Parkson Việt Nam nộp đơn phá sản
Parkson Retail Asia (PRA), công ty con được niêm yết tại Singapore do Parkson Holding sở hữu 67,96%, cho biết tập đoàn Parkson sẽ rời khỏi Việt Nam sau 18 năm hoạt động do không đạt kết quả thuận lợi về thương mại.
Tập đoàn Parkson đặt chân vào Việt Nam năm 2005 và phát triển chuỗi trung tâm mua sắm cao cấp tại các thành phố lớn là TP.HCM, Hà Nội và Hải Phòng, có thời điểm lên đến 10 trung tâm. Tập đoàn này cũng điều hành một số trung tâm thương mại (TTTM) ở Indonesia và Myanmar nhưng sau đó cũng phải đóng cửa.
Sau 18 năm hoạt động, Parkson Việt Nam đã phải nộp đơn phá sản trước những khó khăn về môi trường kinh doanh
Trong thông báo gửi lên sàn giao dịch chứng khoán Singapore, PRA cho biết Parkson Việt Nam có lịch sử hoạt động thua lỗ. Các khoản lỗ thậm chí tiếp tục phình to những năm gần đây do sự ảnh hưởng từ Covid-19 tới môi trường kinh doanh.
Bên cạnh đó, việc thiếu hỗ trợ từ chủ mặt bằng, ví dụ như không giảm tiền thuê hoặc giảm không đáng kể, trong thời gian phong tỏa vì Covid-19 ảnh hưởng xấu đến tình hình tài chính của Parkson Việt Nam. Thuế đất cao cũng là nguyên nhân khiến công ty thêm khó khăn.
Trong năm tài chính 2022, các hoạt động tại Việt Nam ghi nhận khoản lỗ trước thuế 1,72 triệu USD trong khi cùng kỳ năm trước lãi trước thuế 10,27 triệu USD. Doanh thu công ty cũng giảm từ 7,57 triệu USD vào năm 2021 xuống còn 1,8 triệu USD vào năm ngoái.
Hiện Parkson Việt Nam còn vận hành duy nhất một TTTM nằm tại quận 1, TP.HCM. Theo quy định tại Việt Nam, Parkson Việt Nam chịu trách nhiệm pháp lý hoàn toàn quá trình phá sản và không liên quan tới công ty mẹ hay công ty con trong hệ thống.
Với việc sắp rút khỏi Việt Nam, hoạt động duy nhất của PRA sẽ là ở Malaysia. Theo báo cáo thường niên năm 2022, PRA có 38 cửa hàng tại Malaysia với tổng diện tích bán lẻ là 429.000m2.
Quan hệ với các nhãn hàng đang thuê tại Parkson ra sao?
Nhìn nhận từ góc độ pháp lý, trao đổi với Báo Giao thông, Ths. luật sư Vũ Thuý Hằng - Công ty Luật BC Pacific cho biết, phá sản doanh nghiệp chỉ có một lý do duy nhất đó là không còn khả năng thanh toán các khoản nợ trong thời hạn ba tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
Theo luật sư Hằng, để được kinh doanh trong TTTM, các nhãn hàng phải ký kết hợp đồng thuê mặt bằng với công ty chủ quản của trung tâm thương mại đó.
Khi TTTM đóng cửa sẽ phát sinh hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng và kích hoạt chế tài bồi thường vi phạm hợp đồng do hành vi đơn phương trên gây ra.
Uniqlo, Muji đang là số ít thương hiệu thu hút khách hàng ở Parkson Saigon Tourist
Do đó, khi TTTM Parkson tuyên bố phá sản, các chủ gian hàng trở thành chủ nợ.
Cho nên, cần căn cứ vào nội dung của hợp đồng để xác định những điều kiện, điều khoản phạt vi phạm để yêu cầu phía Parkson thực hiện việc bồi thường theo thỏa thuận.
Ths. luật sư Vũ Thuý Hằng cho biết thêm: “Trình tự và thời gian giải quyết thủ tục phá sản sau khi ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản là 30 ngày kể từ ngày toà án thụ lý hồ sơ.
Niêm yết danh sách chủ nợ, người mắc nợ từ 60 ngày kể từ ngày toà án ra quyết định mở thủ tục phá sản.
Khiếu nại và giải quyết khiếu nại danh sách chủ nợ là 15 ngày kể từ ngày niêm yết.
Sau đó, tổ chức hội nghị chủ nợ từ 15 ngày kể từ ngày khoá sổ danh sách chủ nợ”.
Ngoài ra, nghĩa vụ tài chính của Parkson với Nhà nước theo nghĩa hẹp là việc nộp thuế và nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
"Theo quy định tại khoản 1, Điều 85 Luật Quản lý thuế 2019 về các trường hợp được xoá nợ tiền thuế có doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
Do đó, nếu Parkson bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế thì được xoá nợ tiền thuế", luật sư Hằng nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận