngoài. Dù mới chỉ dừng ở vòng đầu, nhưng tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ bạn bè thế giới.

Ảo thuật của Việt Nam với thế giới thì có khác không?

Ở nước ngoài, số lượng ảo thuật gia rất ít, nhưng một khi đã là ảo thuật gia, họ làm nghề rất nghiêm túc. Những đồ ảo thuật của họ đắt hơn ở Việt Nam rất nhiều. Về chất lượng, các tiết mục của ta vẫn còn kém nước ngoài. Họ dám đầu tư một tiết mục mấy nghìn đô, còn ở Việt Nam các ảo thuật gia ít dám đầu tư tiết mục lớn, hầu như chỉ đầu tư đồ diễn cho tiết mục nhỏ.

Có điều hơi trái khoáy chút, ở Việt Nam ra đường gặp rất nhiều ảo thuật gia, có người biết chơi chút chút cũng nhận là ảo thuật gia.

Anh nghĩ ảo thuật Việt Nam cần làm gì để phát triển hơn nữa?

Nghề nào cũng có khó khăn, vất vả và ảo thuật cũng vậy. Để tạo dựng được tên tuổi, đầu tiên là ý tưởng màn biểu diễn của mình. Ý tưởng phải tốt, nắm bắt thị hiếu của khán giả.

Cạnh đó, các ảo thuật gia cần phải đầu tư những tiết mục hay và độc hơn nữa. Trên thế giới những tiết mục của họ được đầu tư rất cao, có chất lượng, sự sáng tạo, còn ở Việt Nam nhiều khi là chế ra y chang tiết mục của nước ngoài, tuy nhiên kỹ thuật, sự chuẩn xác không bằng họ.

Tôi tưởng chỉ có ca sĩ mới chạy theo thị hiếu của khán giả thôi chứ?

Khán giả bây giờ rất khó tính, rất tinh mắt. Không thể dùng một tiết mục diễn mãi được. Chính vì thế, cần phải tập luyện cho tiết mục mới thật hoàn hảo. Ảo thuật không có trò nào dở, chỉ có người diễn dở. Tập luyện không khó như diễn xiếc, nhưng khổ là tốn nhiều tiền để mua đồ diễn.

Cảm ơn anh!

Ảo thuật gia Nguyễn Phương từng là vận động viên điền kinh, sau đó trở thành giáo viên giáo dục thể chất. Anh bén duyên với nghiệp ảo thuật từ năm 2000 và nhận được sự yêu mến của khán giả khắp nơi sau đêm chung kết Vietnam’s Got Talent 2013.

Ngoài thành tích lọt Top 4 Vietnam’s Got Talent 2013, Nguyễn Phương còn tham gia cuộc thi Asia’s Got Talent tại Malaysia 2014; Giải Nhì cuộc thi Tài năng toàn quốc; Năm 2015, anh là ứng cử viên duy nhất của Việt Nam tham dự Australia’s Got Talent.

Ngoài ra, Nguyễn Phương còn tham gia nhiều chương trình ảo thuật, giải trí trong và ngoài nước. Sắp tới, Nguyễn Phương sẽ làm một liveshow từ thiện kết hợp với những mạnh thường quân ở quê nhà giúp đỡ người nghèo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.