Thời sự

PGS Nguyễn Trọng Phúc: Phải chọn được những người “dĩ công vi thượng”

07/05/2018, 11:30

PGS Nguyễn Trọng Phúc góp ý về công tác cán bộ đang được Hội nghị Trung ương 7 bàn thảo.

4

PGS. TS. Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng)

PGS. TS. Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng) nhận định: Với “Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, số cán bộ cấp chiến lược ở T.Ư được tính từ cấp Thứ trưởng trở lên và Phó trưởng ban của các ban bên Đảng trở lên, ở địa phương thì có Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, TP… Tính chung khoảng hơn 600 người.

Vừa rồi, nhiều cán bộ thuộc diện cấp chiến lược mắc sai lầm, vi phạm và bị kỷ luật nghiêm khắc. Vì thế, phải tổng kết xem khiếm khuyết, hạn chế hay sơ hở trong quy trình lựa chọn thế nào đối với cán bộ ở cấp này. Bởi nếu có sai sót ở cán bộ cấp chiến lược thì rất nguy hiểm. Chúng ta phải khắc phục được việc bố trí cán bộ theo cảm tính, lợi ích nhóm và quan hệ thân hữu. Phải thực sự dân chủ công khai, minh bạch và có cách làm kiên quyết.

Nghiên cứu công tác Đảng trong suốt nhiều năm qua, tôi nhận thấy cán bộ cấp chiến lược trước hết phải chú ý đến tiêu chuẩn về đạo đức cách mạng trong sáng như mong muốn của Bác Hồ, “dĩ công vi thượng”, không có tơ hào lợi ích, dính vào tham nhũng, lợi ích nhóm. Vì đạo đức là cái gốc của người lãnh đạo. Cán bộ cấp chiến lược phải là người có khả năng tư duy tầm chiến lược để góp phần hoạch định cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó phải có năng lực thực tiễn để cụ thể hoá các quan điểm, đường lối đưa ra.

Nhưng quan trọng chúng ta phải giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa hệ thống tổ chức với lựa chọn, bố trí cán bộ. Tổ chức tốt mà bố trí cán bộ không đúng sẽ không hiệu quả; không hoàn thiện tổ chức mà chỉ quan tâm cán bộ thì cán bộ khó phát huy vai trò của mình. Vấn đề mấu chốt khác là cần kiểm soát quyền lực. Khi đã bố trí và lựa chọn đúng, phải kiểm soát, bởi nếu lơ là trong việc này thì khi cán bộ vào vị trí có chức quyền rất dễ lạm quyền, lộng quyền, có sai phạm. Nếu không kiểm soát tốt quyền lực thì sẽ mất cán bộ.

Khai mạc sáng nay tại Hà Nội, Hội nghị Trung ương 7 khoá XII sẽ tập trung thảo luận về các đề án quan trọng như: Đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Đề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; Đề án Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” do Ban Tổ chức Trung ương chuẩn bị đề xuất nhiều đột phá trong công tác cán bộ. Cụ thể, việc đánh giá cán bộ sẽ gắn với kết quả hoàn thành nhiệm vụ; ưu tiên người trẻ có tài vào vị trí lãnh đạo, kể cả vượt cấp; mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm; chống chạy chức chạy quyền; bí thư cấp tỉnh, huyện không là người địa phương...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.