“Chính vì chúng ta đang có quá nhiều triết lý đao to, búa lớn, làm cho chính người học, người dạy không tin tưởng vào triết lý ấy”, ĐBQH, PGS. BS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Phó trưởng Bộ môn Tim mạch (Đại học Y Hà Nội) chia sẻ với Báo Giao thông câu chuyện về dạy và học, về vị trí, vai trò của người thầy trong xã hội, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
PGS. Nguyễn Lân Hiếu. Ảnh: Quang Anh
Nên chọn triết lý giáo dục thật đơn giản
Là con trai GS. Nguyễn Lân Dũng, cháu nội NGND Nguyễn Lân, cháu ngoại cố Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên... vậy người con, người cháu Nguyễn Lân Hiếu đã phải làm gì để thoát khỏi cái bóng quá lớn của dòng họ để gây dựng sự nghiệp của mình?
Là một người cháu, người con trong gia đình, tôi vẫn luôn nghĩ mình là thành viên và có nghĩa vụ phát huy truyền thống tốt đẹp từ nhiều thế hệ cả hai bên nội ngoại.
Sự giáo dục cốt lõi trong gia đình chúng tôi là tôn trọng mỗi cá nhân phát triển theo khả năng của riêng mình. Chính vì vậy bản thân tôi luôn có lối đi và suy nghĩ của riêng mình.
Triết lý giáo dục của ông là gì và nó ảnh hưởng bởi các bậc cha anh mình như thế nào?
Theo tôi mỗi giai đoạn cần có một triết lý riêng, nó giúp thay đổi những vấn đề cấp thiết đang được đặt ra.
Tôi nghĩ hiện nay chính vì chúng ta đang có quá nhiều triết lý “đao to búa lớn” làm cho chính người học, người dạy không tin tưởng vào những triết lý ấy. Nhiều triết lý giáo dục nghe rất hay nhưng không đạt được mục đích chính là định hướng con đường phát triển giáo dục Việt Nam.
Tôi đề xuất trong giai đoạn này, khi ngành Giáo dục đang có rất nhiều khủng hoảng, chúng ta nên chọn triết lý giáo dục thật đơn giản nhưng thật dễ hiểu, đó là triết lý giáo dục “Không nói dối”.
Cần xây dựng nền giáo dục không nói dối ngay từ khi các em còn học mẫu giáo. Khi trẻ đã không nói dối thì em học lễ, học văn… cũng sẽ thành công. Nếu nói dối ngay từ nhỏ thì kiến thức rồi cũng sẽ không bền, sẽ dẫn đến hậu quả mà chúng ta thấy ngày càng nhiều hơn trong xã hội.
Trên diễn đàn Quốc hội, ông là đại biểu được chú ý với những phát biểu rất tâm huyết, trong đó có những phát biểu về giáo dục. Theo ông, nền giáo dục hiện nay của chúng ta đang gặp phải những vấn đề gì và nguyên nhân vì sao?
Như tôi đã nói, chính triết lý giáo dục hiện nay của chúng ta vẫn chưa thực sự rõ ràng để con thuyền Giáo dục đi đúng hướng. Chính vì thế, tôi rất mong muốn trong giai đoạn tới, chúng ta cần nhìn thẳng vào những điều chưa đúng để giải quyết.
Và tôi thấy rất mừng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn là người dám nhìn thẳng vào sự thật. Những tuyên bố và hành động của Bộ trưởng trong giai đoạn qua, đã mạnh dạn đề cập đến những khó khăn, vướng mắc nhất.
Thành công hay không chúng ta cần chờ, nhưng một mình Bộ trưởng không thể làm thay đổi được mà cần sự vào cuộc của các hệ thống giáo dục, các bộ phận trực tiếp, gián tiếp khác liên quan đến giáo dục. Mà ở đây tôi muốn nhấn mạnh giáo dục phổ thông cần phải thay đổi.
Vì sao ông nhấn mạnh đến giáo dục phổ thông?
Tồn tại cần phải thay đổi nhất đó chính là cách dạy của các giáo viên phổ thông, cách tiếp cận với các em. Hiện chúng ta đang nhìn thấy sự thay đổi của SGK, tài liệu tham khảo… nhưng tôi nghĩ đó chỉ là cái bề ngoài.
Điều quan trọng cần thay đổi chính là cách tiếp cận. Chúng ta vẫn nói rất hay rằng “học sinh là trung tâm”, “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” nhưng có thực sự như vậy không?
Có thực tế là hiện nay chúng ta nhồi nhét kiến thức cho trẻ nhiều quá, mà điều đó không phải vì các cháu mà vì chính chúng ta. Chúng ta cảm giác yên tâm khi đã cho con học được nhiều kiến thức, nhưng điều đó cũng chưa đúng.
Tôi rất may mắn khi bản thân học trường Thực nghiệm của Thầy Đại (GS. Hồ Ngọc Đại - PV) từ bé, con tôi thì học Alexandre Yersin.
Tôi chứng kiến cách giáo dục của nhà trường theo giáo trình của Pháp và nhận thấy những năm đầu đời các cháu học rất nhẹ nhàng.
Chủ yếu theo sở thích của trẻ, tạo cho các cháu phát triển khả năng tự nhiên và đặc biệt phụ huynh không được can thiệp vào việc học dưới mọi hình thức để con có lợi thế hơn các bạn. Sự tường minh là tiêu chí giáo dục xuyên suốt cả 3 cấp học.
Do vậy, chúng ta cần thực sự nhìn thẳng vào sự thật, điều gì chưa đúng cần thay đổi. Trong đó cần thay đổi về suy nghĩ của người làm giáo dục, chứ không phải sự thay đổi về hình thức.
Như tôi nói, quay trở lại triết lý giáo dục “Không nói dối”, từ đó tất cả mọi chuyện sẽ khác, không thành tích, không nặng nề thi cử, khi tất cả từ học sinh nói thật, thầy cô giáo nói thật, hiệu trưởng nói thật.
Mấy năm qua, xảy ra khá nhiều câu chuyện đau lòng, liên quan đến giáo dục, từ chuyện trò đánh thầy, phụ huynh bắt thầy quỳ xin lỗi, cho đến chuyện thầy cô ứng xử thiếu chuẩn mực… Dẫu không phải là phổ biến, nhưng ông có cho rằng, những câu chuyện đó phần nào nói lên một điều gì đó khiến chúng ta thực sự cần phải thay đổi?
Tôi quay lại câu đầu tiên, nếu tất cả đều không thành thật, thầy dạy những điều nghe rất cao quý nhưng trong thực tế hàng ngày không đúng như thế và ngược lại, trò “ngấm” quá lâu tư tưởng hình thức, nói dối đến lúc sẽ nói dối lại.
Có thể trẻ khoanh tay lễ phép chào thầy nhưng trong lòng rất ghét thì đến một lúc nào đó sẽ bột phát xảy ra những câu chuyện đáng tiếc mà trong lịch sử cũng chưa bao giờ có như thế này.
Với câu chuyện một số thầy có ứng xử thiếu chuẩn mực, tôi nghĩ đó là hậu quả của giáo dục. Đối với định hướng sai trong y tế, hậu quả sẽ thấy ngay trước mắt nhưng với giáo dục luôn có độ trễ 10 - 20 năm sau. Lớp giáo viên bây giờ rất nhiều người bị ảnh hưởng bởi nền giáo dục trước. Chúng ta có vẻ đi sai đường khi càng cải tổ càng vướng mắc
Tôi nghĩ hiện đang rất khó cho bất cứ ai đang chèo con thuyền giáo dục, bởi con thuyền đang quay vòng, chưa biết sẽ theo hướng nào.
Nhưng tôi vẫn đặt nhiều hy vọng ở Bộ trưởng Kim Sơn vì trong thâm tâm tôi, Bộ trưởng có nhiều phát biểu rất thẳng thắn, nhìn nhận đúng thực trạng. Tôi tin rằng khi đã nói đúng được thực trạng chúng ta sẽ có được giải pháp.
Tôi cũng tin là các thế hệ tương lai 5 năm, 10 năm chắc chắn sẽ tốt hơn. Còn thế hệ hiện tại của chúng ta bị hậu quả của chương trình giáo dục của 10 - 20 năm trước, một nền giáo dục không rõ ràng, không tường minh.
“25 năm dạy học, tôi chưa xưng thầy với ai”
Ngoài là bác sĩ chuyên ngành Tim mạch, ông còn đảm đương vai trò thầy giáo của nhiều thế hệ học trò trong chuyên ngành này. Ở góc độ một người thầy giáo, ông suy nghĩ gì về hình tượng người thầy trong xã hội hiện nay, vốn rất khác trước đây?
Tôi thú thật, tôi đi dạy được gần 25 năm nhưng chưa bao giờ tôi tự xưng là thầy với ai bao giờ. Từ khi tôi đi dạy đến giờ, học trò gọi bằng thầy nhiều lắm dù có người mình chẳng dạy ngày nào. Có thể vì chúng tôi có chương trình đào tạo từ xa, chúng tôi đi khắp nơi hỗ trợ can thiệp ở khắp nơi… nên nhiều y, bác sĩ gọi chúng tôi là thầy.
Trước đây chúng ta vẫn nói “y tế công, giáo dục công là mũi nhọn”, đầu tàu nhưng tôi đề xuất phải thay đổi y tế công, giáo dục công là nền tảng để không ai bị bỏ lại phía sau; còn ngược lại y tế tư nhân, giáo dục tư thục là động lực để đẩy nền giáo dục đi lên, tạo bước đột phá. Vậy cần phải thay đổi quan niệm, khi đã thay đổi thì chính sách sẽ đi theo.
PGS. BS. Nguyễn Lân Hiếu
Đối với tôi, từ “Thầy” cao quý lắm, vì mình nghĩ khi mình xưng thầy với học trò thì mình phải thực sự xứng đáng. Làm thầy ở nhiều lĩnh vực không chỉ dạy kiến thức mà làm thầy ở cả đạo đức, con người về mọi mặt mới xứng đáng làm thầy.
Thật ra, những người tôi gọi là học trò cưng, tôi cũng chỉ dám gọi tên và xưng tôi mà thôi.
Người ta vẫn nói nghề giáo là nghề cao quý nhất, nhưng có thực tế là mấy năm qua đầu vào ngành sư phạm rất thấp. Liệu chúng ta có nên lo lắng cho tương lai các thế hệ trẻ sau này, khi thầy cô giáo của mình không phải là những người giỏi thực sự?
Tôi nghĩ điều đó có một phần ảnh hưởng nhưng không phải là quan trọng. Bởi chắc gì đầu vào thi đỗ giỏi đã là người thầy giỏi.
Với nền giáo dục dạy dập khuôn, máy móc, 29 - 30 điểm mới đỗ đại học thì người học chưa chắc đã giỏi mà có thể chăm luyện. Tôi thấy lớp tôi là điển hình những cô bé, cậu bé khi ngồi ghế nhà trường điểm không cao, nghịch ngợm sau lại là người xuất chúng…
Tôi không nghĩ đầu vào là quyết định mà quan trọng là dạy điều gì trong các trường Sư phạm – đó là điều khó nhất. Tôi nghĩ chúng ta muốn thay đổi nền giáo dục Việt Nam chuyển sang hướng “thẳng thắn, tường minh, không nói dối” thì phải bắt đầu từ đào tạo ở trường Sư phạm. Đây là yếu tố để thúc đẩy và vấn đề cốt lõi nhất là thay đổi suy nghĩ, tư tưởng của cả hệ thống.
Cần trả lương cho giáo viên xứng đáng
Hiện ở ta, thu nhập, đãi ngộ giáo viên còn rất thấp. Phải chăng cũng vì câu chuyện cơm áo gạo tiền mà mới nảy sinh những câu chuyện không ai muốn thấy, như đã diễn ra?
Giống ngành Y tế, rất khó khăn khi đòi hỏi đơn vị sự nghiệp công lập, nghĩa là Nhà nước lập ra nhưng phải tự lo. Vì hiện nay chủ trương chung của chúng ta là “giáo dục toàn dân”, “chăm sóc sức khỏe toàn dân”, để thực hiện chủ trương đó cần gắn liền chính sách.
Như ở Cuba “chăm sóc sức khỏe toàn dân” là miễn phí tất cả dịch vụ y tế, trong giáo dục cũng vậy. Hoặc ở các nước tư bản thì rất rõ ràng dịch vụ đặt hàng. Nhưng chúng ta hiện đã vướng mắc giữa vừa “toàn dân” lại vừa “tự lo”, mâu thuẫn và rất khó khăn.
Tôi đề xuất, riêng ngành Giáo dục không nên bỏ biên chế. Chúng ta đừng máy móc cắt giảm biên chế mỗi năm, cần biên chế như trước đây. Và những đơn vị nào tự chủ được, không hưởng lương ngân sách thì cần khuyến khích.
Và điều quan trọng là chúng ta cần làm sao để có mặt bằng tương đương với các ngành nghề khác trong xã hội. Sự so sánh với ngành nghề khác sẽ rất khó vậy rất đơn giản là trường tư trả lương cho cho giáo viên ra sao thì trường công cố gắng bằng 70%. Có thể đây là khoản tiền khổng lồ nhưng chúng ta có thể làm được nếu bớt đi những công trình “nghìn tỷ”.
Còn với việc tăng lương như hiện nay sẽ không mang nhiều ý nghĩa khi mặt bằng xã hội hiện nay “nước lên, thuyền lên”, đời sống của giáo viên vẫn sẽ không được đảm bảo.
Giả sử ông là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông sẽ ưu tiên làm những gì trước mắt và cả lâu dài?
Tôi rất hiểu những khó khăn vướng mắc mà Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đang trăn trở. Mong rằng sẽ có một đội ngũ trợ lý tư vấn hỗ trợ giúp phát triển bền vững ngành trụ cột của đất nước
Tôi sẽ không nhận vai Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bởi tôi không hiểu thật rõ về giáo dục trẻ em như các thầy cô giáo nhiều kinh nghiệm.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận