Vận tải

PGS.TS Phạm Xuân Mai: Cần làn đường riêng cho buýt sân bay

17/09/2022, 11:30

PGS.TS Phạm Xuân Mai đánh giá về bất cập khiến người dân hờ hững với xe buýt tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Thực trạng hành khách chen chúc ở nơi đón taxi tại sân bay Tân Sơn Nhất nhưng không sử dụng 3 tuyến xe buýt tại đây là điều cần nghiên cứu có giải pháp.

Báo Giao thông trao đổi với PGS.TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, ĐH Bách khoa TP.HCM về thực trạng này.

img

PGS.TS Phạm Xuân Mai - nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, ĐH Bách khoa TP.HCM. (Ảnh: H.N)

3 lý do khách chê buýt sân bay

Thưa ông, mỗi ngày sân bay Tân Sơn Nhất đón trên 100.000 hành khách khiến dịch vụ taxi, xe công nghệ đưa khách rời ga quá tải. Dù vậy, rất ít người sử dụng 3 tuyến xe buýt có chất lượng tốt, giá rất rẻ ở đây. Theo ông, tại sao như vậy?

PGS. TS Phạm Xuân Mai: Tôi cho rằng vấn đề xe buýt tại sân bay Tân Sơn Nhất “ế khách” cần được đánh giá từ 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, nhu cầu đi lại của hành khách rất đa dạng, có nhiều điểm đến nhưng 3 tuyến xe buýt trên chỉ có 3 điểm đến cuối cùng. Nếu hành khách từ máy bay đi theo 3 tuyến này sẽ phải sử dụng thêm từ 1 đến 3 tuyến nhánh nữa để về đến nhà, với việc mang theo hành lý đi kèm sẽ rất khó cho hành khách lên xuống xe buýt.

Thứ hai, xe buýt không có thiết kế cho khoang để hành lý, trong khi khách đi máy bay thường có hành lý.

Thứ ba, thói quen dùng xe buýt để đi lại hàng ngày ở TP.HCM của người dân hầu như rất thấp nên việc lựa chọn xe buýt để di chuyển cũng ít được lựa chọn.

Mặt khác, thời gian ghé trạm ở sân bay đón khách chỉ khoảng 3 phút không phù hợp cho tính chất đầu - cuối của trạm xe buýt sân bay.

Tin liên quan

Cần đường dành riêng, ưu tiên cho buýt sân bay

Vậy, cần làm gì để giải quyết được những bất cập trên, thưa ông?

PGS. TS Phạm Xuân Mai: Trước mắt cần có các trạm trung chuyển địa phương (Local bus Station-LBS) cho khách đi lại ra vào sân bay.

Cụ thể là ở một số điểm đầu mối tại các quận quanh sân bay trong vòng bán kính 2 - 3km nên có các trạm trung chuyển LBS và có các xe buýt trung chuyển hành khách. Trạm LBS này sẽ có chức năng đón khách đi sân bay bằng những loại xe buýt trung chuyển để đưa hành khách đến sân bay hoặc từ sân bay về nhà.

Như vậy cần nghiên cứu cho các hướng từ phía Thủ Đức, Bình Thạnh,... về sân bay cần đặt trên khu vực gần trục đường Hoàng Văn Thụ. Hướng từ quận 2, Nhà Bè, Q7, Q1, Q3, Phú Nhuận và một phần Tân Bình nên đặt trên trục đường Nguyễn Văn Trỗi và Lê Văn Sĩ.

Phía các quận Bình Chánh, Bình Tân, Q11,... nên đặt trên trục Hoàng Văn Thụ. Phía Củ Chi, Hóc Môn, Tân Phú... đặt trên trục Trường Chinh hoặc Cộng Hòa...

Để xác định đúng, cần có một khảo sát tỷ mỷ về lưu lượng, dòng xe để xác định vị trí.

Để tránh kẹt xe, gây ảnh hưởng đến giờ bay của hành khách, từ các trạm trung chuyển địa phương phải có các tuyến dành riêng - ưu tiên cho xe buýt sân bay. Có như vậy, hành khách mới ưu tiên lựa chọn xe buýt, xe công cộng đi vào sân bay, từ đó góp phần giảm phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất.

Với ùn tắc Tân Sơn Nhất, phải có cách tháo gỡ riêng

Mô hình này lệu có phù hợp với một sân bay nằm trong trung tâm thành phố như Tân Sơn Nhất không, thưa ông?

PGS. TS Phạm Xuân Mai: Hành khách đi sân bay có thể đến trạm LBS bằng xe taxi, xe buýt thường (nếu chỉ có hành lý xách tay) và xe buýt chuyên dùng cho sân bay.

Hành khách từ sân bay về nhà cũng sẽ dùng xe buýt từ sân bay đến trạm trung chuyển LBS và từ đây hành khách có thể đi taxi, xe buýt trung chuyển về đến tận nhà cùng hành lý.

Xe buýt trung chuyển là loại xe buýt cỡ nhỏ và cỡ trung, sức chứa từ 12 - 20 hành khách/xe, có khoang để hành lý. Các trạm trung chuyển có thể đặt tại các cây check-in cho hành khách làm thủ tục lên máy bay.

Như vậy sau khi check-in xong, hệ thống xe buýt trung chuyển sẽ đưa hành lý của hành khách ra tận máy bay theo vé của hành khách. Điều này sẽ giảm số lượng taxi, xe công nghệ, xe cá nhân vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Bởi hiện nay lối vào sân bay chỉ có một hướng duy nhất là đường Trường Sơn, luôn ùn tắc, kẹt xe, trầm trọng nhất là giờ cao điểm.

img

Hầu hết hành khách đi xe buýt tại sân bay Tân Sơn Nhất là người nước ngoài di chuyển về khu vực trung tâm TP.HCM.

Nên giải tỏa sân golf ở Tân Sơn Nhất để làm trạm trung chuyển

Để triển khai các trạm LBS bên ngoài sân bay như vậy, vấn đề đã không còn gói gọn trong câu chuyện năng lực quản lý vận hành của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất mà còn cần giải pháp của cơ quan quản lý địa phương, thưa ông?

PGS. TS Phạm Xuân Mai: Đúng vậy. Về lâu dài, tại sân bay nên có Trạm trung chuyển đa phương thức (Multi Modal Transit Hub - MMTH).

TP.HCM cần chủ động thiết kế đấu nối các tuyến tàu điện ngầm, tàu điện mặt đất và monorail của mạng lưới giao thông công cộng thành phố vào trạm trung chuyển. Lúc đó, hành khách có thể lựa chọn phương thức đến và đi khỏi sân bay qua Trạm trung chuyển đa phương thức.

Trạm trung chuyển đa phương thức phải được thiết kế ngay cạnh sân bay, có hệ thống thang cuốn, thảm chạy để hành khách tiếp cận các khu vực check - in, check - out một cách dễ dàng như các sân bay lớn trên thế giới đang áp dụng.

Sân bay Tân Sơn Nhất muốn làm được như vậy phải có 2 trạm trung chuyển đa phương thức ở 2 phía.

Có thể giải tỏa sân Golf ở phía Bắc hiện nay để làm thêm 1 trạm trung chuyển phía bên kia sân bay.

Xin cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.