Xã hội

PGS Văn Như Cương qua đời: Ai sẽ thay thày lúc mấy mươi?

09/10/2017, 08:49

PGS Văn Như Cương vừa qua đời ở tuổi 80, sau hơn 3 năm chống chọi với bệnh ung thư.

gs-van-nhu-cuong-qua-doi

PGS Văn Như Cương vừa qua đời ở tuổi 80, sau hơn 3 năm chống chọi với bệnh ung thư

 Sáng 9/10, thông tin từ phía gia đình PGS Văn Như Cương xác nhận, ông đã qua đời sau thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư.

PGS Văn Như Cương sinh năm 1937 trong một gia đình làm nghề dạy học tại làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Năm 1954, học xong phổ thông, ông ra Hà Nội và học khoa Toán tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp đại học xong, ông được giữ lại trường làm giảng viên. Sau đó, ông theo học chương trình nghiên cứu sinh ngành toán học tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô cũ và bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ vào năm 1971. Sau khi về nước ông làm giảng viên, công tác tại Bộ môn Hình học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Vinh. Năm 1989, ông mở trường Lương Thế Vinh, trường phổ thông dân lập đầu tiên của Việt Nam từ khi Đổi mới.

Năm 2014, PGS Văn Như Cương đón hung tin mắc bệnh ung thư gan. Với tinh thần lạc quan chữa trị, chống lại bệnh tật, đã có thời gian sức khỏe của GS phục hồi tốt. Đầu tháng 3/2017, thầy Cương phải nhập viện điều trị hơn 10 ngày, học sinh trường Lương Thế Vinh đã tự tay gấp hàng ngàn con hạc giấy với những lời mong ước thầy giáo yêu quý của mình mau bình phục. Nhờ tình yêu thương và kính trọng của học trò, sức khỏe của thầy Cương bình phục dần.

Mới đây, trong dịp khai giảng năm học mới 5.9.2017, dù sức khỏe còn yếu song thầy Cương vẫn cố gắng đến dự lễ khai giảng và nói chuyện thân tình với học sinh về căn bệnh lười biếng và... cách điều trị.

Là người thành lập ra Trường THPT Lương Thế Vinh, một trong những trường dân lập đầu tiên của cả nước, PGS Văn Như Cương luôn được học sinh yêu mến và kính phục bởi tâm huyết với giáo dục sự nghiêm khắc nhưng gần gũi và yêu thương học trò. Nhiều thế hệ học trò Lương Thế Vinh vẫn còn giữ mãi trong tim những vần thơ do thầy Cương sáng tác:

“Các em vào Đại học thày vui!

Duy chút băn khoăn, chút ngậm ngùi!

Ít em mong muốn vào sư phạm.

Ai sẽ thay thày lúc mấy mươi?”

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.