Chất lượng sống

PGS Văn Như Cương chia sẻ bí quyết đẩy lùi bệnh ung thư gan

10/05/2015, 21:56

PGS Văn Như Cương đang ở tuổi 79, vừa trải qua căn bệnh ung thư gan giai đoạn muộn nhưng sức khỏe vẫn tốt.

vannhucuong
Nhà giáo Văn Như Cương

Đến nay các khối u và tế bào ung thư trung gian đã tan. Đó là một phép màu kỳ diệu do chính bản thân thầy viết nên cùng vời sự giúp sức của các y, bác sĩ. Trong một cuộc trò chuyện đầu hè, thầy Văn Như Cương đã chia sẻ bí quyết đẩy lùi căn bệnh ung thư của mình với phóng viên chúng tôi.

Chủ động nghênh chiến với bệnh tật

Đến thăm PGS Văn Như Cương tại phòng làm của ông tại trường THPL Lương Thế Vinh (Nam Trung Yên, Hà Nội), người thầy già của biết bao thế hệ học trò vẫn khỏe mạnh, giọng nói nhẹ nhàng đầy truyền cảm. Đã gần 4 tháng “bệnh tan”, PGS Cương kể có rất nhiều người đến hỏi sức khỏe của thầy và xin thầy kinh nghiệm điều trị ung thư gan. Trong đó có cả những người miền Trung, miền Nam gọi điện tới.

Thầy Cương cười dí dỏm: “Tôi thành chuyên gia tư vấn bệnh mất rồi”. Mỗi lần nhìn vào đôi tay gầy và đường gân nổi lên, thầy cười “tôi chỉ cần ăn khỏe lên cho béo hơn chút là được”. Giọng trầm ấm, người thầy 80 tuổi kể về những ngày chiến đấu với căn bệnh ung thư của mình.

Từ tháng 7/2014, thầy Cương thấy mình hay có những cơn đau bụng ở hạ sườn, ăn không ngon miệng, mỗi bữa ăn không được nhiều. Thầy Cương được gia đình đưa đi kiểm tra sức khỏe và phát hiện thầy bị u xơ tiền liệt tuyến. Các bác sĩ đã cắt bỏ u xơ tiền liệt tuyến bằng phương pháp mổ nội soi. Tưởng như đã xong nhưng được một thời gian, thầy Cương vẫn thấy mệt mỏi và có triệu chứng đau bụng thường xuyên. Gia đình đưa thầy đi kiểm tra sức khỏe lần nữa thì bác sĩ phát hiện thầy có vấn đề về gan. Tại bệnh viện Việt Đức, sau khi cụp CT và các xét nghiệm khác, bác sĩ chẩn đoán PGS Cương bị ung thư gan.

Nhận kết quả từ bác sĩ, bà Oanh – vợ thầy Cương vô cùng lo lắng và buồn bã. Thậm chí dấu chồng bệnh tật vì sợ thầy suy sụp. Bà cùng con gái tìm hiểu sâu về bệnh ung thư gan và biết tiên lượng của bệnh rất thấp, hơn nữa thầy Cương tuổi cao, không thể đáp ứng được các phương pháp phẫu thuật như thay gan, phẫu thuật cắt gan hay cắt khối u, bởi khối u của thầy rất to. Vợ thầy Cương kể bà đã liên hệ với người quen muốn chữa bệnh cho thầy theo phương pháp Đông y. Họ được người quen giới thiệu cho thầy lang Nguyễn Bá Nho ở Hà Nội. Sau đó, vợ và con gái đã bí mật về gặp ông lang Nho, vì sợ thầy Cương phát hiện bệnh tật sẽ suy sụp, buồn bã, càng ảnh hưởng tới sức khỏe.

Thấy người nhà có sự thay đổi tâm lý, đặc biệt tâm trạng không mấy vui vẻ, lại rất hay lo lắng, thầy Cương đoán mình đã mắc trọng bệnh. Ông muốn biết sự thật về bệnh tình của mình. Trong khi bà Oanh và các con đang tới nhà thầy lang Nho thì thầy Cương ở lại bệnh viện đã trực tiếp tới gặp bác sĩ và hỏi rõ ngọn ngành: “Đề nghị bác sĩ cho biết bệnh của tôi như thế nào? Tiên lượng ra sao? Tôi muốn biết sự thật”. Với GS Văn Như Cương thì GS Nguyễn Tiến Quyết – Giám đốc Bệnh viện Việt Đức không thể nói dối, dù là dụng ý tốt nhưng họ thấy thầy Cương rất thẳng thắn nên đã nói cho thầy tình hình bệnh tật. Khối u to lại có huyết khối. Huyết khối này không thể động dao kéo vào vì có thể sẽ bị di căn sang bộ phận khác của cơ thể. Đã là ung thư gan thì không có tiên lượng tốt nhưng trường hợp của thầy Cương càng dè dặt hơn. Giáo sư Quyết kể ông đã xem hồ sơ bệnh án và giải thích bệnh tình cho thầy Cương. Để điều trị bệnh ung thư gan, hiện nay có biện pháp khác đó là “thắt nút” tĩnh mạch gan, chặn đường tiếp tế của khối u trong gan.

Nghe đến phương pháp này, thầy Cương đã đồng ý lựa chọn ngay. Ông biết được Giáo sư Phạm Minh Thông – Trưởng khoa Chẩn đoán Hình ảnh bệnh viện Bạch Mai là người đầu tiên thực hiện kĩ thuật này nên ông và gia đình ngỏ ý muốn mời giáo sư Thông can thiệp phẫu thuật nút mạch.

Giáo sư Thông cho biết: “Khi tiếp nhận trường hợp bệnh của PGS Văn Như Cương, tổn thương gan khá nặng, khối u đã to 7 – 8 cm, tắc tĩnh mạch cửa, khối u xâm lấn ra tĩnh mạch cửa chưa phải là muộn nhưng sớm hơn thì kết quả sẽ khả quan hơn. Nếu không được chữa trị sớm, sẽ tắc hết tĩnh mạch và rất nguy hiểm đến tính mạng”. Nhận điều trị cho thầy Cương, bản thân giáo sư Thông cũng chịu áp lực rất lớn, bởi khối u của thầy lớn, gan bị tổn thương và bản thân thầy Cương còn là “người nổi tiếng”.

Bác sĩ cũng ngạc nhiên trước chuyển biến bệnh tình của thầy Cương

Khi tiếp xúc với thầy Cương, giáo sư Thông tư vấn về phương pháp này và được thầy rất ủng hộ. Giáo sư Thông tâm sự “khác với nhiều người bị ung thư, thầy Cương không hề có tâm lý hoang mang mà coi như không có bệnh”. Thầy bảo: “Tôi không nghĩ tới bệnh này đâu, bác sĩ cứ làm đúng chuyên môn của mình”.

Các bác sĩ đã tiến hành nút động mạch. Giáo sư Thông cho biết đây là một trong các biện pháp điều trị ung thư gan qua đường động mạch với nguyên lý cơ bản là chấm dứt nguồn cấp máu từ động mạch tới khối u, đồng thời đưa hóa chất diệt ung thư vào khối u.

Khi đưa thắt nút chính là bác sĩ sẽ luồn một ống có đường kính khoảng 1mm từ đùi vào động mạch gan rồi bơm hóa chất cùng dầu đặc biệt để khu trú trong khối u, làm tắc mạch máu gan và tiêu diệt khối u trong gan bằng biện pháp đốt mạch khác. Lúc đó, mạch máu chỗ dẫn đến nuôi khối u bị chặn, không còn vào nuôi khối u nữa, có thể coi là khối u bị chặn mất đường sống. Các bác sĩ chỉ kê thêm kháng sinh chống viêm nhiễm chứ không uống thêm một chất nào khác.

Song song với biện pháp nút hóa chất động mạch, gia đình thầy Cương cho thầy sử dụng thêm thuốc Đông y của ông lang Nho và sử dung thêm nước nấu từ lim xanh.

Bà Oanh, vợ thầy Cương, cho biết, lúc đầu Bệnh viện Việt Đức không cho sử dụng thuốc Đông y khi đang điều trị Tây y nên gia đình xin bác sĩ cho chuyển thầy Cương sang một bệnh viện tư nhân. Sau đó thầy Cương được nút mạch thêm 2 lần nữa ở bệnh viện tư, gia đình mời giáo sư Thông tới nút mạch hóa chất giúp thầy Cương. Sau 3 lần nút mạch, kết quả khả quan khi khối u được khống chế nhỏ dần đi.

Đến ngày 7/1/2015, thầy Cương đến kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ xem hình ảnh chụp CT của thầy Cương không tin vào mắt mình. Họ phải hội chẩn rồi chụp đi chụp lại tới 4 lần và đều chung kết quả: huyết khối đã không còn, khối u cũng trắng trên phim. Thầy Cương bảo “các bác sĩ ai cũng ngạc nhiên nói trường hợp của tôi rất hiếm thấy trong y học”.

PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết: Tiên lượng ung thư gan cực kỳ tồi. Chỉ có 1% cơ hội sống được tới 5 năm sau chẩn đoán. Thời gian sống thêm trung bình là từ 3 đến 6 tháng, nếu chưa bị cổ chướng, 1- 2 tháng khi đã bị cổ chướng. Thời gian sống tới 1 năm chỉ có 5 %. Tuy nhiên, khi biết kết quả điều trị của thầy Cương, bác sĩ Hiếu cũng bất ngờ dù mới chỉ một thời gian ngắn nhưng kết quả lại rất khả quan. Tuy nhiên nói về phương pháp nào giúp thầy Cương khỏi bệnh thì PGS Hiếu cho rằng cần xem xét lại vì không phải thầy khỏi ung thư nhờ thuốc Đông y.

Giáo sư Phạm Minh Thông cho biết các đợt kiểm tra của thầy Cương đều rất tốt. Ban đầu, 1 – 2 tháng kiểm tra một lần, sau này thưa dần 3- 6 tháng kiểm tra một lần. Giáo sư Thông cho biết, cho đến nay người bị ung thư gan điều trị bằng nút hóa chất động mạch có thể sống trên 10 năm, trên thế giới họ triển khai rất sớm từ những năm 80 – 90 của thế kỷ trước. Ở Việt Nam thời điểm đó chưa có máy chụp nên không làm được. Sau này Bệnh viện Bạch Mai có một chiếc máy chụp mạch, các bác sĩ mới thực hiện được phương pháp này. Trong điều trị ung thư thì trên 5 năm đã được xem là thành công và với phương pháp này, ngày càng có nhiều bệnh nhân mắc ung thư gan có thể điều trị thành công.

Cuối cùng, thầy Văn Như Cương khẳng định, bí quyết tốt nhất đẩy lùi bệnh ung thư gan là vứt gánh nặng bệnh tật để vui sống, chủ động chiến đấu với bệnh tật, giữ tinh thần lạc quan và tiếp tục lao động, làm việc hăng say.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.